“Chiến thắng Điện Biên Phủ” thời kỳ đổi mới

Đến với Điện Biên Phủ những ngày tháng 5 lịch sử. Chiến trường xưa nay đã trở thành một thành phố năng động, trẻ trung, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cả vùng Tây Bắc.


Từ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, hướng tầm mắt ra xa, chúng ta có thể nhìn bao quát cánh đồng Mường Thanh - vựa lúa nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Lòng chảo Điện Biên được các dãy núi trập trùng vây quanh và dòng Nậm Rốm uốn lượn thơ mộng ôm lấy các đường phố.

 

Vùng lòng chảo Điện Biên Phủ nay đã trở thành vựa lúa đặc sản của tỉnh Điện Biên. Ảnh: Trọng Thủy

 


Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng (7/5/1954 - 7/5/2014), là khoảng thời gian đủ dài để vùng chiến địa năm xưa thay “màu áo” mới. Được tách ra từ tỉnh Lai Châu năm 2003, sau hơn 10 năm xây dựng, trưởng thành, kinh tế - xã hội Điện Biên đã có nhiều khởi sắc. Lòng chảo Điện Biên Phủ giờ đã trở thành nền tảng của một thành phố mới, trẻ trung và năng động.


Cửa ngõ Him Lam - nơi hoang tàn sau chiến tranh ác liệt, giờ trở thành phường Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ) thanh bình, tươi đẹp và ngày một phát triển.

Điện Biên hôm nay vẫn còn đó những dấu tích của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào như: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, đồi A1, đồi C1, đồi C2, đồi D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng đờ Cát...


Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND phường Him Lam cho biết: “Đời sống người dân phường Him Lam đã thực sự thay đổi, tỷ lệ đói nghèo chỉ còn 1% (24 hộ), thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 28,5 triệu đồng/năm. Trình độ dân trí được nâng cao, các cơ quan, trường học, khu sản xuất kinh doanh mọc lên đan xen với những bản làng khang trang, đã làm thay đổi diện mạo của phường”.


Trong những năm qua, Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn thách thức, song với sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nên các mặt kinh tế - xã hội vẫn được duy trì ổn định và phát triển. Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức khá cao; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1996-2000 là 6,55%, giai đoạn 2001-2005 là hơn 9%, giai đoạn 2006-2011 là 11,6% và năm 2013 tăng trưởng 8,55%.


Điện Biên đã từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ. Từ chỗ thiếu lương thực, những năm gần đây tỉnh đã tự túc được lương thực và có một phần trở thành hàng hóa. Toàn tỉnh hiện đã có 125/130 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 88% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, 72,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 126/130 xã đã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 35%. Giáo dục, đào tạo cũng từng bước phát triển về quy mô và chất lượng, với hơn 26% hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia; 81,5% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi...


Được coi là vùng đất anh hùng, giàu bản sắc văn hóa, với nhiều di tích lịch sử, ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta, những năm qua Điện Biên đã thực hiện tốt việc bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa đó để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Điện Biên ngày một tăng, doanh thu từ các hoạt động du lịch qua đó cũng ngày một tăng lên. Riêng năm 2013, doanh thu từ du lịch đạt trên 400 tỷ đồng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…


Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn quyết tâm xây dựng quê hương. Năm 2014 tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 9,5%; sản lượng lương thực phấn đấu đạt 236.000 tấn, thu nội địa tăng 11%; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41% và giảm tỷ lệ đói nghèo là 3,57% so với năm 2013”.


Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã và đang nỗ lực phấn đấu làm nên “Chiến thắng Điện Biên Phủ” thời đổi mới - công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong niềm hạnh phúc dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biện Phủ tròn 60 năm, nhân dân Điện Biên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của những thế hệ cha anh đi trước đã hi sinh, cống hiến cho Điện Biên của ngày hôm nay.

 

Tuấn Anh

Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại
Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN