Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ VN: Giám sát chặt quá trình vận động bầu cử

Theo Luật định, từ ngày 3 – 18/5/2011, MTTQ các cấp sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 thực hiện quyền vận động bầu cử của mình. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Pha (ảnh), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết, vận động bầu cử là gì và những yêu cầu đối với vận động bầu cử?

Theo Điều 11, Nghị quyết 1020 ngày 14/2/2011 của Ủy ban Thường vụ QH: Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương nào thì thực hiện quyền vận động bầu cử ở địa phương đó.

Những yêu cầu của vận động bầu cử bao gồm: Công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng trong vận động bầu cử, tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri. Không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri và phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình vận động bầu cử.

Pháp luật nước ta quy định những hình thức và nội dung của vận động bầu cử ra sao, thưa ông?

Đối với hình thức vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức; trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng; gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác.

Nội dung vận động bầu cử của người ứng cử bao gồm: Người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Người ứng cử trình bày ý kiến của mình về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Người ứng cử và cử tri trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm. Và cuối cùng là người ứng cử trả lời các câu hỏi của cử tri.

Trong quá trình vận động bầu cử, Mặt trận Tổ quốc có hình thức giám sát như thế nào thưa ông?

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không những là cơ quan chủ trì tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử mà còn có trách nhiệm giám sát quá trình vận động bầu cử để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tình trạng lợi dụng vận động bầu cử để thực hiện những mục đích cá nhân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát hoạt động của những người ứng cử trong vận động bầu cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri và phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, MTTQ Việt Nam giám sát các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu vận động bầu cử; hình thức, nội dung và thời gian vận động bầu cử; trách nhiệm tổ chức vận động bầu cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

Có hai hình thức giám sát, đó là: Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử sẽ trực tiếp giám sát và phối hợp với thường trực HĐND cùng cấp để giám sát.

Theo đó các hoạt động bầu cử không những phải đảm bảo công khai, minh bạch mà còn phải bình đẳng giữa những người ứng cử. Những người lợi dụng vận động bầu cử kể cả là người ứng cử hay người khác để thực hiện những mục đích cá nhân nếu bị phát hiện sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm xử lý người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền của Hội đồng bầu cử. Trách nhiệm xử lý người ứng cử đại biểu HĐND vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban bầu cử cùng cấp.

Xin ông cho biết, ngoài các hình thức vận động bầu cử mà pháp luật đã quy định, người ứng cử có được sử dụng một số hình thức vận động khác mà pháp luật không cấm như phát tờ rơi, tặng quà, vận động trên Internet... hay không, quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Ngoài ba hình thức vận động bầu cử mà pháp luật đã quy định, có thể có trường hợp người ứng cử thực hiện một số hình thức vận động khác, mà chủ yếu là phát tờ rơi để nói về thành tích của cá nhân mình. Pháp luật không cấm các hình thức này nhưng nếu thực hiện các hình thức không có trong quy định của luật sẽ tạo ra sự không bình đẳng trong bầu cử. Và những người có điều kiện vận động bầu cử theo một trong các hình thức như phát tờ rơi, tặng quà cho cử tri... sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng đối với những người ứng cử trong cùng đơn vị bầu cử không có điều kiện thực hiện các hình thức vận động đó. Như vậy yêu cầu đảm bảo bình đẳng theo quy định sẽ không được thực hiện và đó là điều pháp luật cấm.

Đối với hình thức vận động trên Internet, nếu coi Internet là phương tiện thông tin đại chúng thì pháp luật nước ta không cấm. Tuy nhiên, trong luật đã quy định rõ, thông qua việc trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu người ứng cử có điều kiện được các báo mạng phỏng vấn, được đăng tải trên Internet thì tôi nghĩ đó là điều tốt cho người đó. Đặc biệt, không được lợi dụng việc trả lời phỏng vấn đó để nói những việc sai sự thật, để công kích làm tổn hại đến uy tín, quyền lợi, danh dự của những người khác.

Thưa ông, người ứng cử chỉ có một thời gian ngắn nhất định để trình bày chương trình hành động và trả lời các câu hỏi của cử tri. Vậy với kinh nghiệm của mình, xin ông cho biết người ứng cử nên sử dụng thời gian đó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Thời gian để mỗi người ứng cử trình bày chương trình hành động của mình rất ngắn, trong khoảng 10 đến 15 phút, vì vậy để có thể tận dụng được thời gian đó, làm tốt việc vận động bầu cử, theo tôi, chương trình hành động mà người ứng cử dự thảo phải hết sức súc tích. Thông thường chương trình gồm có hai phần, phần đầu nói rất ngắn gọn về nhân thân của mình, cũng như cảm nhận, suy nghĩ của mình về địa phương, nơi mình được ứng cử. Phần thứ hai tập trung nêu nếu trúng cử sẽ làm gì. Theo tôi, phần này chỉ cần tập trung vào ba chức năng của Quốc hội, đó là lập pháp, giám sát tối cao của Quốc hội và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, cần nói thật ngắn gọn, người trúng cử sẽ làm những gì. Nếu nói dài dòng, sẽ mất thời gian và làm phân tán sự quan tâm của cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Bích Thủy (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN