08:10 11/08/2011

“Dầm mưa, dãi nắng” nuôi con ăn học thành người

Nghèo và khổ như những người nông dân của 2 huyện Ân Thi và Kim Động (Hưng Yên) mà chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ thì quả là cũng... tận cùng. Nhưng đầy ý chí và quyết tâm "bằng mọi giá phải cho con cái học hành để thành người" của họ thì cũng lại đến... tận cùng của quyết tâm.

Nghèo và khổ như những người nông dân của 2 huyện Ân Thi và Kim Động (Hưng Yên) mà chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ thì quả là cũng... tận cùng. Nhưng đầy ý chí và quyết tâm "bằng mọi giá phải cho con cái học hành để thành người" của họ thì cũng lại đến... tận cùng của quyết tâm. Dẫu chỉ có 700.000 đồng tổng thu nhập một tháng, nhưng ông Bùi Kim Đính đã "gà trống" nuôi 3 con lớn đi học đại học, cậu con út năm nay lên lớp 12, Bùi Kim Linh, cũng đang miệt mài đèn sách để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sang năm. Còn người mẹ đơn thân Nguyễn Thị Thuận làm thuê từ 4 giờ sáng tới tối mịt chỉ để con có tiền đi học cũng chưa một giây phút nào lại có ý định cho con bỏ học...

Những số phận...

Sinh năm 1968, chị Nguyễn Thị Thuận - người phụ nữ của thôn Phú Cường (Phú Thịnh- Kim Động) đã 20 năm nay phải chịu nỗi đau của số phận. Đứa con đầu lòng vừa sinh ra đã liên tục ốm yếu, khiến mẹ vất vả, khiến tiền trong nhà "đội nón ra đi" vì thuốc men. Nhưng nỗi đau ấy vẫn không lớn bằng nỗi đau khi năm cháu lên 3 tuổi vẫn không biết đi, không biết nói. Đưa con đi khám, mới biết con bị thiểu năng trí tuệ. Người mẹ nào không đau cho nổi. Nhưng càng đau hơn vì sau khi biết tin, gia đình nhà chồng đã thay nhau hắt hủi chị. Chồng không chịu nổi bỏ nhà ra đi, bản thân chị Thuận phải đưa con về nhà ngoại, ở nhờ trong một gian bếp. Nhưng cũng đúng lúc đó, chị biết mình đã có thai 4 tháng đứa con thứ hai. Chị Thuận vác bụng bầu xin đi làm thuê khắp nơi để có tiền nuôi con. May mắn cho chị, đứa con thứ hai sinh ra khỏe mạnh, ngoan ngoãn và càng lớn càng học giỏi. Cô bé tên Phạm Thị Thương, học lớp 3 Trường Tiểu học Phú Thịnh, có khuôn mặt thông minh, xinh xắn. Năm nào em cũng là học sinh giỏi.

Chị Thuận (thứ 2 trái sang) và ông Bùi Kim Đính (ngoài cùng, bên trái) trong chương trình trao vốn.


Giờ đây, lịch một ngày của chị Thuận là thế này: 4 giờ sáng tất tả quang gánh ra đồng cắt cỏ cho bò, hái rau mang đi bán. 7 giờ tranh thủ rửa bát thuê cho các quán bán đồ ăn sáng ở chợ. 9 giờ lại vác cuốc vào làm thuê tại một trang trại ở xã bên. Cùng với đó là chăm lo cho đứa con 20 tuổi vẫn không thể tự ăn, tự đi vệ sinh... Quần quật cả ngày như thế, mỗi tháng chị cũng kiếm được 1 triệu đồng, tằn tiện đủ cho cả 3 mẹ con. Công việc và nỗi đau khiến khuôn mặt của người phụ nữ này hằn những dấu vết mệt mỏi. Nhưng, có một điều khiến khuôn mặt ấy sáng bừng, đó là khi nói về việc học hành của con cái: “Đứa bệnh hay đứa khôn cũng đều là con mình. Đứa bệnh thì phải kiếm tiền chăm sóc sức khỏe cho nó. Đứa khôn thì phải nuôi nó ăn học tử tế. Dù vất vả đến đâu tôi cũng sẽ cố để nuôi con ăn học nên người”.

Cũng một mình "thân cò lặn lội", nhưng hoàn cảnh của chị Trần Thị Tiếp, sinh năm 1967, ở thôn Bàn Lễ, xã Vũ Xá (Kim Động) lại có chút khác. Chồng không bỏ đi, nhưng bản thân chị đã phải chủ động ly hôn bởi người chồng không chịu làm ăn, lại còn thường xuyên rượu chè bê tha, rượu say là lại lao vào đánh đập vợ con. Để có tiền cho cậu con trai duy nhất là Trần Vũ Thắng (hiện học lớp 4 trường Vũ Xá) ăn học, chị phải nhiều năm ngược xuôi vào TP.HCM giúp việc nhà, nấu cơm, rửa bát thuê. Mấy năm nay sức khỏe yếu, chị Tiếp về quê mua ruộng để cấy, vay mượn vốn đầu tư nuôi lợn, nuôi gà. Thu nhập một tháng chỉ vỏn vẹn có 500.000 đồng, chi tiêu cho 2 mẹ con. Thế nhưng sự bất hạnh vẫn cứ bám riết cuộc sống của hai mẹ con chị khi cách đây hai tháng chị đã phải bán con bê, tài sản lớn nhất của gia đình, để lấy tiền lên Bệnh viện K (Hà Nội) mổ u nang. “Nhiều đêm cứ ngồi bên bậu cửa khóc vì nghĩ bây giờ bệnh tật, lỡ có nằm xuống lấy đâu ra tiền cho con ăn học”, chị nghèn nghẹn giọng. Với chị Trần Thị Tiếp thì Trần Vũ Thắng vừa là động lực vừa là niềm tự hào. Thắng ngoan ngoãn, thông minh và mỗi năm đi học đều mang giấy khen về tặng bà, tặng mẹ. “Nghèo khổ mấy tôi cũng chịu được, chỉ cần con ngoan ngoãn và học giỏi là tôi vui rồi” - chị Tiếp chia sẻ.

Làm mẹ đơn thân đã khổ, làm bố đơn thân càng khổ hơn. Vợ mất vì căn bệnh ung thư, ông Bùi Kim Đính, ở thôn Lưu Xá, xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi), quanh năm chỉ biết lao vào công việc để kiếm tiền trả nợ, nuôi con ăn học. Tài sản lớn nhất của gia đình là hai con lợn sề và gần chục con lợn giống (sắp đến ngày bán lấy tiền cho cô con gái vừa đỗ đại học chuẩn bị lên Hà Nội nhập trường) bỗng lăn đùng ra chết vì dịch vào cuối tháng 7 năm ngoái.
Cuộc sống khốn khó là vậy nhưng cả bốn người con của ông Đính đều học hành đến nơi đến chốn. Cô con gái lớn Bùi Thị Nga vừa tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch, đang học tiếp để chuẩn bị thi liên thông lên ĐH Thương mại. Hai cô con gái Bùi Thị Thúy và Bùi Thị Thùy đang theo học Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn và Trường ĐH Thể dục thể thao. Cậu con trai Bùi Kim Linh năm nay lên lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn. Hiện hai chị của Linh tranh thủ ở lại Hà Nội đi nhặt chỉ thuê ở một công ty may, kiếm tiền phụ giúp cha chuẩn bị cho em trai đi thi đại học vào năm tới. "Dù thế nào tôi cũng phải cho con ăn học thành người", khuôn mặt người đàn ông trong bộ quần áo lam lũ và đôi dép tổ ong đã cũ rách bỗng ngời lên niềm vui khi nhắc tới việc học hành của con cái...

Tiếp sức cùng đến trường

Quyết tâm thì ai cũng có. Với cả 60 hộ dân thuộc hai huyện nghèo Ân Thi và Kim Động (tỉnh Hưng Yên) vừa được nhận vốn của chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”, do báo Tuổi Trẻ, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Hưng Yên, Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam phối hợp tổ chức... ai cũng có những đứa con chăm ngoan, học giỏi, và ai cũng mong muốn dù phải nhịn ăn cũng phải nuôi con học hành thành người.

Nhưng từ quyết tâm tới hiện thực lại là một hành trình không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Như trường hợp chị Vương Thị Đoàn, có mỗi đàn gà để làm nguồn vốn nuôi con ăn học, thế mà vì dịch bệnh lăn ra chết hết; chị vì tiếc của, vì thương con thiếu tiền ăn học, nên phát ốm. "Với người dân chúng tôi, vài triệu đồng làm vốn cũng có khi thật khó khăn, bởi không phải lúc nào cũng vay mượn được", chị Vương Thị Đoàn tâm sự. Nhất là khi như hoàn cảnh gia đình chị, giờ đã vay mượn lên tới hơn 20 triệu để trang trải rồi... Bởi vậy, thật sự là niềm vui khi mỗi hộ dân được hỗ trợ vốn vay không lãi suất trong 2 năm (tháng 8/2011- tháng 8/2013) 10 triệu đồng tiền mặt, cùng số thức ăn chăn nuôi của GreenFeed trị giá 1,65 triệu đồng; đồng thời được công ty hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi trong suốt chương trình. Ngoài ra, 56 em học sinh đạt thành tích học tập giỏi, xuất sắc của 60 hộ nông dân đã nhận được phần thưởng của GreenFeed trị giá 500.000 đồng/suất. "Có vốn rồi, tôi sẽ khôi phục lại đàn gà của mình, con tôi lại có cơ hội đi học rồi", chị Vương Thị Đoàn rưng rưng nói. Cũng chung một tâm trạng, ông Bùi Kim Đính cho biết: "Được vay vốn thế này, tôi sẽ tiếp tục nuôi lợn để có tiền cho hai cô con gái đi học thêm tiếng Anh, chuẩn bị tốt nghiệp đại học vào năm tới”.

"Từ khi biết tin được vay vốn, suốt mấy đêm hai vợ chồng tôi không ngủ, bàn tính mua thêm con bò để lấy phân thả xuống ao cá. Cả đời làm vất vả nhưng tôi chẳng bao giờ được cầm trong tay số tiền lớn như vậy. Một hai năm nữa bán được bò sẽ có tiền cho hai đứa nhỏ lên tỉnh học trường chuyên”, ông Trần Quang Khải, bố của cháu Trần Mạnh Đức (lớp 7 Trường THCS Vũ Xá) là một trong hai học sinh giỏi có kết quả học tập cao nhất trường và cháu Trần Thị Thanh Tâm (lớp 8 Trường THCS Vũ Xá), tâm sự.

Đồng hành cùng chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” là hoạt động xã hội của GreenFeed. Với tổng số vốn tài trợ lên đến 2,1 tỷ đồng, chương trình sẽ hỗ trợ vốn cho 180 hộ nông dân tại 3 tỉnh Long An, Bình Định, Hưng Yên, bằng hình thức vốn vay không lãi suất trong hai năm, luân phiên giữa các hộ nông dân chăn nuôi nhằm giúp bà con vươn lên thoát nghèo và có điều kiện chăm lo cho con em học giỏi được tiếp tục đến trường. Từ cuối 2010 đến nay, chương trình đã trao 1,4 tỷ đồng cho 120 hộ nông dân tại 4 huyện của Long An và Bình Định, giúp cho họ có cơ hội để chăm lo cho việc học hành của con cái.

Bài và ảnh: P.V