01:07 08/01/2015

Đam mê chế tác đàn tính tẩu

Đến xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, hỏi ông Hoàng Văn Lưu, ai cũng biết người đàn ông say mê, gắn bó với nghề chế tác cây đàn tính này.

Đến xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, hỏi ông Hoàng Văn Lưu, ai cũng biết người đàn ông say mê, gắn bó với nghề chế tác cây đàn tính này.

Các hội viên Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh đến nhờ ông Lưu chỉnh sửa dây đàn.



Từ nhỏ, ông Lưu đã thường xuyên ngồi xem cha làm đàn, ông cảm thấy như có sức hút với cây đàn tính. Năm 12 - 13 tuổi, ông Lưu phụ giúp cha nhiều công đoạn làm đàn như cưa cần đàn, cắt bầu đàn, mài mặt bầu đàn… Đến năm 15 tuổi, ông Lưu đã có thể tự làm hoàn chỉnh một cây đàn tính. Ông Lưu cho biết: “Thời đấy làm đàn chưa cầu kỳ như bây giờ, đàn không đánh vecni. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi thấy người ta đánh vecni các loại tủ, giường, bàn ghế, tôi mới lấy về đánh thử”.

Sau gần 30 năm làm đàn tính, ông cũng rút ra nhiều kinh nghiệm về nghề làm đàn tính. Ông Lưu chia sẻ: Để làm được cây đàn tính cần sự kiên trì và đôi bàn tay khéo léo. Một cây đàn tính tốt, có tiếng đàn hay, chuẩn, cần có hội tụ các yếu tố: Bầu đàn đủ kích cỡ, đục lỗ bầu và chỉnh dây chuẩn.

Hiện nay, mỗi tháng ông Lưu làm được 15 - 20 chiếc đàn, giá bán từ 750.000 - 800.000 đồng/chiếc. Đàn tính của ông Lưu có âm sắc chuẩn, không chỉ nhiều khách hàng trong tỉnh mà còn nhiều khách hàng ngoài tỉnh như Lạng Sơn, Tuyên Quang đặt hàng.

Lặn lội từ thành phố lên để nhờ ông Lưu chỉnh lại dây đàn, bà Lục Thị Kim, hội viên Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh chia sẻ: “Ông Lưu là một trong những người làm đàn tính tốt nhất tỉnh. Cây đàn tính do ông Lưu chế tác có âm thanh chuẩn, mẫu mã đẹp, nên tôi và nhiều thành viên trong Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh thường đặt mua”.

Ông Lưu cho biết: “Không chỉ tôi, mà vợ tôi cũng rất đam mê cây đàn tính và thường xuyên tham gia biểu diễn hát then, đàn tính tại các lễ hội, cuộc thi văn hóa, văn nghệ. Vợ tôi cũng đã học và biết làm đàn tính. Hiện nay, tôi đang truyền nghề cho 2 con trai để không làm mai một nghề truyền thống của gia đình”.

Bài và ảnh: Hoàng Ánh