09:09 27/09/2012

Đàm phán Trung - Nhật gay gắt

Ngày 26/9, bên lề khóa họp 67 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York (Mỹ), Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp gỡ để thảo luận về quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã không đạt được bước đột phá nào.

Nhật Bản giảm sản lượng ô tô tại Trung Quốc


Ngày 26/9, bên lề khóa họp 67 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York (Mỹ), Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp gỡ để thảo luận về quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã không đạt được bước đột phá nào.


 

Một đại lý của Toyota ở Bắc Kinh (ảnh chụp ngày 9/9).

 

Theo Tân Hoa xã, tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh về chủ quyền "không thể tranh cãi" đối với quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là Senkaku). Trung Quốc cũng phản đối mạnh mẽ việc Nhật Bản thực thi chính sách "quốc hữu hóa" quần đảo này.


Ông Dương Khiết Trì cảnh báo, "Trung Quốc sẽ không dung thứ bất cứ hành động đơn phương nào của phía Nhật Bản" đối với quần đảo tranh chấp và sẽ tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Nhà ngoại giao này cũng đổ lỗi căng thẳng hiện nay là do Nhật Bản châm ngòi và Tôkyô cần có hành động cụ thể để sửa sai, cũng như ngừng các động thái vi phạm để quan hệ song phương có thể trở lại bình thường và tiếp tục phát triển.


Trong khi đó, một quan chức Nhật Bản nói với hãng tin AFP rằng, “bầu không khí tại cuộc gặp khá gay gắt”. Hãng tin Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Gemba kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải khiến quan hệ giữa hai cường quốc châu Á này rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.


Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, động thái đã làm dấy lên làn sóng chống Nhật Bản tại Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh tiến hành một loạt biện pháp "trả đũa". Các quan hệ thương mại, đầu tư song phương đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Ngày 26/9, hai tập đoàn Toyota và Nissan đã thông báo cắt giảm sản lượng tại Trung Quốc do nhu cầu xe hơi Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi cuộc tranh cãi chủ quyền giữa hai nước. Các nhà máy của Nissan sẽ tiếp tục tạm ngừng hoạt động sau khi kỳ nghỉ quốc khánh vào đầu tháng 10 tại Trung Quốc kết thúc. Hoạt động sản xuất của Toyota tại nhà máy liên doanh GAC ở Quảng Châu và FAW ở Thiên Tân sẽ ngừng hoạt động cho đến ngày 29/9. Trong khi đó hãng Mazda lên kế hoạch ngừng sản xuất tại nhà máy ở Giang Tô vào ngày 28 và 29/9, còn Suzuki Motor cũng quyết định tạm ngừng sản xuất ca đêm tại nhà máy ở Trùng Khánh từ 24 đến 28/9. Một quan chức của hãng Honda cũng cho biết, đã có ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh số bán hàng của hãng tại Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền biển đảo.


Trong bối cảnh doanh nghiệp Nhật Bản thu hẹp hoạt động ở Trung Quốc, Philíppin đã có động thái mời gọi các doanh nghiệp này chuyển sang Philíppin. Hãng tin Pháp AFP ngày 26/9 dẫn lời Thứ trưởng Thương mại Philíppin Cristino Panlilio cho biết, chính phủ nước này đã chỉ thị cho các cơ quan thương mại của Philíppin chào mời các công ty Nhật Bản chuyển hoạt động kinh doanh từ Trung Quốc sang Philíppin. Ông Panlilio cho rằng, đây là hành động “nỗ lực giúp đỡ người Nhật của Philíppin”.


Theo Thứ trưởng Panlilio, để thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, Chính phủ Philíppin sẽ có chính sách ưu đãi về thuế, song song với nâng cao dân trí, tạo môi trường ổn định về kinh tế và thể hiện quyết tâm đẩy lùi tham nhũng. Ông Panlilio cho rằng, không kể đến căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật, chỉ riêng việc giá nhân công ngày càng tăng cũng khiến Trung Quốc không thể cạnh tranh với Philíppin về sức hấp dẫn đối với các công ty Nhật Bản.

 

Thu Hằng (tổng hợp)