Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Bình Định

Bình Định hiện có khoảng trên 100.000 đồng bào dân tộc Bana K’riêm, H’rê và Chăm H’roi sinh sống chủ yếu tại các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh... Theo thống kê của ngành văn hóa, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 80 bộ cồng chiêng được lưu giữ trong các nhà rông và gia đình theo nghi thức truyền thống.

Tiến sĩ sử học Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết: Nét đặc sắc của văn hóa cồng chiêng của các dân tộc miền núi Bình Định thường được phục vụ vào các lễ hội như mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ hội đâm trâu và cưới hỏi gắn liền với phong tục tập quán của từng dân tộc. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của thông tin và sự giao lưu hội nhập quốc tế, văn hóa cồng chiêng đang bị mai một do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, tỉnh Bình Định đã triển khai xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ông Hòa kiến nghị, cần xem xét và đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường dân tộc nội trú những tiết học về lịch sử hình thành, phát triển cũng như cách sử dụng loại hình nghệ thuật văn hóa cồng chiêng. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán cồng chiêng vào mục đích riêng; đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả văn hóa cồng chiêng trong các lễ hội của đồng bào dân tộc ngày càng nhiều hơn.

Viết Ý

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN