Cao nguyên đá và bản thông điệp mùa xuân

Một đời người, quá ngắn ngủi so với tiến trình lịch sử của xã hội. Song những cống hiến của mỗi con người lại là chất keo kết dính trong dòng chảy của xã hội, góp phần phát triển xã hội. Theo dòng chảy thời gian, công lao của con người thường không bị lãng quên mà được lưu giữ dưới những hình thức khác nhau và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lũng Cú và những điều không thể nào quên

Trên bản đồ Việt Nam, Lũng Cú là đỉnh "chóp nón" nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú gắn liền với truyền thuyết được lưu truyền trên miền núi đá Đồng Văn: Sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Thanh, Hoàng đế Quang Trung cho đặt một cái trống lớn tại nơi biên ải thuộc địa bàn xã Lũng Cú, nơi hiện nay là Đồn Biên phòng Lũng Cú. Cứ một canh giờ, 3 tiếng trống lại vang lên đĩnh đạc, khẳng định chủ quyền đất nước.

Tổ hợp di sản địa chất Khe Lía. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN


Tiếp bước truyền thống cha anh, trên đỉnh núi Rồng, đồng bào các dân tộc sống tại miền biên ải này đã dựng cột cờ năm 1978. Họ đã đi khắp các vùng rừng, lên những mỏm núi cao nhất, xa nhất để tìm được cây thông cao 12 m. Mất 2 ngày, gần 20 trai tráng đã nâng bổng thân cây nặng hàng tạ để đưa lên đỉnh núi Rồng làm cột cờ bằng gỗ đầu tiên…

Năm 2000 đến năm 2002, sức người của người dân Lũng Cú và những chiếc quẩy tấu thô mộc lại kéo lên đỉnh núi cao gần 1.700 m (so với mặt nước biển) gần 2 tấn thép, 8.000 viên gạch, gần 70 m khối đá và cát để dựng nên cột cờ xây vững chãi hơn, bề thế hơn.

Gần 10 năm sau, cột cờ Quốc gia Lũng Cú được khởi công trùng tu, nâng cấp từ ngày 8/3/2010, sau 196 ngày thi công đã hoàn thành và khánh thành vào ngày 25/9/2010. Cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 29,5 m (hơn cột cờ cũ 10 m), theo kiểu cột cờ Hà Nội; chân, bệ có 6 mặt phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn. Tiếng trống của cha ông từ thuở xưa và sắc đỏ lá cờ Tổ quốc 54 m2 hôm nay bay hiên ngang trên bầu trời địa đầu Tổ quốc là một lời nhắc nhở với cháu con về chủ quyền đất nước.

Năm tháng đã qua đi, những con người đã góp phần giữ gìn cờ thiêng sông núi trong suốt hơn 40 năm qua giờ ở đâu? Theo dấu chân lịch sử, tôi tìm tới ông Hùng Đình Qúi. Ở vào tuổi "xưa nay hiếm", ông đã dẫn tôi theo những câu chuyện kể về việc mở đường từ Ma Lé đi Lũng Cú, chuyện về quá trình dựng cột cờ đầu tiên.

Năm 1978, ông Qúi là Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn phụ trách văn xã, đường lên Lũng Cú chỉ là đường mòn và đá tai mèo cheo leo. Để giúp cho đồng bào bớt khổ, ông đã đề nghị tỉnh cho mở con đường từ Ma Lé đi Lũng Cú. Trước ngày khai thông con đường, những người phụ nữ ở Phó Bảng may cờ, 20 thanh niên trai tráng đã đi khắp dốc núi cheo leo để tìm cây thông cao 12 m về làm cột cờ. Đường trơn dốc đứng, phải mất 2 ngày, cột cờ mới được cắm trên đỉnh núi Rồng, khẳng định chủ quyền dân tộc.

Trong quá trình trò chuyện cùng ông Qúi, tôi nhận thấy trong đôi mắt của vị lão thành cách mạng ấy luôn có niềm tin vào tương lai hạnh phúc cho đồng bào trên cao nguyên đá.
Theo chân bút kí của nhà báo Trần Bé, tôi lại tìm tới nguyên Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Trần Quang Hà. Hiện nay ông Hà là Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ. Trong căn phòng làm việc tại Sở, ông say sưa kể về quá trình xây dựng cột cờ Lũng Cú năm nào thay cho chiếc cột cờ bằng gỗ. Tâm huyết, yêu Đồng Văn, ông kể:

Ngày ấy, huyện Đồng Văn đã phải tiết kiệm ngân sách trong 2 năm để hoàn thành cột cờ xây. Nhân công chủ yếu là sức dân Lũng Cú. Sau khi hoàn thành công trình, Ủy ban nhân dân huyện đã họp bàn và xin ý kiến tỉnh về kích cỡ của lá cờ. Khi ấy mọi người đã bàn tới kích thước 6 x 9 m của lá cờ tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, thật vô cùng ý nghĩa. Đích thân anh Hà đã xuống Hà Nội, tới nhà may Trường Thịnh - Trần Thị Vượng, tại 44 Hàng Bông, đặt may cờ. Cờ đã may, song vấn đề treo cờ thật gian truân. Ban đầu chưa có ròng rọc, các chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú đã phải thắt dây bảo hiểm, đu mình giữa mênh mông gió ngàn để treo cờ.

Cột cờ Lũng Cú hôm nay đã được xây dựng mới, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng với tầm vóc non sông ta, đất nước ta. Vui mừng lắm và tự hào lắm. Nhưng đứng trên đỉnh Lũng Cú hôm nay, sao tôi lại nhớ về những cột cờ bằng tre, gỗ năm nào; nhớ con đường mòn ngoằn ngoèo, mỗi khi lên tới cột cờ phải bấu tay vào lưng núi để bò lên, cảm giác chạm tay vào đất mẹ, thiêng liêng, hùng vĩ; nhớ những gian khó của sức người gùi từng quẩy tấu đá xây bậc lên xuống thay cho con đường mòn... Công sức bao người đổ xuống để gìn giữ từng tấc đất chủ quyền, để giữ cột cờ này, bao người đã ngã xuống. Bất giác tôi nghĩ liệu có sử sách nào còn ghi lại những điều này, để thế hệ trẻ mai sau mỗi khi nhắc đến cờ thiêng Lũng Cú, lại nhớ về những điều không thể nào quên!

Huyền thoại một con đường

Con đường Hạnh Phúc ngày nay còn được người dân Hà Giang gọi bằng cái tên trìu mến khác: Con đường huyền thoại. Có lẽ bởi những kì tích phá đá mở đường chưa từng có trong lịch sử làm đường ở Việt Nam, những cống hiến của sức người cho con đường và còn cả hạnh phúc được bao người trong quá khứ gieo trồng cho tương lai.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lên Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn chỉ là con đường mòn dùng để đi bộ và ngựa thồ. Phía sau Cổng trời là hơn 8 vạn đồng bào chìm trong đói nghèo, lạc hậu và nạn thổ phỉ. Trung ương đã quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Con đường dài gần 200 km chạy xuyên qua Cao nguyên đá Đồng Văn, qua đỉnh Mã Pì Lèng. Với mong muốn mang lại hạnh phúc ấm no cho đồng bào bên kia cổng trời, đường được đặt tên là Hạnh Phúc. Đường Hạnh Phúc ra đời với những kỷ lục của tuổi trẻ Việt Nam: Thanh niên của 8 tỉnh, 16 dân tộc cùng tổ chức phá đá mở đường, huy động hơn 2 triệu ngày công trong 8 năm trời. Đó là con đường của máu và hoa, của gian lao và hạnh phúc.

Ngày nay, ai từng đến Hà Giang đều ngất ngây trước vẻ đẹp của con đường huyền thoại. Xe ô tô bon bon trên đường, tự hào, vui sướng, xúc động, sâu lắng... là những sắc thái tình cảm của rất nhiều du khách khi đặt chân tới nơi đây. Qua Mã Pì Lèng, nhìn hẻm vực Nho Quế sâu hun hút với dòng sông chảy qua chỉ như sợi chỉ xanh trong vắt. Đất nước mình đẹp quá!

Qua sách báo, hồi kí của các thanh niên xung phong, tôi biết được những khúc tráng ca từ đá, quá trình vượt qua cửa tử và con số của mồ hôi và máu như thế nào. Những người thanh niên xung phong chiến đấu với đá núi, với nạn thổ phỉ treo người lên bia tập bắn trong 8 năm ròng; chuyện về mở đường vượt qua Mã Pì Lèng, công nhân đã phải treo mình 11 tháng trên vách đá, bò như mối dách để phá đá, mở đường, không hề run sợ trước những tuyên bố của bọn phỉ: "Bao giờ trâu đực biết đẻ, thì con người mới mở đường lên đến Đồng Văn". Trong lịch sử làm đường của nước ta, có lẽ, đó là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người, gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất, chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất.

Đường Hạnh Phúc thật hùng vĩ và bi tráng. Song hiện nay chưa có một tác phẩm nào, cuốn sách nào xứng tầm để lưu truyền cho hậu thế. Để những cống hiến, hy sinh của những người mở đường Hạnh Phúc với những cái tên như: Sùng Đại Dùng, Trịnh Văn Đảm, Nguyễn Mạnh Thùy, Viên Chi Anh, Đào Ngọc Phẩm, Hà Thị Danh... được thế hệ trẻ biết đến với sự biết ơn, lòng kính trọng, tự hào. Các anh, chị đã là máu thịt của Hà Giang. Sự hy sinh của họ đã thực sự đem lại hạnh phúc cho hơn 8 vạn đồng bào trên cao nguyên đá. Hình ảnh "Kiện tướng đục lỗ troòng"; "Đội cơ dũng" treo mình chiến đấu với biển đá, bên dưới là vực sâu thăm thẳm... cũng vĩ đại và hào hùng như khúc trường ca ra trận, như những chiến sĩ ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ năm nào.

Khi viết những dòng này, tôi nhớ tới những tâm sự, trăn trở của các cựu thanh niên xung phong: "Xin đừng lãng quên quá khứ..."; hình ảnh anh Chanh hy sinh trong bút kí của bác Phạm Đình Di, với lời trăn trối: "Có ai còn nhớ đến tôi không?!"... Mỗi lần có dịp lên vùng cao, khi đi trên con đường Hạnh Phúc, tôi lại nghe văng vẳng những lời nói ấy...

Thiết nghĩ, hiện nay, có 2 việc mà chúng ta cần làm đối với con đường Hạnh Phúc, cũng là một trong những nội dung chiến lược bảo tồn và phát triển Công viên địa chất Đồng Văn:
Thứ nhất, cần đưa lịch sử mở đường Hạnh Phúc vào nội dung giáo dục địa phương trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa nhằm bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa phi vật thể trên Cao nguyên đá. Đường Hạnh Phúc là một phần của công viên địa chất toàn cầu. Vì thế, đưa lịch sử mở đường Hạnh Phúc vào nội dung giáo dục địa phương trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang là thật sự cần thiết và cấp bách.

Thứ hai, nghĩa trang thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc cần được tu bổ lại. Bên cạnh nghĩa trang, cần có một tượng đài tưởng nhớ những TNXP mở đường Hạnh Phúc. Đây là nơi để du khách tham quan, thắp hương tưởng niệm; nơi giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tự hào về những năm tháng không thể nào quên.

Cao nguyên đá Đồng Văn đã gia nhập mạng lưới Công viên địa chất thế giới từ tháng 10/2010. Chúng ta đã và đang tích cực bảo vệ môi trường sinh thái trên Cao nguyên đá. Song con người không chỉ sống trong môi trường sinh thái mà còn sống trong môi trường khác, đó là môi trường văn hóa được con người đắp bồi từ ngàn xưa. Môi trường văn hóa là vẻ đẹp hương sắc từ những cống hiến, hy sinh của những thế hệ đi trước, tạo nên những giá trị văn hóa vô giá. Đó là gốc rễ, cội nguồn giúp chúng ta bảo vệ và phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn.

Mùa xuân đang về trên Cao nguyên Đồng Văn, nghe hơi thở của mùa xuân qua tiếng nhạc "Những cung đường mùa xuân", tôi thấy lòng mình lắng lại. Năm mới đến rồi, Cao nguyên đá sẽ nở rộ những bông hoa đẹp nhất - Hoa của Hạnh Phúc. Song không bao giờ quên những điều không thể nào quên. Đó chính là bản thông điệp của quá khứ gửi tới các thế hệ chúng ta.

Minh Nguyễn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN