Chương trình 135 nâng cao đời sống đồng bào Gia Lai

Chỉ tính trong giai đoạn II của chương trình 135, Chính phủ đã đầu tư cho tỉnh hơn 600 tỷ đồng và hiện nay đang tiếp tục cấp vốn bổ sung hơn 150 tỷ đồng. Ngoài việc tập trung đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng "điện - đường - trường - trạm", tỉnh Gia Lai đã dành một phần vốn đầu tư để phát triển hợp phần hỗ trợ sản xuất theo đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây nguyên. Đó là hỗ trợ giống cây trồng - vật nuôi cho các hộ nghèo trong vùng để có điều kiện phát triển sản xuất, đã có hơn 57.000 hộ nghèo trong vùng khó khăn được hỗ trợ các loại giống mới, vật nuôi hàng năm và phát huy được hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để bà con học tập và làm theo như mô hình thâm canh lúa nước, cắt tạo tán cà phê, đào ao nuôi cá, trồng măng tre điền trúc...Đồng thời tăng cường hỗ trợ các loại thiết bị máy móc phục vụ sản xuất như máy cắt lúa, máy cắt cỏ, máy cày, máy sạt tiêu...

Chương trình 135 đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Ảnh internet

Từ chỗ có trên 65% số hộ nghèo với phương thức sản xuất chủ yếu phát - đốt - chọc - tỉa, đến nay nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn đã biết sử dụng máy nông cụ và đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất và đã cơ bản giải quyết xong nạn đói giáp hạt. Kinh tế vườn hộ ở nhiều nơi phát triển khá, phong trào trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu... từng bước phát triển mạnh. Trong chăn nuôi, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã chuyển dần tập quán từ chăn thả rông sang nuôi nhốt, từng bước ứng dụng lai tạo giống cho đàn gia súc tạo ra sản phẩm hàng hoá ngày càng nhiều. Nhiều hộ đã có dôi dư tích luỹ và đầu tư xây dựng được nhà ở kiên cố, mua sắm trang thiết bị và phương tiện đi lại, tình trạng phá rừng làm nương rẫy giảm đáng kể.

Con em trong độ tuổi ở các vùng khó khăn đều được đến trường lớp, hạn chế tình trạng bỏ học theo cha mẹ lên nương rẫy sản xuất mỗi khi đến mùa vụ. Trường lớp học ở các buôn làng được đầu tư xây dựng kiên cố, khắc phục tốt tình trạng tranh - tre - nứa lá phục vụ tốt nhu cầu học tập cho các em. Nhiều em đã có điều kiện theo học lên đến cấp II, cấp III và cử tuyển vào đại học, cao đẳng và đã tốt nghiệp về phục vụ tại địa phương. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho bà con cũng được coi trọng, bà con có bệnh tật đều được đến cơ sở y tế tại địa bàn để khám chữa bệnh miễn phí. Hiện nay, mạng lưới y tế ở vùng khó khăn được phủ kín đến tận buôn làng; ở xã thì có trạm xá còn ở các buôn làng thì đều có y tế thôn bản, trong đó một số trạm xá xã đã có bác sĩ tăng cường về trực tiếp khám chữa bệnh cho bà con.

Tỉnh Gia Lai có 68 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) với hơn 600 thôn làng, có 64.000 hộ với hơn 260.000 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số Bahnar và J'rai. Trong những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ở các vùng khó khăn này đã được từng bước nâng lên rõ rệt, đã tạo niềm vui - niềm tin trong cộng đồng.

Văn Thông
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN