Ẩm thực người M' Nông trong lễ Tết cổ truyền dân tộc

Người M’Nông cũng như những dân tộc bản địa ở Tây Nguyên có mùa lễ hội truyền thống kéo dài từ tháng 11 dương lịch của năm trước đến tháng 3 dương lịch năm sau. Riêng trong tháng 1 dương lịch (khoảng tháng 12 và tháng giêng âm lịch), trời Tây Nguyên đã bắt đầu ấm áp, thì lễ hội diễn ra nhiều hơn, trong đó có lễ cúng bến nước được các thành viên trong cộng đồng tham gia đông và vui nhất trong năm.


Canh thụt - món ăn dân dã của đồng bào M’Nông.


Đây là lễ hội quan trọng trong cả một năm, nó thường diễn ra ở khắp các bon làng. Nhưng mấy mươi năm trở lại đây, do điều kiện sống đan xen với người Kinh, nên nhiều cộng đồng bon làng M’Nông đã gắn kết mùa lễ hội và ăn Tết cổ truyền của dân tộc tổ chức khá long trọng và thịnh soạn.


Ngay từ tháng 9, tháng 10 nhà nào cũng chuẩn bị... để ăn Tết. Ngày lễ Tết không chỉ là của riêng từng gia đình, mà là ngày hội họp chung vui của cả cộng đồng dân làng, nên nhiều gia đình chuẩn bị rất chu đáo, dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa, chuẩn bị heo, gà, có gia đình chuẩn bị giết bò, trâu để mở hội; cộng đồng bon thì vệ sinh đường bon, nhà văn hóa cộng đồng, phát quang đường ra bến nước…


Đến khoảng 24 - 25 tháng chạp là bắt đầu tổ chức ăn Tết cho đến mùng 5 tháng giêng âm lịch và coi đây như ngày lễ hội, được ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, ca hát, nhảy múa...


Mỗi gia đình thường mời bà con, anh em dòng tộc, bạn bè thân tín đến chung vui. Trong những năm gần đây, dịp Tết âm lịch luôn được nhiều gia đình coi đây là một cái Tết lớn, mang ý nghĩa mong những điều tốt đẹp đến mọi người, ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tết đã thực sự trở thành nghi lễ lớn và có nhiều trò chơi dân gian như hóa trang, làm các con rối; đàn ông đàn bà đều diện những bộ khố, váy, trang phục thổ cẩm hết sức cầu kỳ, sặc sỡ.


Vào các ngày lễ Tết, người M’Nông thường nấu cơm nếp thay cơm gạo tẻ và nấu theo cách thức truyền thống, gọi là nấu cơm lam. Họ vào rừng chặt những ống lồ ô còn non, giữ lại mấu ở một đầu ống rồi cho gạo nếp và nước vào, xong nút lại đem đốt bằng lửa và than. Những ống cơm lam, ngoài vỏ tuy nhem đen, nhưng khi tước bỏ lớp vỏ thì lộ ra lớp cơm nếp thơm ngon, hấp dẫn. Hương nếp quyện với mùi thơm của tre tươi qua lửa làm cho cơm lam có một hương vị đặc biệt, hơn hẳn cơm nếp hấp trong chõ, nấu trong nồi.


Thịt là thực phẩm chủ yếu trong các món ăn ngày Tết. Người M’Nông làm lông con vật bằng cách thui đốt. Đáng chú ý là món thịt nướng và làm các món gần giống như món tiết canh, nem sống ở dạng thô sơ hoặc dùng phèo lấy từ ruột con vật bốn chân đem băm sống và trộn bóp với huyết. Những món ăn này dùng để dâng cúng thần linh. Ngoài ra họ còn chế biến các món theo kiểu khác như: Món thịt băm nhỏ trộn với muối đựng trong ống tre; món thịt trộn với phèo rồi gói lá; món thịt trộn với tiết, phèo và muối ớt để trên lá; món thịt, ruột non, gan, ruột già hỗn hợp đựng trong ống tre; món thịt băm, tiết, phèo, muối ớt trộn nhuyễn; món da bóp với phèo... Món thường gặp là gan và lá sách thái miếng xiên xen kẽ vào que tre để nướng.


Đặc biệt là món canh thụt, một món ăn dân dã mang đậm hương vị núi rừng với các nguyên liệu như: Lá bép, đọt mây, ớt và cà đắng… Có thể cho thêm vào cá khô, sườn heo, gia vị chính là mì chính, muối, không dùng đường và các chất phụ gia khác. Trước khi nấu, bà con chặt một ống lồ ô có lóng dài. Khi chọn ống phải chọn ống không quá già mà cũng không quá non. Sau đó cho tất cả nguyên liệu vào nấu và khi nấu phải có một chiếc que dài để thụt vào ống cho các thành phần của món canh nhuyễn và chín đều.


Rượu cần là thức uống không thể thiếu được trong các ngày lễ Tết. Thường thì trong mỗi nhà đều có sẵn vài cái ché để cất rượu dành sử dụng trong dịp Tết. Rượu cần Tết được làm cẩn thận hơn, nguyên liệu chủ yếu là lúa nếp. Trong những ngày Tết, ché rượu đã được ủ từ trước được để giữa nhà đã được châm đầy nước. Khách tới thăm cùng ngồi trên chiếu, chuyền nhau giữa khách và chủ, nói chuyện mùa màng, bà con dòng tộc, rồi thì cứ ngậm cần rượu mà uống mà say mà vui hết ngày này qua ngày khác.


Thức nhắm được đặt gần bên các ché rượu, có lót lá chuối đặt vào chiếc rá (rổ) để thực khách vừa nhâm nhi thưởng thức vừa chuyện trò, thỉnh thoảng đưa tay bốc một nhúm thức ăn đưa lên miệng.


Trong không khí cộng đồng ngày lễ Tết, việc ăn uống diễn ra với nhiều ý nghĩa, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu no bụng, ngon miệng mà còn đáp ứng nhu cầu về tình làng nghĩa xóm trong bon, quan hệ giữa con người với nhau. Ý nghĩa càng cao đẹp hơn của những món ăn trong ngày lễ Tết còn là sự thể hiện đời sống tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, kết nối giữa người sống với người chết, giữa người trần với thần linh, giữa con người với vạn vật sinh linh. Chính vì vậy mà ẩm thực vào ngày lễ Tết đối với người M’Nông có ý nghĩa thiêng liêng và đặc biệt.



TS. Trương Thông Tuần

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN