Bộ đội biên phòng đỡ đầu học trò vùng biên

Sau bữa cơm tối, gần 19 giờ, thiếu úy Lý Mò Chừ, Đồn biên phòng Ka Lăng đi gọi hai em học sinh về phòng mình để hướng dẫn học bài. Đêm đông biên viễn giá lạnh, tình thầy trò ấm áp, bao bọc yêu thương.

“Chiến sĩ nhí”

Em Vàng Lý Sinh, 17 tuổi và em Lò Phì Xe, 14 tuổi đều là người dân tộc La Hủ ở xã Tá Bạ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), học lớp 7 của Trường Tiểu học số 1 Ka Lăng. Hoàn cảnh gia đình của Sinh và Xe rất khó khăn, năm nay là năm thứ hai Đồn biên phòng Ka Lăng nhận các em về nuôi dưỡng.

Ở tại đồn biên phòng, Vàng Lý Sinh và Lò Phì Xe được gọi là “chiến sĩ nhí”, vì sinh hoạt theo quy định của bộ đội, ăn học và vui chơi, nghỉ ngơi đúng giờ giấc. Buổi sáng hai em xuống trường cách đồn ba trăm mét để học, chiều về ôn bài và tham gia chăm sóc vườn rau xanh, sinh hoạt thể thao cùng các chú bộ đội, tối được các chiến sĩ kiểm tra và ôn tập bài. Cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng đều xem các em như người em, người con trong nhà, dạy bảo, thương yêu, động viên các em cố gắng học tập, sau này có nghề nghiệp để thoát cảnh nghèo đói.

Trung úy Lý Mò Chừ hướng dẫn các em Vàng Lý Sinh, Lò Phì Xe ôn tập bài.


Thiếu úy Chừ và hai em học sinh say sưa trao đổi bài, chỗ nào không hiểu, thầy giáo giảng giải cho các em hiểu. Nghỉ giải lao, thiếu úy Lý Mò Chừ cho biết: “Ngày đầu về đồn ở, các em không biết gì, quần áo rách rưới, người nhem nhuốc và gầy yếu. Nhìn vậy, ai cũng thương. Chúng tôi mua giày dép, quần áo cho các em mặc và dọn phòng, kê giường, bàn ghế trong phòng để các em ở. Sau hơn một năm, các em không còn bỡ ngỡ, rụt rè như khi mới xuống, mà hoạt bát trong mọi việc. Thành tích học tập của các em cũng khá hơn nhiều”.

Gia đình Sinh nghèo, đông con mà chỉ dựa vào mấy mảnh nương nên thiếu ăn thường xuyên. Sinh là con trai đầu, bốn em vẫn còn đi học, nếu không có các chiến sĩ biên phòng đưa về nuôi dưỡng thì em cũng sớm phải bỏ học, ở nhà giúp bố mẹ làm nương. Sinh nói: “Về đồn biên phòng ở, em được ăn uống sướng hơn ở nhà. Các chú biên phòng thương em lắm! Em thích ở đây thôi”. Lò Phì Xe ở tận bản Nhóm Pố, cách trung tâm xã Tá Bạ khoảng năm giờ đi bộ và phải men theo đường dân sinh. Nhà Xe đông con và nghèo, em là con thứ hai, một chị đang học lớp 9 và hai em học mẫu giáo, một em học lớp 1. Xe nói: “Em ở dưới này có quần áo mới mặc, không phải nhịn đói như ở nhà. Được đi học cùng các bạn, em rất vui”. Vì đường xa, đi lại khó khăn nên một năm hai em về nhà hai lần, vào dịp Tết truyền thống của dân tộc La Hủ và dịp hè. Các em từ đồn biên phòng về, từ nhà ra đều có các chiến sĩ đưa đón bằng xe máy. Lâu không về, Sinh và Xe nhớ nhà, nhưng hai em nói “để học chữ thoát nghèo thì đành chịu”. Thi thoảng, bố mẹ ra tận đồn biên phòng thăm và động viên các con. Ở đồn biên phòng, các chú đã lo cho tất cả nên bố mẹ cũng yên tâm.

Ngày đầu xóa mù ở bản mới, lớp học tạm, các em bỡ ngỡ nhưng là niềm vui và hạnh phúc của cả thầy lẫn trò.


Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ka Lăng cho biết: “Chúng tôi đã thống nhất sẽ chăm sóc, đỡ đầu một số cháu nhỏ, hỗ trợ việc ăn ở, học hành cho các cháu nên đã thông báo xuống xã Tá Bạ. Chính quyền xã quyết định chọn hai em và giao cho đồn biên phòng nuôi dưỡng. Chúng tôi mua quần áo, giày dép, đồ dùng cá nhân cho các cháu và đưa xuống trường học nhận lớp. Hai cháu là người dân tộc La Hủ nên nhận thức hạn chế rất nhiều so với dân tộc khác, nhưng hiện nay hiểu biết rất tốt, nhanh nhẹn”.

Nuôi dạy các cháu học sinh dân tộc ở địa bàn là truyền thống của Đồn Biên phòng Ka Lăng. Năm 2008, Đồn Biên phòng Ka Lăng nhận đỡ đầu hai cháu và hiện các cháu đang đi học các trường trung học chuyên nghiệp. Năm 2010, đồn đỡ đầu em Chu Gió Pa ở bản Ló Mé (Ka Lăng) và năm tiếp theo Đồn Biên phòng Ka Lăng hỗ trợ 200 nghìn đồng trên tháng để trường tiểu học nuôi ba em có hoàn cảnh khó khăn. Theo lời của thượng tá Ngọc, các em lớn lên, rời khỏi đồn biên phòng, dù nghỉ học hay học cao hơn nữa cũng là niềm vui và hạnh phúc của cán bộ, chiến sĩ.  

Mang ánh sáng đến bản làng

Xã Ka Lăng, xã Tá Bạ của huyện Mường Tè (Lai Châu) là các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới, giao thông chia cắt, đời sống của bà con là dân tộc Hà Nhì, La Hủ đang tự cung tự cấp. Trong đó, dân tộc La Hủ (Lá Vàng) kém phát triển, lạc hậu, du canh du cư, sống biệt lập với bên ngoài và dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thượng tá Ngọc vẫn còn nhớ năm 2009, cuộc hành trình gian khổ để hạ sơn những người Lá Vàng ở rải rác trên đỉnh núi Là Si, khó khăn và vất vả. Các chiến sĩ biên phòng băng rừng, ngủ suối, bị ruồi vàng và bọ chó đốt thâm cả người, để đi từng túp lán và hang đá vận động người dân xuống núi ở tập trung, không du canh du cư nữa. Tập thể cán bộ, chiến sĩ biên phòng dồn sức xẻ gỗ, vận chuyển tôn lợp… làm 20 ngôi nhà đại đoàn kết vững chắc, sạch đẹp cho các hộ gia đình về ở, bản mới được gọi tên Là Si thuộc xã Tá Bạ. Muốn vào bản này, trước phải đi mất hai ngày đường bộ, nhưng bây giờ đường đã được mở, đi xe máy gần một giờ và đi bộ chỉ ba tiếng nữa là vào tới bản Là Si.

Ngoài giờ lên lớp, Sinh và Xe còn tham gia chăm sóc vườn rau xanh cùng các chiến sĩ biên phòng.


Sau hơn một tháng, các chiến sĩ biên phòng dầm mưa dãi nắng làm xong 20 ngôi nhà đại đoàn kết, người dân vui mừng chuyển về nhà mới. Khó khăn nhất là cả bản, không ai biết tiếng phổ thông, Đồn Biên phòng Ka Lăng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thành lập tổ công tác, hướng dẫn người dân trồng rau, chăn nuôi và mở lớp dạy chữ xóa mù. Bố mẹ đi học, con đi học, cả bản đều học chữ. Thầy giáo quân hàm xanh vừa dạy bà con làm kinh tế, vừa khám chữa bệnh và đứng lớp giảng bài. Sau một năm, ngành giáo dục mới vào bản Là Si để mở lớp, hiện nay ở bản đã có lớp điểm trường mầm non và tiểu học.
Ông Lỳ Tư Chóng, Bí thư Đảng ủy xã Tá Bạ nói: Ở biên giới xa xôi này, tình quân dân gắn bó rất sâu đậm và đoàn kết. Người dân có cuộc sống ổn định và no ấm như hôm nay là nhờ một phần công sức của chiến sĩ biên phòng. Các đồng chí đã phát huy tinh thần “đi dân nhớ, ở dân thương”, “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt”, cùng ăn, cùng ở và cùng làm với bà con. Quân với dân đồng lòng, cùng vượt khó, vượt khổ để xây dựng mảnh đất biên cương ngày một đi lên.

Trước sân Đồn Biên phòng Ka Lăng, những cây đào thân mốc già tuổi chi chít nụ hoa chớm nở. Chia tay các chiến sĩ biên phòng, đi xe máy trong giá lạnh, tôi nghĩ tới nụ cười hồn nhiên, lời nói của Sinh và Xe “em mơ ước được làm thầy giáo để về bản dạy chữ cho các em nhỏ”, lòng tôi thấy ấm áp, quãng đường dài gần 100 km về thị trấn Mường Tè không còn xa nữa.     


Bài và ảnh: Việt Hoàng
Màu xanh áo lính với xuân bản làng vùng biên
Màu xanh áo lính với xuân bản làng vùng biên

Bà con xã biên giới Mường Mươn, Điện Biên, háo hức đón một cái Tết sung túc hơn vì thời gian qua đã được các chiến sĩ “nằm vùng” giúp bà con an cư, xây dựng làng bản giàu mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN