09:13 08/09/2014

Đại biểu quốc hội phải có tư duy phản biện độc lập

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sáng 8/9, nhiều ý kiến cho rằng, đại biểu quốc hội (ĐBQH) phải là người tận tụy, gắn với cử tri và đặc biệt phải thực sự có tư duy phản biện độc lập, vô tư.


Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sáng 8/9, nhiều ý kiến cho rằng, đại biểu quốc hội (ĐBQH) phải là người tận tụy, gắn với cử tri và đặc biệt phải thực sự có tư duy phản biện độc lập, vô tư.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII, sáng 8/9/2014. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN


Đề xuất tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách


Báo cáo giải trình Luật Tổ chức quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến tán thành việc tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Dự thảo Luật quy định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội.

Tán thành với quan điểm tăng ĐBQH chuyên trách để nâng cao chất lượng các kỳ họp, nhưng đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng 35% là con số chưa hợp lý. Theo ông Vinh, trong điều kiện hiện nay, tỉ lệ ĐBQH chuyên trách ít nhất phải 40%. “Trong đó, phải phân bổ ở cơ quan hành pháp ít hơn cơ quan lập pháp và tư pháp vì làm luật mà ở hành pháp nhiều sẽ không khách quan. Bên cạnh đó, mỗi đoàn phải có ít nhất từ hai ĐBQH chuyên trách trở lên”, ông Vinh nêu rõ.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) lại nhấn mạnh, ĐBQH chuyên trách có vai trò rất lớn trong việc tăng cường sức mạnh của Quốc hội, do đó không nên hạn chế số lượng đại biểu này. Ông Nam đề xuất, dự thảo Luật nên để 50% ĐBQH chuyên trách để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Với quan điểm “thà tinh mà tốt”, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng 35% ĐBQH hoạt động chuyên trách là phù hợp. Điều căn bản là chất lượng của nhóm đại biểu này với những tiêu chuẩn cụ thể. Đó phải là chuyên viên cao cấp và phải có 15 năm công tác trong lĩnh vực mà mình phụ trách trở lên; phải có thời gian tiếp xúc cử tri và năng lực lập pháp, giám sát mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồng tình với quan điểm này, một số ý kiến đề nghị quy định ĐBQH chuyên trách phải dành từ 1/4 đến 1/3 thời gian để tiếp xúc cử tri, để ĐBQH gần dân hơn, tránh hành chính hóa trong hoạt động Quốc hội.

ĐBQH phải nằm ngoài lợi ích nhóm

Tại hội nghị, nhiều vấn đề cũng được các đại biểu đặt ra khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đó là tiêu chuẩn, trách nhiệm ĐBQH như thế nào? Tính pháp lý của đoàn ĐBQH ở địa phương? Có cần bổ sung chức danh Tổng thư ký Quốc hội?...

Cho rằng ĐBQH là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện cho tương xứng với vị trí, vai trò của người đại diện của nhân dân. Đại biểu Đương đề xuất, ĐBQH phải gắn với cử tri, phải thực sự có tư duy phản biện độc lập và phải vô tư khi làm. “ĐBQH phải tránh tác động từ bên ngoài, lợi ích nhóm, phải mạnh mẽ phản biện đi đến tận cùng vấn đề”, ông Đương nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) bổ sung, cần quy định thêm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội để phân biệt với đại biểu HĐND ở địa phương. Đại biểu Nam đề nghị nên quy định độ tuổi ít nhất và cao nhất của đại biểu Quốc hội theo hướng, thấp nhất 25 tuổi để đảm bảo đủ kinh nghiệm, trình độ tham gia vào hoạt động của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội cũng không nên quá 70 tuổi.

Về chức danh Tổng thư ký Quốc hội, ông Phan Trung Lý cho biết, trên cơ sở đánh giá hoạt động của Đoàn Thư ký kỳ họp cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức phục vụ hoạt động của Quốc hội, dự thảo luật trình Quốc hội quy định về chức danh này. Đồng thời, để xác định rõ hơn vị trí pháp lý của Văn phòng Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và ĐBQH. Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) lưu ý, cần phải làm rõ chức danh Tổng Thư ký Quốc hội là thủ trưởng của cơ quan nào? Nếu không làm rõ được vấn đề này thì sẽ không phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai)... đề nghị cần làm rõ tính pháp lý của đoàn ĐBQH ở địa phương. Để thực hiện tốt chức năng giám sát thì đoàn ĐBQH phải được xác định địa vị pháp lý ở địa phương, tránh tình trạng nhiệm vụ thì giao nhiều, nhưng địa vị thì không có.


Thu Phương