06:17 18/06/2015

Dám đăng thông tin, dám dừng lại

Trong cơn cuồng phong về thông tin như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng: Bản lĩnh của nhà báo không chỉ là dám đăng thông tin mà còn là dám dừng lại.

Trong cơn cuồng phong về thông tin như hiện nay cộng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ internet, mạng xã hội Facebook, Twitter, có nhiều ý kiến cho rằng: Bản lĩnh của nhà báo không chỉ là dám đăng thông tin mà còn là dám dừng lại. “Báo chí nên lựa chọn cách tiếp cận thế nào có lợi nhất cho đất nước trước những vấn đề nhạy cảm chứ không nên tự kiểm duyệt rồi bó tay thúc thủ”, ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP Hồ Chí Minh nói.

Thuyết phục lấy tin, đa dạng cách đưa

Người dân Việt Nam cũng như bà con kiều bào ở nước ngoài đều không thể quên được việc Trung Quốc từng đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2014. Thời điểm đó, tại Việt Nam đã xảy ra các cuộc biểu tình của nhiều người dân, công nhân tại một số doanh nghiệp. Giai đoạn đầu, các cuộc biểu tình này khá trật tự, nhưng sau đó tại tỉnh Hà Tĩnh, Bình Dương và Đồng Nai đã xuất hiện lực lượng trà trộn trong công nhân để xúi bẩy, kích động, đập phá các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI).

Nhà báo Hoàng Tư Giang (hình phải) đang trao đổi với chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (World Bank), ông James Anderson (Ảnh do nhân vật cung cấp).


“Sáng 15/5/2014, mình đi lại liên tục trong văn phòng tòa soạn. Trong đầu tràn ngập những hình ảnh kinh hoàng ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh đang được lan truyền trên internet từ đêm trước. Mình nghĩ, phải phỏng vấn được ai đó để giúp trấn an giới đầu tư nước ngoài. Từ khi ban hành Luật FDI năm 1987, Việt Nam chưa từng xảy ra vụ việc tương tự và điều này rất ảnh hưởng tới dòng vốn FDI vào Việt Nam nếu không có giải pháp kịp thời. Đúng lúc đó, mình nhận được yêu cầu của tòa soạn về việc này. Liên hệ với một quan chức cao cấp nhưng không thành. Mình nhắn tin cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT): “Anh phải cho em gặp trưa nay”. Lúc đó, ông ấy đang giải trình ở Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình bạo loạn. “Ok”, ông nhắn lại”, nhà báo Hoàng Tư Giang - Thời báo Kinh tế Sài Gòn kể lại.

Theo nhà báo Hoàng Tư Giang, buổi phỏng vấn diễn ra chóng vánh và thông điệp quan trọng nhất mà “Tư lệnh” ngành đầu tư đã đưa ra là: "Tôi khẳng định sẽ không để xảy ra vụ việc tương tự". “Phải thừa nhận, thông điệp đó là rất cứng và bản lĩnh trong hoàn cảnh đó”, nhà báo Tư Giang nói. Bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh được tòa soạn sử dụng ngay, truyền tải được quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu, kích động các cuộc biểu tình; đồng thời cam kết bảo vệ tính mạng và tài sản cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có những doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Sau khi bài viết được đăng, Hoàng Tư Giang còn đề nghị một số tờ báo điện tử dẫn lại nguồn bài phỏng vấn; đồng thời chia sẻ cho các đồng nghiệp công điện mà Bộ trưởng ký gửi tất cả các sứ quán, các hiệp hội doanh nghiệp FDI để trấn an họ. “Đó cũng là cách báo chí có thể làm để giúp ổn định lại tình hình”, nhà báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn chia sẻ.

Biển Đông thực sự “dậy sóng” khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Lần đầu tiên Báo điện tử VietnamPlus đã có ý tưởng và cho ra đời “Bản tin rap về Biển Đông” (RapNewsPlus) với 12 ngôn ngữ (Việt Nam, Anh, Trung, Nhật, Arab, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Hàn, Bahasa-Malaysia và tiếng Nga).

Bản tin đa ngữ nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng (crowdsource), đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả người nước ngoài yêu chuộng hòa bình và công lý. Bản tin nhạc rap Biển Đông đã tạo sức mạnh lan tỏa đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, giúp người dân, bạn bè quốc tế hiểu rõ thực chất của vấn đề; đồng thời góp thêm tiếng nói bảo vệ hình ảnh, chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Với Bản tin rap này, nhóm tác giả: Lê Quốc Minh, Trần Ngọc Long, Nguyễn Hoàng Nhật (Báo điện tử VietnamPlus) đã đạt giải Nhất toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2014.

Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, các nhà báo theo dõi kinh tế, đặc biệt là phóng viên làm mảng ngân hàng cũng phải “căng” các loại “cần ăng ten” để nghe ngóng, thu thập tin tức về diễn biến kinh tế Việt Nam. Vì chỉ cần một thông tin không chính thống, rõ ràng hoặc bịa đặt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình tài chính, đầu tư của Việt Nam khiến dư luận hoang mang.

Có thời điểm, cơ quan quản lý rất thận trọng khi cung cấp thông tin nhưng với những dẫn chứng tìm hiểu thực tế, sự thuyết phục của một số nhà báo, lãnh bộ, ngành đã thấy hợp lý để đồng ý phát ngôn.

Về vụ việc căng thẳng Biển Đông tháng 5/2014 đã khiến thị trường ngoại hối Việt Nam biến động trong vài ngày. Có ý kiến chuyên gia nhận định: Không loại trừ có kẻ làm giá trục lợi khiến tỷ giá USD/VND biến động. Trước vấn đề này, báo giới đã tìm mọi cách để liên hệ phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước- NHNN), nay là Phó Thống đốc NHNN. Đại diện NHNN khẳng định: Thời điểm này, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn diễn ra thông suốt; cung cầu ngoại tệ vẫn đảm bảo. NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho hệ thống, sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm; đồng thời tiếp tục theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gây rối, đầu cơ trục lợi bất chính. Những thông tin được NHNN phát ra đã khiến tâm lý người dân cũng như nhà đầu tư bớt lo; thị trường ngoại hối hoạt động ổn định trở lại.

Lựa chọn thông tin và tính nhân văn trong nghề

Nhà báo Đức Hiển, Tổng thư ký Tòa soạn báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh cho hay: Hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, bất cứ người dân nào cũng có thể tiếp cận thông tin dễ dàng, vì vậy, với những thông tin được cho là “nhạy cảm”, không nên đăng thì có giấu được người dân hay không? “Tôi cho rằng nên lựa chọn cách tiếp cận chứ không phải từ chối việc đưa tin, phải vào cuộc một cách có trách nhiệm thay vì né tránh”, đại diện báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh nói.

Đồng tình quan điểm này, đại diện báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng: Thời buổi nay, mọi công dân đều có thể thành “nhà báo” thì tính chủ động của báo chí càng phải nâng lên. Cơ quan quản lý báo chí cũng phải am hiểu nghiệp vụ báo chí để sát cánh cùng cơ quan báo chí, có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời.

Một vấn đề nhức nhối đang diễn ra hiện nay khiến nhiều người muốn “xa lánh” báo chí, đặc biệt là giới nghệ sỹ vì họ cho rằng: Sự phát triển ổ ạt của báo chí, nhất là những báo, trang điện tử không chính thống, tờ báo “lá cải” đã đăng tải nhiều thông tin sai lệch, bới móc quá sâu đời tư, hình ảnh cá nhân khiến không ít gia đình, bản thân họ phải lao đao. Có những ca sỹ đang lao động nghệ thuật rất nghiêm túc giờ đây rất ngại khi thông tin ra công chúng vì nỗi lo mỗi báo khai thác, bẻ theo một hướng khác để “câu khách”, giật gân hơn.

Trong buổi Tọa đàm “Trách nhiệm và bản lĩnh của cơ quan báo chí trong quy trình thực hiện tin bài thời sự” do Ban tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin - truyền thông, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại báo Tuổi Trẻ mới đây, Nhà báo Trường Uy, Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ chia sẻ: Mới đây, Tuổi Trẻ có đăng thông tin về cậu học trò lớp 12 Đỗ Quang Thiện bị áp giải ngay tại sân trường vì liên quan đến một vụ tai nạn giao thông. Sau đó, học sinh này được hoãn thi hành án để tham gia kỳ thi cuối năm. Để báo bán chạy, thu hút độc giả, các báo sẽ chạy theo luồng thông tin để làm tiếp như: Có phải em học sinh này gây ra tai nạn giao thông hay không?; Cậu học sinh lớp 12 và ký ức 52 ngày trong tù... “Tuy nhiên, chúng tôi cân nhắc và thấy rằng nếu báo chí tiếp tục đưa tin thì dù là theo hướng nào, học sinh này cũng khó lòng bình tâm thi tốt. Cuối cùng, Tuổi Trẻ quyết định dừng lại dù trong tay có nhiều tư liệu”, đại diện báo Tuổi trẻ nói.
Minh Phương