08:05 15/08/2011

Đắk Lắk đầu tư phát triển cây bơ cho hiệu quả kinh tế cao

Hiện nay, giá thu mua bơ quả trên thị trường tăng khá cao nên đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc ở Đắk Lắk đầu tư phát triển cây bơ. Chỉ riêng mùa mưa năm nay, nông dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã trồng mới thêm hàng trăm ha bơ bằng các giống bơ mới, chất lượng cao.

Hiện nay, giá thu mua bơ quả trên thị trường tăng khá cao nên đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc ở Đắk Lắk đầu tư phát triển cây bơ. Chỉ riêng mùa mưa năm nay, nông dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã trồng mới thêm hàng trăm ha bơ bằng các giống bơ mới, chất lượng cao. Tỉnh Đắk Lắk đã có diện tích bơ trên 4.200 ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư M’Gar, Krông Pắk, Krông Búk, Krông Năng, Ea H’Leo, Cư Kuin. Đây cũng là địa phương có diện tích, sản lượng bơ quả nhiều nhất so với cả nước.

Cây bơ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con dân tộc tỉnh Đắk Lắk.


Trước đây, nông dân các dân tộc ở Đắk Lắk trồng bơ để làm hàng rào, hoặc làm cây che bóng mát. Nhưng, từ năm 2006 trở lại đây, cùng với việc cải tạo giống, đưa các giống bơ sáp có chất lượng cao vào trồng, tỉnh Đắk Lắk đã làm tốt công tác quảng bá, tiếp thị, phát triển chuỗi giá trị đưa quả bơ vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, nhỏ, các chợ và được người tiêu dùng trong cả nước biết đến, tiêu thụ mạnh, giá cả không ngừng tăng lên. Hàng năm, các doanh nghiệp cũng đã xuất hàng trăm tấn bơ quả, góp phần tăng thu nhập cho người trồng bơ. Hiện nay, nông dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng đã xác định cây bơ là cây hàng hoá nên không những tập trung cải tạo vườn tạp, lập trang trại trồng thuần cây bơ mà còn đưa cây bơ trồng thành các đai rừng chắn gió, hoặc trồng xen cây bơ vào trong các vườn cà phê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hàng trăm hộ đồng bào các dân tộc ở các huyện Cư M’Gar, Cư Kuin, Krông Năng đã trồng xen cây bơ sáp trong vườn cà phê, mỗi vụ cho thu nhập thêm từ 60 đến 70 triệu đồng từ bơ trên mỗi ha cà phê.

Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên đã đưa vào trồng thử nghiệm 50 giống bơ nhập ngoại khác nhau và đã tuyển chọn được 12 giống bơ thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu ở Tây Nguyên. Các giống bơ này không những cho năng suất, chất lượng bơ cao mà còn kháng được sâu bệnh, trong đó, nổi trội nhất là tập đoàn giống bơ Booth. Viện cũng đã tổ chức hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, trồng, tuyển chọn các giống bơ có chất lượng cao để đưa vào trồng thay thế dần các giống bơ đã bị thoái hóa, năng suất thấp tại địa phương. Chỉ riêng mùa mưa này, Viện đã cung ứng trên 27.000 cây bơ giống, với giống bơ Booth cho các hộ đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để cải tạo, mở rộng diện tích cây bơ có chất lượng cao được thị trường tiêu thụ mạnh. Đây cũng là một trong 4 giống bơ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, giống bơ này có nguồn gốc từ Hoa Kỳ.

Cũng theo Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, bơ là loại cây ăn trái, luôn xanh tươi, cây có chiều cao từ 12 đến 20 mét, là một trong những loại trái cây có hàm lượng dinh dưỡng cao cho mọi lứa tuổi. Bơ trái không có vị ngọt nhưng rất béo, mùi thơm, có kết cấu mịn gần giống như kem. Các nhà kinh doanh chia bơ ra làm 3 loại: Bơ sáp vàng sẫm, bơ mở, bơ sáp thường, trong đó, bơ sáp có thịt màu vàng sẫm có hàm lượng dầu cao nhất, có giá bán cao nhất và cũng được tiêu thụ nhiều nhất.

Quang Huy