Cao Bằng: Tăng tính chủ động của người dân trong hoạt động xóa đói, giảm nghèo

“Dự án cải thiện, cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn” (PS - ARD) do tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ) triển khai trong giai đoạn từ năm 2008 - 2010 tại các xã vùng cao, vùng dân tộc của tỉnh Cao Bằng, tuy mới ở quy mô nhỏ nhưng đã bước đầu mang lại hiệu quả.

Dân tự lập kế hoạch

Mất gần 2 tiếng ngồi ô tô trên tuyến đường 20km đầy những “ổ voi ổ trâu”, chúng tôi mới về đến xã Bắc Hợp (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng). Còn để đến với bản định cư Minh Long của 15 hộ đồng bào dân tộc Mông thì phải đi bộ qua nửa quả đồi nữa. Tại căn nhà ngay đầu bản, chúng tôi gặp em Ngô Văn Sơn, 11 tuổi. Chỉ về phía bể nước ngay cạnh nhà, em Sơn cho biết: “Từ ngày có bể nước của dự án, em không phải đi lấy nước xa nhà nữa, lại được dùng nước thoải mái”.

Bà Nông Thị Vơn, Chủ tịch UBND xã Bắc Hợp cho biết, khi dự án PS-ARD triển khai tại xã, địa phương đó ưu tiên bản Minh Long, bởi đây là bản thuộc diện 135. Người dân đã họp bàn với nhau và đề nghị triển khai hệ thống cấp nước sạch, bởi từ khi định cư, việc đi lấy nước cách xa đến hơn cây số khiến dân trong bản rất vất vả. Hệ thống cấp nước ở bản Minh Long gồm một bể gốc trên thượng nguồn khe suối và 4 bể nhỏ chia theo từng cụm gia đình. Và để thực hiện nguyện vọng này của mình, dân bản tự lập kế hoạch, góp công và một số vật liệu, còn dự án PS - ARD hỗ trợ tiền vật liệu xây dựng, ống dẫn nước, van.... Tổng công trình ước tính trên 100 triệu đồng; trong đó phần hỗ trợ của PS-ARD là 63 triệu đồng.

Chị Nông Thị Diệp chăm sóc lợn nái từ dự án.


Về khu vực vùng 2 của xã Bắc Hợp, chúng tôi có dịp thăm quan mô hình chăn nuôi lợn nái của dự án triển khai tại 4 xóm bản. Hộ tham gia dự án được cấp lợn nái, đến lứa thứ 2 sẽ chọn lợn giống khỏe mạnh giao cho hộ khác nuôi. Cứ như vậy, từ 23 con lợn nái ban đầu, số lợn đã nhân rộng ra tất cả các hộ trong thôn bản, góp phần đẩy mạnh chăn nuôi. Chị Nông Thị Diệp, 28 tuổi, cho biết, là hộ nghèo, chị được tổ hội phụ nữ thôn chọn tham gia dự án chăn nuôi và cấp lợn nái giống của dự án PS-ARS, đến nay nuôi được lứa thứ 2, mỗi lứa lợn con bán được 2-3 triệu đồng, góp phần tăng thêm thu nhập gia đình. Để dự án nuôi lợn có hiệu quả, tổ hội phụ nữ xóm họp chọn những thành viên cả những thành viên cận nghèo do thiếu vốn sản xuất nhưng có kinh nghiệm chăn nuôi để dìu dắt các hộ nghèo khác về kỹ thuật. Do đó, dự án chăn nuôi lợn nái khá thành công.

Nhân rộng cách làm

Ông Triệu Đức Hòa (Sở Nội vụ), Phó quản đốc Dự án PS - ARD tại Cao Bằng cho biết, giai đoạn 2008 - 2010, dự án được triển khai tại 2 huyện Nguyên Bình và Quảng Yên, với vốn hỗ trợ hơn 1,8 triệu USD. Năm đầu triển khai còn bỡ ngỡ nên chỉ làm thí điểm tại 20 xã, sau mở rộng thành 37 xã. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của cấp xóm bản và cấp xã. Thông qua đó, người dân tại các xóm vùng cao, vùng sâu có thể tham gia thể hiện nhu cầu phát triển, đồng thời thể hiện được quyền làm chủ khi cùng góp công, góp của tham gia dự án. Các xã tham gia dự án được cấp “vốn mồi”, bình quân mỗi xã 100 triệu đồng, xã đặc biệt khó khăn được phân bổ 120 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, xã căn cứ trên báo cáo họp dân từng xóm bản để từ đó có quyết định đầu tư vào từng mục cụ thể. “Nguồn vốn này tuy nhỏ nhưng đã huy động được sự tham gia của người dân tích cực bởi dựa trên nhu cầu của người dân; dân tham gia đóng góp thường theo tỷ lệ 1:1”, ông Hòa cho biết. Dự án hỗ trợ các nhóm: Hạ tầng (kênh mương, đường thôn bản; nước sạch); hỗ trợ sản xuất: giống, máy nông cụ, các lớp tập huấn tại hiện trường trên cơ sở kỹ thuật mới và kinh nghiệm bản địa.

“Chúng tôi được tỉnh thông báo, dự án PS - ARD sẽ triển khai tiếp tại Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2015 với tổng vốn gần 5 triệu USD. Với hiệu quả từ giai đoạn 1, giai đoạn này, tỉnh sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh”, ông Triệu Đức Hòa cho biết: “Tôi hy vọng, từ kinh nghiệm, cách làm của giai đoạn 1, dự án giai đoạn 2 khi triển khai sẽ giúp giảm 5% hộ nghèo mỗi năm, sau 5 năm giảm được 20% hộ nghèo. Làm được điều đó cần nỗ lực rất lớn của chính quyền cơ sở, sự kết hợp nhiều dự án khác dành cho các xã vùng sâu, vùng xa của Chính phủ để hướng tới nâng cao cuộc sống cho đồng bào các dân tộc”.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN