11:09 12/11/2011

Đầm Thủy Triều ô nhiễm, thuỷ sản chết hàng loạt

Đã gần 6 tháng nay, 73 hộ dân nuôi trồng thủy sản ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng do đầm Thủy Triều ô nhiễm từ nước thải nhà máy đường Khánh Hòa, vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào.

Đã gần 6 tháng nay, 73 hộ dân nuôi trồng thủy sản ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng do đầm Thủy Triều ô nhiễm từ nước thải nhà máy đường Khánh Hòa, vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào.


BND huyện Cam Lâm đã nhiều lần kiến nghị nhà máy giải quyết hỗ trợ những hộ dân này với số tiền gần 1,7 tỷ đồng, nhưng chưa được nhà máy đồng ý.

Cá chết nổi trên mặt nước. Nguồn Internet.

Việc ô nhiễm đầm Thủy Triều được phát hiện từ tháng 4/2011, đã làm hải sản nuôi trồng như cá mú, tôm, rong sụn… chết hàng loạt trên diện tích hơn 30 ha của hàng chục hộ ngư dân ở thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, nơi có nhà máy đường Khánh Hòa thuộc Công ty cổ phần đường Khánh Hòa đóng chân. Tháng 5/2011, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý, kết quả nhà máy đường Khánh Hòa đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngay sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt hành chính 165 triệu đồng đối với hành vì xả khí thải và nước thải vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Ngày 28/10, UBND tỉnh đã làm việc với Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa giải quyết việc hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu huyện Cam Lâm phối hợp với Công ty đường Khánh Hòa và các ngành liên quan thống kê, đề xuất mức hỗ trợ thiệt hại của người dân. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) chủ trì, phối hợp UBND huyện Cam Lâm, Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa và các ngành liên quan kiểm tra hồ sơ, căn cứ quy định pháp luật và thực tế để xác định mức hỗ trợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại cuộc họp bàn bạc giải quyết do Sở NN&PTNN chủ trì các bên không thống nhất với nhau.

Ông Lê Tấn Bản, Phó giám đốc Sở NN&PTNN cho biết: Sở thống nhất thời gian hỗ trợ là ngày 12/4 đến ngày 30/4/2011. Tuy nhiên, việc hỗ trợ ngư dân vẫn dậm chân tại chỗ vì các bên không thống nhất được ý kiến. Sở đưa ra phương án hỗ trợ 30% (hộ dân thiệt hại từ 30 - 70%), 50% (hộ dân thiệt hại trên 70%) theo đúng quy định pháp luật, theo đó tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 700 triệu đồng. UBND huyện Cam Lâm yêu cầu mức hỗ trợ gần 1,7 tỷ. Nhà máy Đường Khánh Hòa chỉ đồng ý hỗ trợ giống, mức 25% theo tỷ lệ thiệt hại kê thực tế của dân, tương đương mức hỗ trợ khoảng 75 triệu đồng. Sở sẽ báo cáo vấn đề trên lên UBND tỉnh để tiếp tục giải quyết.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thành Liêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đường Khánh Hòa cho rằng: Nước thải của nhà máy đường Khánh Hòa không phải nguyên nhân gây ra thiệt hại nuôi trồng thủy sản của người dân. Hệ thống xử lý nước trục trặc nhưng không nghiêm trọng, nhà máy cách xa điểm thủy sản chết và thời gian xảy ra sự cố cách xa thời gian thủy sản chết. Công ty sẽ giúp đỡ người dân tùy thuộc năng lực tài chính của công ty.

Trong lúc các ban ngành đang tìm cách tháo gỡ vấn đề thì các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Đồng, người dân ở thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, bức xúc: “Nước ở đầm Thủy Triều lúc đó có màu đỏ nâu, mùi đường. Khi lấy nước vào hồ thấy cá ngạt và yếu dần. Vài hôm sau cá chết hàng loạt, thiệt hại của gia đình tôi lên gần 800 triệu. Hiện tại gia đình chúng tôi nợ ngân hàng gần 500 triệu. Do đó chúng tôi hết sức mong chờ khoản hỗ trợ giúp đỡ của các cấp, các ngành để tái đầu tư”. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết: “Chờ lâu không thấy hỗ trợ người dân rất sốt ruột. Người dân liên tục hỏi lúc nào được hỗ trợ”.

Ông Nguyễn Trí Tuân, Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết: “Quan điểm của huyện là phải hỗ trợ người dân đúng mức thiệt hại thực tế là 1,7 tỷ đồng. Huyện tiếp tục đề nghị cấp trên giải dứt điểm vấn đề này để người dân nhanh chóng nhận tiền hỗ trợ, an tâm sản xuất./.


Quang Đức