05:22 10/05/2015

Đăk Rơ Nga vững tin trên con đường xóa nghèo

Đăk Rơ Nga là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Tô (Kon Tum), toàn xã có 659 hộ với gần 3.000 khẩu, đa số là người đồng bào Xê Đăng. Năm 2014, dù có nhiều khó khăn, nhưng chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của xã Đăk Rơ Nga vẫn đạt và vượt kế hoạch.

Đăk Rơ Nga là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Tô (Kon Tum), toàn xã có 659 hộ với gần 3.000 khẩu, đa số là người đồng bào Xê Đăng. Năm 2014, dù có nhiều khó khăn, nhưng chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của xã Đăk Rơ Nga vẫn đạt và vượt kế hoạch. Đây là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để người dân Đăk Rơ Nga vững tin trên con đường xóa nghèo.

Tranh thủ có mưa, vợ chồng A Khuyên, làng Đăk Manh 1, trồng mỳ trên cánh đồng của làng vừa được các chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum giúp khai hoang. 5 năm trước, đây là cánh đồng trồng lúa, mỳ màu mỡ của dân làng, tuy nhiên, sau khi cơn bão số 9 năm 2009 đi qua, cánh đồng trên thành một đồi đất, đá bạc màu. Năm 2014, Bộ Chỉ huy Quân sự Kon Tum đã tiến hành san lấp, cải tạo, chia lô lại, giúp dân ổn định sản xuất. A Khuyên tâm sự: “Bão số 9 năm 2009 đã xóa sạch nỗ lực bao năm của dân làng. Lúc đó, bộ đội đã giúp dân ổn định cuộc sống. Và nay, mình và bà con trong xã rất phấn khởi khi bộ đội tiếp tục giúp dân khai hoang lại đồng ruộng để phát triển sản xuất”.

Cây cao su giúp người dân huyện Đăk Tô thoát nghèo.


Cũng như vợ chồng A Khuyên và bao đồng bào khác, anh A Nô ở làng Đăk Manh 2 hiểu rõ giá trị của cuộc sống mà Đảng, chính quyền cách mạng mang lại cho dân làng. Anh tâm sự: "Sau 40 năm, người dân xã Đăk Rơ Nga đã thực sự hưởng thành quả từ cách mạng. Trước giải phóng, mặc dù phát nương làm rẫy, chọc tỉa, kiếm sống từng ngày vất vả nhưng mọi người ăn không đầy được cái bụng, cái mặc cũng chưa ấm. Nay, nhà nào nghèo cũng có cơm, có thịt ăn hàng ngày. Điện, đường bê tông, đường nhựa, trường học, trạm xá được xây dựng đến tận thôn làng, sinh hoạt và sản xuất thuận lợi. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án đã giúp bà con phát triển kinh tế, thậm chí có của ăn, của để”.

Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đang dần được đầu tư xây dựng.



Căn nhà mới A Nô đang xây dựng có diện tích hơn 100 m2, trị giá hơn 100 triệu đồng. Theo anh A Nô, những năm trước, khi cao su có giá (khoảng 50 triệu đồng/tấn mủ) thì mỗi ngày gia đình thu nhập khoảng 4 triệu đồng từ 4 ha cao su vừa cho mủ. “Sướng lắm. Ngày đó không chỉ A Nô mà nhiều người trong làng ai cũng có cuộc sống sung túc. Giờ giá thấp hơn, mình không cạo mủ, nhưng mình tin không lâu nữa giá sẽ nhích lên”, A Nô khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Nga, cho biết: Thời gian tới, chính quyền sẽ đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, trên cơ sở phát triển diện tích cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; tận dụng, phát huy tiềm năng về đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả và có giá trị kinh tế, tiếp tục triển khai đề án cao su tiểu điền cho hộ nghèo. Hiện, diện tích cây công nghiệp lâu năm trong xã đã đạt gần 1.000 ha, cây sắn 835 ha, cây lương thực gần 200 ha… Cùng với những chương trình, dự án mà Đảng, Nhà nước hỗ trợ, người dân Đăk Rơ Nga vững tin trên con đường xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc trong tương lai.

Cao Nguyên