05:14 10/05/2014

Đại lễ cầu siêu cầu quốc thái dân an, hòa bình thế giới

Ngày 10/5, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức "Đại lễ cầu siêu cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới - siêu độ hương linh anh hùng liệt sỹ và nạn nhân thiên tai thảm họa".

Ngày 10/5, tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức "Đại lễ cầu siêu cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới - siêu độ hương linh anh hùng liệt sỹ và nạn nhân thiên tai thảm họa".

Tham dự Đại lễ cầu siêu có đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Đại Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Đức Nhiếp chính vương Gya Dokhampa và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa đại diện Phật giáo Ấn Độ; đại diện các Đại sứ quán, trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; các đại biểu kiều bào tiêu biểu, cùng hàng nghìn tăng ni, phật tử trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Đại lễ cầu siêu cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới nhằm tưởng niệm các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh trong công cuộc dựng nước và giữ nước, bạn bè quốc tế đã tử nạn tại Việt Nam.

Hàng nghìn Phật tử vẫn kiên trì ngồi dự đại lễ, chăm chú nghe Pháp vương giảng pháp. Ảnh: Vnexpress


Đại lễ cầu siêu đã trở thành một phong tục, một nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần tốt đẹp của người Việt Nam, thể hiện đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam và của đạo Phật. Đây cũng là dịp để đồng bào Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài bày tỏ tình cảm thiêng liêng, sâu đậm của mình đối với công lao các bậc tiền nhân, thể hiện quyết tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là dịp để tăng ni, phật tử Việt Nam tỏ bày lòng tri ân, báo ân những người đã hy sinh vì dân tộc, trong tinh thần đoàn kết hòa hợp từ bi không biên giới, bình đẳng. Xin nguyện một lòng đoàn kết hòa hợp tạo thành sức mạnh dân tộc, bảo vệ hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tốt đời đẹp đạo trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đại lễ cầu siêu thể hiện tinh thần bằng hành động cụ thể góp phần chào mừng thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014 tại Việt Nam, cũng như các ngày lễ lớn của dân tộc như ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"...

Đại Pháp Vương Gyalwang Drukpa cho biết, ngày Đại lễ Phật Đản Vesak đặc biệt quan trọng, đây là ngày tất cả chúng ta tưởng nhớ những nỗ lực của cộng đồng Phật giáo quốc tế cùng chuyển hóa thế giới dựa vào những lời giảng dạy của Đức Phật. Đất nước Việt Nam có sự phát triển Phật giáo hài hòa vì lợi ích dân tộc, vì thế giới hòa bình hơn, hạnh phúc hơn, đây cũng là thông điệp của ngày lễ Phật Đản.

Đại diện cho hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ông Lê Văn Huấn (kiều bào Thái Lan) xúc động nói: "Chúng tôi xin kính cẩn dâng nén tâm hương, nghiêng mình tri ân công đức các bậc tiền nhân, công đức Bác Hồ và những vị tiên liệt người Việt Nam đã ngã xuống vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Chúng tôi đồng tâm cầu nguyện các tiền nhân, tiên liệt phù hộ cho nhân dân Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam được quốc thái dân an, vững bước trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Theo ông Lê Văn Huấn, Đại lễ cầu siêu cũng là dịp để quảng bá hình ảnh tốt đẹp đối với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp, đoàn kết và phát triển.

Trước Hoàng thành Thăng Long, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị truyền thống dân tộc, những người con đất Việt tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với tổ tiên và các thế hệ tiền nhân đã có công khai sáng kinh thành Thăng Long. Hơn 1000 năm trước, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, Đức Vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô. Cuộc dời đô lịch sử từ vùng đất Hoa Lư núi non trùng điệp về trung tâm châu thổ sông Hồng là bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc Việt Nam, khẳng định ý chí xây dựng độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Đại Việt. Đại lễ cầu siêu cũng là dịp để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà yêu nước, cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước, để hôm nay toàn dân Việt Nam cùng nhau tiếp tục tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt đường hướng hoạt động "Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


Thanh Hải