Bắn nỏ - môn thể thao độc đáo ở vùng cao Lào Cai

Cây nỏ và môn thể thao truyền thống bắn nỏ của tỉnh Lào Cai luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với người xem, bởi nó không những thể hiện sức mạnh, sự tinh anh, khéo léo của các chàng trai cô gái dân tộc vùng cao, mà còn là sản phẩm văn hóa phi vật thể, mang đậm giá trị tín ngưỡng, tâm linh.

Biểu tượng tâm linh

Trong các loại công cụ săn bắt như bẫy, gậy lao, dao, súng kíp... thì cây nỏ là loại vũ khí được các chàng trai người Mông, Dao, Phù Lá... sử dụng phổ biến hơn cả vì tính hiệu quả của nó. Sức mạnh của cây nỏ không chỉ ở tính sát thương, tiêu diệt mục tiêu mà còn là một sản phẩm văn hóa của cộng đồng. Ngoài mục đích đi săn, cây nỏ còn là một biểu tượng trong văn hóa của người dân tộc thiểu số, nó là hiện thân của sức mạnh mà tạo hóa đã ban cho họ.

Thi bắn nỏ trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc tổ chức tại Sa Pa, Lào Cai. Ảnh : Anh Tuấn - TTXVN


Về mặt cấu tạo, cây nỏ của người Mông, Dao, Hà Nhì, Phù Lá, Tày... đều tương tự nhau, gồm 5 bộ phận chính là thân nỏ, cánh cung, dây cung, lẫy nỏ và cung tên. Thân nỏ được làm bằng các loại gỗ tốt như gỗ lim, gỗ pơ mu. Cánh cung được làm bằng tre già có độ cứng và độ đàn hồi cao. Dây cung là bộ phận rất quan trọng nên khi làm các chàng trai phải đi vào rừng tìm lấy các loại dây rừng về tước lấy vỏ, phơi khô rồi bện thành các sợi làm dây nỏ. Mũi tên được làm bằng loại tre già tạo ra tính sát thương cao. Bằng những kinh nghiệm của mình, những người con của bản đã tìm tòi, sáng tạo ra rất nhiều loại mũi tên với đủ kích cỡ khác nhau, có những loại mũi tên dùng để bắn chim, săn thú, tự vệ... Khi săn các loại thú, họ dùng các mũi tên nhỏ, ngắn, còn khi đi săn các loại thú lớn họ dùng mũi tên to, dài, đầu mũi tên có bọc bạc. So với các loại vũ khí săn bắt khác thì nỏ là loại vũ khí phổ biến hơn cả vì những đặc tính của nó như dễ làm, dễ mang đi, và sử dụng được trên mọi địa hình, có thể săn thú ở trên cao, hoặc ở mặt đất nên khi đi chơi hay đi săn các chàng trai thường mang theo mình để khi gặp thú thì có thể bắn. Do sinh sống trên các vùng núi cao, gần các cánh rừng già nên các làng của người dân tộc thiểu số thường bị các loại thú dữ đến phá hoại mùa màng, làng bản. Khi đó, nỏ là công cụ chủ yếu để xua đuổi thú dữ (về sau này họ dùng súng kíp) nhất là khi làng bản bị các dân tộc lớn đến cướp bóc của cải, hoa màu, phụ nữ... thì cây nỏ trở thành vũ khí lợi hại để chống lại kẻ thù.
Đối với người Mông, sức mạnh của cây nỏ được đưa lên đến sự tột đỉnh bằng sức mạnh của trời đất, của các vị thần linh. Bởi vậy mà mỗi khi bước vào trong căn nhà của người Mông chúng ta thường thấy có một cây nỏ treo ở gian giữa với ý nghĩa dùng làm vũ khí để bảo vệ gia đình tránh mọi rủi ro, tà ma vào làm hại.

Bảo tồn môn thể thao truyền thống

Bắn nỏ là môn thể thao tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của các dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều thanh niên nam nữ ham thích và biết bắn nỏ. Vì vậy trong các hội thi thể thao các dân tộc, môn bắn nỏ được đưa vào là một môn thi chính thức. Tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai vừa qua, riêng môn bắn nỏ có 98 vận động viên tham gia ở 8 nội dung, nhiều thí sinh thể hiện rõ bản chất người vùng cao bắn tốt cả ở 3 tư thế. Đặc biệt, trong Hội thi có cả hai vợ chồng cùng tham gia môn bắn nỏ, đó là chị Đặng Mùi Náy và anh Đặng Quấy Tá, dân tộc Dao, đội 8 Na Ngan, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Cả anh và chị đều đạt giải nhì môn bắn nỏ.

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, các chàng trai thường tổ chức các cuộc thi bắn nỏ trên những cánh đồng, hay ven các cánh rừng. Cuộc thi do làng hoặc các chàng trai tự đứng ra tổ chức thi với nhau bằng nhiều hình thức như thi cá nhân trong làng với nhau, để chọn ra những người bắn giỏi nhất, hay các chàng trai giữa các làng thi với nhau. Có thể họ thi tài bắn nỏ bằng một cuộc đi săn xem ai săn được nhiều thú nhất, hay thi bằng hình thức bắn trúng đích, bắn xa... những người không tham gia đứng bên ngoài cổ vũ, hô vang tạo không khí vui tươi, thoải mái. Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh. Không chỉ có nam giới mà nữ giới các dân tộc Mông, Dao... cũng rất mê bắn nỏ, thậm chí có người còn đạt thành tích cao hơn nam giới. Vì thế trong nhiều cuộc đua tranh ở bản làng hay tại ngày hội thể thao lớn trong vùng đều có đông đảo nam nữ tham gia. Những người tham gia thi bắn nỏ thường chuẩn bị rất kỹ từ sau Tết Nguyên đán. Họ căng dây nỏ, vót tên và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Tham gia thi bắn nỏ thường là những thợ săn có tiếng, là những thiện xạ dùng nỏ săn bắn chim thú cho gia đình. Một số tay nỏ là những thanh niên khỏe mạnh, ham thích môn bắn nỏ nhằm tập luyện sức khỏe và bảo tồn môn thể thao truyền thống. Khác với bắn súng, bắn nỏ khi báo kết quả sẽ căn cứ trên những mũi tên trúng đích đã cắm vào bia, còn tên trượt sẽ bay ra ngoài. Người thắng cuộc là người có nhiều tên bắn trúng đích nhất.

Lục Văn Toán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN