Bác sĩ về cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc

Trong khi nhiều địa phương tại tỉnh Gia Lai đang loay hoay, chưa tìm ra giải pháp mang tính đột phá nào để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thì Đức Cơ - một huyện vùng sâu, vùng biên giới lại có những cách làm hay, phù hợp với thực tiễn đặt ra, tạo tiền đề quan trọng trong việc giúp người dân có được những dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến.

Cán bộ trạm y tế xã biên giới Ia Pnôn, huyện Đức Cơ (Gia Lai) khám chữa bệnh cho dân. Ảnh: Sỹ Huynh - TTXVN

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án 1816, nếu như nhiều địa phương khác tăng cường bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh luân phiên về cơ sở, thì ở Đức Cơ, đối với những trường hợp cấp thiết như những ca mổ khó, vượt khả năng kỹ thuật thì sẽ mời các bác sĩ ở tuyến trên về hướng dẫn trực tiếp bằng cách “cầm tay chỉ việc”. Việc làm này tạo cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện có điều kiện được tham gia trực tiếp và cọ xát với thực tế chuyên môn. Theo bác sĩ gây mê hồi sức Nguyễn Văn Quản, Trung tâm y tế huyện Đức Cơ, cho biết: Sau khi được các bác sĩ tuyến trên tận tình hướng dẫn, anh và các đồng nghiệp có thể thực hiện được nhiều ca mổ khó mà trước đây trung tâm phải chuyển lên tuyến trên.

Đó cũng là nhận định của nhiều bác sĩ tại Trung tâm y tế huyện Đức Cơ. Sau khi thực hiện Đề án 1816, chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ tại Trung tâm y tế đã được nâng lên rất nhiều. Kết quả đạt được rõ nét nhất là hầu hết các ca mổ khó mà trước đây không thể thực hiện được như mổ cắt lách, vỡ gan, mổ cắt túi mật hay mổ kết hợp xương..., hiện các bác sĩ tuyến dưới đều đã thực hiện được. Từ những kết quả đáng mừng này, Trung tâm y tế huyện Đức Cơ đã mạnh dạn đăng ký với Sở Y tế để thực hiện nhiều phần việc vượt phân tuyến kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.

Song song với việc áp dụng sáng tạo Đề án 1816, huyện Đức Cơ còn mạnh dạn triển khai Chương trình thu hút nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao ở khắp cả nước về địa phương công tác. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay đã có 4 bác sĩ và 1 cử nhân "đầu quân" làm việc tại Trung tâm y tế huyện. Các bác sĩ về công tác đều đã có kinh nghiệm thực tiễn và được rèn luyện tay nghề ở các bệnh viện vùng thuận lợi. Để nguồn nhân lực thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh việc ổn định nơi ăn, chốn ở, huyện Đức Cơ còn chú trọng bố trí công việc phù hợp với tay nghề và chuyên môn mà các bác sĩ đã được đào tạo.

Bác sĩ Phạm Thành Kiên cho biết: "Trước đây tôi công tác tại tỉnh Bình Định, sau khi tìm hiểu những chính sách ưu đãi mà huyện Đức Cơ đưa ra, thấy phù hợp với bản thân, tôi đã tự nguyện nộp đơn và chuyển về công tác tại Trung tâm y tế huyện. Tôi xin chuyển về đây công tác vì hai lý do, thứ nhất vốn dĩ tôi là người con của vùng đất Tây Nguyên về đây để phục vụ đồng bào của mình. Thứ hai là bà con mình ở đây còn nhiều khó khăn, thiệt thòi mà tôi thì đã tích lũy được chút ít kinh nghiệm hữu ích khi còn công tác ở dưới đồng bằng, hơn nữa chế độ đãi ngộ ở đây cũng là môi trường rất tốt để tôi cống hiến bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ".

Ông Hồ Xuân Long, Bí thư huyện ủy Đức Cơ cho biết: “Đề án này bước đầu đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá rất cao. Tuy nhiên qua quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy cũng cần phải tiếp tục vận dụng linh hoạt hơn nữa để các chính sách này ngày một phù hợp và nâng cao hơn một bước, góp phần tạo điều kiện tốt nhất để các bác sĩ đang công tác tại Đức Cơ yên tâm công tác và cống hiến hết khả năng, tiến tới chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn ngày một tốt hơn”.

Từ những hiệu quả do thực hiện Đề án 1816 đã mang lại, huyện Đức Cơ phần nào đã giải quyết được bài toán khó trong việc khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân, thậm chí cả nhân dân các tỉnh lân cận của nước bạn Campuchia.

Nguyễn Hoài Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN