09:23 24/09/2012

Đàm phán hai miền Xuđăng bế tắc

Các nhà lãnh đạo Xuđăng và Nam Xuđăng đã có các cuộc thảo luận tích cực trong ngày 24/9 (giờ VN) nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt tình trạng thù địch và nối lại hoạt động xuất khẩu dầu lửa.

Các nhà lãnh đạo Xuđăng và Nam Xuđăng đã có các cuộc thảo luận tích cực trong ngày 24/9 (giờ VN) nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt tình trạng thù địch và nối lại hoạt động xuất khẩu dầu lửa.

 

Tuy nhiên, các nguồn tin từ thủ đô Ađi Abêba (Êtiôpia) cho biết Tổng thống Xuđăng, Omar Hassan Al Bashir và người đồng cấp Nam Xuđăng, Salva Kiir Mayardit vẫn chưa đạt được bước đột phá nào về vấn đề an ninh sau nhiều giờ thương lượng.


Quân đội Xuđăng và Nam Xuđăng đã có các trận giao tranh ác liệt hồi tháng 4/2012 dọc đường biên giới chưa phân định giữa hai nước sau khi nổ ra cuộc tranh cãi về việc Nam Xuđăng phải chi trả bao nhiêu tiền cho việc sử dụng các đường ống dẫn dầu của miền Bắc. Sự hoài nghi giữa hai quốc gia láng giềng, bị chia cắt sau cuộc nội chiến vào tháng 7/2011, tiếp tục gia tăng khi Nam Xuđăng cáo buộc Xuđăng hồi cuối tuần qua đã thả dù vũ khí cho các phiến quân tại Nam Xuđăng


Người phát ngôn phái đoàn Xuđăng, Badr el-Din Abdallah cho biết giữa lập trường hai bên trong cuộc đàm phán ở Ađi Abêba vẫn tồn tại nhiều khác biệt, đặc biệt là vấn đề an ninh. Hiện cả Xuđăng và Nam Xuđăng đều đang chịu áp lực phải đạt được một hòa ước, hoặc có nguy cơ bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trừng phạt. Hạn chót mà LHQ đặt ra để Xuđăng và Nam Xuđăng đạt được thỏa thuận đã kết thúc nửa đêm ngày 22/9 (giờ địa phương), nhưng cả hai bên vẫn tiếp tục đàm phán trong khuôn khổ cuộc gặp do Liên minh châu Phi (AU) bảo trợ.


Cả Xuđăng và Nam Xuđăng từng ký nhiều hòa ước nhưng rút cuộc đều không thực hiện được bất cứ thỏa thuận nào dù hai nước đang rất cần nguồn thu nhập từ dầu mỏ. Hai nước đã đạt được thỏa thuận sơ bộ hồi tháng 8/2012 về việc Nam Xuđăng nối lại xuất khẩu dầu lửa để vận chuyển qua lãnh thổ Xuđăng tới các cảng bên bờ Hồng Hải. Tuy nhiên, Xuđăng vẫn khăng khăng yêu cầu hai bên cần đạt được thỏa thuận trước tiên về vấn đề an ninh.

 

T.L