“Bốn cùng” với dân bản

Tôi có may mắn được tiếp xúc với những chiến sĩ biên phòng cắm bản của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Lạng Sơn, Hà Giang vào những ngày đầu năm mới 2011.

Mặc cho không khí xuân vẫn còn rộn ràng tràn ngập với những lễ hội vùng cao nhưng những chiến sĩ BĐBP cắm bản đã phải bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới. Với các anh, bảo vệ vùng biên cương thiêng liêng của Tổ quốc luôn là nhiệm vụ số 1.

Bộ đội Đồn biên phòng 645 hướng dẫn đồng bào xã A Nông kỹ thuật chăm sóc cây lúa nước. Ảnh: Vũ Công Điền- TTXVN

“Nhiều hôm trời mưa, có 3 đôi giày thì cả 3 đều ướt. Quần thì giặt hết chưa khô vì ngày nào cũng lấm lem bùn đất” – câu chuyện tâm tình của Thượng úy Trịnh Dương Kiều, Đội công tác biên phòng bản Cỏn Pia, Đồn biên phòng Na Hình (Lạng Sơn) làm tôi xúc động và càng hiểu hơn về công tác vận động quần chúng của các anh.

Thực hiện công tác biên phòng toàn dân, thời gian qua lực lượng BĐBP trong cả nước đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã hội cơ sở huy động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh khu vực biên giới.

Con đường dẫn chúng tôi vào bản Pá Chí, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) gập ghềnh, khúc khuỷu với những sống trâu lầy lội. Thượng úy Trịnh Dương Kiều, Đội công tác biên phòng bản Cỏn Pia, Đồn biên phòng Na Hình cho biết: Là xã biên giới với 95% dân số là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, xã Thanh Long có 8,75 km đường biên giới với Trung Quốc.

Với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, tuần tra biên giới thì khó khăn lớn nhất của các anh là phải phụ trách một địa bàn nằm trải dài ở 8/17 thôn bản biên giới với nhiều đường mòn, đường tắt.

Mặc dù lực lượng mỏng, nhưng Đội công tác biên phòng Cỏn Pia luôn thực hiện tốt công tác “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương) để tăng cường tuần tra biên giới.

Công việc bận rộn thường xuyên khiến các anh rất ít khi được về nhà, mặc dù có những người nhà chỉ cách đơn vị vài chục cây số. Không chỉ bám, nắm địa bàn tại khu vực biên giới, các chiến sĩ BĐBP còn phải đi đến từng gia đình, từng thôn bản vùng cao để tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ và phát triển rừng…

Thiếu úy Nguyễn Huy Phúc, Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Bạch Đích (Hà Giang) hướng dẫn sử dụng “Tiếng mõ an ninh” cho nhân dân bản Xín Chải, xã Phú Lũng, huyện Đồng Văn. Ảnh: Nguyễn Viết Tôn


Trò chuyện với Thượng úy Trịnh Dương Kiều chúng tôi được biết: Anh đã có vợ và con nhỏ hiện đang sinh sống ở Quảng Ninh, được điều động về công tác tại Đội công tác biên phòng Cỏn Pia. Kể từ ngày vào quân ngũ năm 1994, anh đã trải qua rất nhiều đơn vị công tác trong lực lượng BĐBP, từng làm nhiệm vụ tại Tiểu đoàn huấn luyện BĐBP Hải Phòng, Quảng Ninh, rồi đi Kon Tum.

Tháng 12/2009, anh được điều động về Đồn biên phòng Na Hình (Lạng Sơn). Với tính tình cởi mở, nhiệt tình với công việc, bất chấp mọi hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, anh luôn được đồng đội và bà con dân bản tin yêu. Trong câu chuyện với những chiến sĩ biên phòng cắm bản, chúng tôi được biết, có những khi gia đình có bố mẹ, vợ con đau ốm, nhưng các anh vẫn phải nhận nhiệm vụ đi công tác xa đến cả tháng không về. Cũng may là gia đình luôn hiểu, chia sẻ với các anh những khó khăn và tạo điều kiện để các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong Đội trinh sát Đồn biên phòng Lũng Cú (Hà Giang), thỉnh thoảng anh em vẫn kể cho nhau những câu chuyện hài hước nhưng rất ấn tượng trong việc phá án và thực hiện vận động quần chúng.

Đội trưởng Đội trinh sát Vàng Mí Say là người dân tộc Mông kể lại: Có lần anh vào bản vận động một phụ nữ bị nghi vấn tham gia đường dây buôn bán người ra đầu thú. Sau nhiều lần qua lại nhà đối tượng, anh Say bị chồng của đối tượng nghi ngờ, hiểu lầm là đến nhà dụ dỗ vợ anh ta. Vậy là anh chồng đến đơn vị công tác của Say tố cáo, đề nghị BĐBP giải quyết.

Đây chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện bi hài mà những chiến sĩ quân hàm xanh thường gặp và phải giải thích rất nhiều lần với đồng bào để công tác vận động quần chúng thành công. Tháng 4/2009, Vàng Mí Say được luân chuyển từ Đồn biên phòng Bản Máy huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) về Đồn biên phòng Lũng Cú nhưng tất cả những mốc giới, đường biên nào trên xã Lũng Cú và Ma Lé đều có dấu chân anh.

Nhân dân ở vùng biên giới đa phần là đồng bào dân tộc khi được BĐBP tuyên truyền, thuyết phục, bà con rất đồng cảm, chia sẻ và tin tưởng nghe theo. Những chuyện vợ chồng xích mích, phát hiện người lạ vào bản đều được bà con báo ngay cho BĐBP.

Vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào, những chiến sĩ quân hàm xanh đã cùng nhân dân đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, khắc phục khó khăn bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển.

Ý kiến:

Bà Lý Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang: “Chúng tôi đánh giá cao công sức của những chiến sĩ quân hàm xanh, bởi các anh không chỉ giữ gìn an ninh biên giới tốt mà còn tham gia có hiệu quả trong công tác vận động quần chúng. Đặc biệt sau mỗi dịp Tết, trẻ em vùng cao thường xuyên bỏ học, nhờ sự vận động của những chiến sĩ biên phòng mà bà con đã đưa con em trở lại lớp học. Trước đây, các anh trực tiếp đứng lớp dạy cái chữ cho con em đồng bào dân tộc, nay các anh lại là những tuyên truyền viên đắc lực vận động đồng bào đưa con em thoát khỏi cảnh tái mù chữ”.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP Lạng Sơn: “Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của quần chúng nhân dân đã nâng lên. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tích cực tham gia xây dựng các phong trào bảo vệ an ninh biên giới. Không chỉ làm tốt công tác giữ gìn an ninh biên giới, BĐPB còn làm tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, giúp đỡ nhân dân các dân tộc nơi đơn vị đóng quân, vận động trẻ em không bỏ học giữa chừng, tham gia phát triển kinh tế tại địa phương”.

Viết Tôn - Lục Văn Toán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN