Cách làm sáng tạo để bảo tồn ngôi nhà sàn dài truyền thống của đồng bào Êđê

Nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Êđê ở tỉnh Đắk Lắk là một trong những kiến trúc độc đáo của đồng bào Tây Nguyên, từ bao đời nay đã đi vào truyền thuyết, sử thi, lời nói vần của đồng bào. Thế nhưng, trong “cơn lốc” đô thị hóa từ thành thị đến buôn làng, tình trạng nhà xây, nhà bê tông hóa ngày càng lấn lướt, những ngôi nhà sàn dài đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

Mất dần vì bê tông hóa...

Nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Êđê trước đây làm bằng nguyên liệu của núi rừng: Khung nhà bằng gỗ, xương mái, sàn bằng tre nứa, vách bao quanh nhà bằng tre nứa đập dập, đan kết lại hoặc thưng bằng ván. Kích thước mỗi căn nhà dài phổ biến là: Xà ngang dài từ 3,2 - 3,4 m, cột cao 3,6 - 4 m, lòng nhà rộng từ 4,5 - 5,3 m. Nhà dài nằm trong các buôn đều có đòn nóc nằm theo hướng bắc- nam, cửa ra vào và cầu thang lên xuống. Cầu thang có 7 bậc, được làm bằng gỗ tốt, chủ yếu là gỗ cẩm lai, gỗ hương, rộng từ 0,8 - 1,2 m, phía đầu cầu thang nơi tiếp giáp với hiên nhà thường tạc các hình mặt trăng lưỡi liềm, hai bầu vú tượng trưng cho sức sống, uy quyền của mẫu hệ.

Kiến trúc nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Êđê tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.


Bên trong nhà sàn dài là gian lớn, giáp với hiên nhà được dùng làm phòng khách, nơi tổ chức các sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng như đánh chiêng, các nghi lễ hàng năm, tiếp khách... Kế tiếp là các gian buồng riêng có bếp lửa của từng cặp vợ chồng. Thông thường, mỗi nhà dài của đồng bào dân tộc Êđê có từ 7 - 9 cặp vợ chồng cùng chung sống...

Từ năm 1980 trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk thực hiện việc tách hộ (tách từ các hộ trong căn nhà sàn dài ra ở riêng), phát triển kinh tế vườn, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm những căn nhà sàn dài bị xâm hại. Đồng bào khi tách hộ được tỉnh hỗ trợ vốn làm nhà, thì đa phần xây dựng nhà cấp bốn theo kiểu của người Kinh.

Trong vài năm trở lại đây, ở nhiều vùng, đồng bào dân tộc Êđê đầu tư phát triển sản xuất, nhất là thâm canh các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su, mở trang trại chăn nuôi đại gia súc, thu nhập ngày càng cao, đời sống được nâng lên. Từ đó, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Êđê phá bỏ dần những căn nhà sàn dài truyền thống mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, biệt thự, trẻ em cũng dần “quên” những ngôi nhà sàn dài. Không chỉ ở các buôn làng của thành phố Buôn Ma Thuột, mà ngay các buôn làng ở các huyện vùng sâu như Cư M’Gar, Krông Búk, Krông Ana, Ma Đ’Rắk... những căn nhà sàn dài truyền thống cũng dần bị thay thế bằng những ngôi nhà xây.

Mặt khác, theo phản ánh của đồng bào, việc làm nhà sàn dài bằng gỗ bây giờ tốn kém, đắt hơn nhà xây, lại khó tìm mua gỗ nên tốt nhất là làm nhà xây, hoặc nhà xây “giả” nhà sàn. Thậm chí, nhà văn hóa cộng đồng cũng được tỉnh đầu tư xây dựng bằng bê tông cốt thép, mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà sàn dài nhằm tạo không gian văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống, hội họp buôn làng. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 540/553 buôn của đồng bào Êđê và M’nông được đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, với tổng nguồn vốn trên 60 tỷ đồng, bình quân mỗi căn từ 100 - 150 triệu đồng. Song, những ngôi nhà này không còn giữ được hồn cốt nhà dài gỗ truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê mà như đánh giá của những nhà văn hóa là “khô cứng, vô hồn”. Vì thế, nhiều đồng bào, đặc biệt là các già làng tỏ ra không hài lòng, không muốn đến sinh hoạt, nhiều nhà văn hóa làm xong đành “đắp chiếu”.

Tìm hướng để bảo tồn

Buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi (thành phố Buôn Ma Thuột) đã có cách làm hay, để giữ lại những ngôi nhà sàn dài mấy chục năm tuổi giữa lòng thành phố. Buôn có gần 100 hộ gia đình đồng bào dân tộc Êđê, với trên 800 khẩu, chủ yếu sản xuất cà phê, dệt thổ cẩm, kinh doanh du lịch nên 90% số hộ có đời sống kinh tế khá, không có hộ thuộc diện nghèo. Trong cơn lốc của đô thị hóa ngày càng nhanh, để giải quyết chỗ ăn ở của nhiều cặp gia đình trẻ tách ra ở riêng, đồng bào trong buôn đã xây dựng nhiều nhà ở mới như người Kinh.

Trước tình hình đó, già làng Ama Hrin (người đã tạo lập ra buôn Akô Dhông) đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân và thống nhất quy định: Đồng ý để đồng bào làm nhà xây theo lối hiện đại nhưng phải làm phía sau ngôi nhà sàn dài truyền thống. Gia đình nào không chấp hành sẽ bị buôn làng xử phạt, dỡ bỏ. Từ đó, mọi người trong buôn ai cũng làm theo. Hiện buôn Akô Dhông vẫn giữ được nguyên vẹn 53 ngôi nhà sàn dài truyền thống bên cạnh các ngôi nhà biệt thự, cao tầng hiện đại. Giờ đây, buôn Akô Dhông trở thành buôn văn hóa - du lịch độc đáo của thành phố Buôn Ma Thuột. Hàng ngày có đến hàng chục đoàn khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm các nghệ nhân đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, chế tác rượu cần, nhạc cụ dân tộc, tổ chức các nghi lễ cúng nhà mới, sức khỏe, bến nước, đón khách, kết nghĩa anh em...

Để bảo tồn nhà dài của người Êđê, rất cần nhân rộng những mô hình như vậy, để tới một ngày Tây Nguyên sẽ không phải đứng trước nguy cơ mai một những nét văn hóa đặc sắc của mình.

Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN