12:11 11/12/2010

Đan Mạch với những sáng kiến "xanh"

Khách tham quan nhà máy tinh chế sinh học Inbicon ở tỉnh Kalundborg của Đan Mạch, khi nhìn thấy những ống xoắn đưa hạt ngũ cốc đã được xử lý vào các tháp lớn trong khắp nhà máy tỏa mùi thơm đặc trưng của quá trình lên men, sẽ nghĩ ngay đây là quy trình ủ bia thông thường.

Khách tham quan nhà máy tinh chế sinh học Inbicon ở tỉnh Kalundborg của Đan Mạch, khi nhìn thấy những ống xoắn đưa hạt ngũ cốc đã được xử lý vào các tháp lớn trong khắp nhà máy tỏa mùi thơm đặc trưng của quá trình lên men, sẽ nghĩ ngay đây là quy trình ủ bia thông thường.

Sự thật thì đó đúng là quy trình ủ men bia nhưng không hề bình thường chút nào. Bởi đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu cho xe hơi chứ không phải là thứ đồ uống mà cánh đàn ông trên khắp thế giới ưa chuộng. Nhà máy này sử dụng rơm lúa mì để chế tạo xăng sinh học thay thế cho xăng truyền thống và viên lignin có thể thay thế cho than đá.

Inbicon là một công ty thành viên của tập đoàn sản xuất năng lượng lớn nhất Đan Mạch, DONG Energy. Công ty này đã tìm ra phương pháp khai thác năng lượng từ rơm lúa mì. Sau khi được xử lý bằng các enzyme đặc biệt, sợi rơm lúa mì có thể cho ra các thành phần cơ bản của ethanol, viên lignin và mật đường C5.

Đây là những nguyên liệu có thể dùng để tạo ra xăng, nhiên liệu cho nhà máy điện và thức ăn cho gia súc. Việc biến rơm lúa mì thành năng lượng không quá khó khăn vì chúng ta có thể đốt trực tiếp nhưng cách này khá tốn kém. Lý do là chất đốt này cần kho chứa lớn và có nguy cơ bị mục ruỗng nếu không được bảo quản đúng cách.

Nông dân thu hoạch rơm lúa mì trên đồng. Ảnh: Internet

Tập đoàn DONG Energy đã đặt mục tiêu đến năm 2020, 50% nhiên liệu của công ty sẽ được chế tạo từ các nguồn "xanh" như nguyên liệu sinh học và năng lượng gió. Giám đốc điều hành của DONG Energy, ông Anders Eldrup cho biết, "Phương châm của chúng tôi là nhanh chóng sử dụng nguyên liệu sinh học thay cho than đá. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đầu tư mạnh vào việc sản xuất điện từ gió biển".

Inbicon không phải là công ty thân thiện với môi trường duy nhất tại Đan Mạch đưa ra những sáng kiến "xanh" như vậy. Danfoss, một công ty có truyền thống sản xuất tủ lạnh, thiết bị kiểm soát nhiệt và chuyển động, cũng đã đầu tư vào thị trường năng lượng Mặt Trời. Các nước Bắc Âu có hệ thống lưới điện thông minh, nghĩa là các gia đình có thể trực tiếp bán điện trên đó.

Gia đình nào sở hữu thiết bị thu năng lượng Mặt Trời, tuốcbin gió hoặc các thiết bị sản xuất điện khác, đồng thời lắp đặt máy đổi nguồn năng lượng Mặt Trời thì đều có thể kết nối vào lưới điện trung tâm và bán điện. Để trở thành nhà máy điện mini, các hộ gia đình cần máy đổi nguồn năng lượng Mặt Trời là vì thiết bị thu năng lượng Mặt Trời chỉ sản xuất được dòng điện một chiều nên phải chuyển thành dòng xoay chiều để bán trên lưới điện.

Công ty Danfoss đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực này với một trong những sản phẩm là bảng điều khiển tùy biến cho thiết bị đổi nguồn năng lượng Mặt Trời. Với một hệ thống hoàn chỉnh thu năng lượng Mặt Trời cho gia đình giá khoảng 8.000 euro, mỗi hộ gia đình có thể tiết kiệm được 700 euro/năm nhờ nguồn năng lượng miễn phí mà hệ thống này tạo ra. Niels B. Christiansen, Giám đốc điều hành Tập đoàn Danfoss, cho biết, tập đoàn của ông đang "ăn nên làm ra" với sản phẩm thiết bị đổi nguồn năng lượng Mặt Trời.

Hai sáng kiến "xanh" trên đây đã minh chứng cho cam kết của các công ty Đan Mạch trong chương trình phát triển nền kinh tế "xanh". Đó cũng là động lực để các công ty lớn trên thị trường năng lượng nhận ra rằng họ phải chuyển mình trở thành các công ty "xanh" hơn.

Quang Minh (Theo AFP)