11:09 16/11/2010

"Dagobert" - Kẻ tống tiền tinh quái (Kỳ II)

Funke trở nên nổi tiếng vì sự khéo léo, tinh xảo khi tự chế tạo các thiết bị kỹ thuật để đánh lạc hướng cảnh sát trong hơn 30 lần tìm cách trao tiền theo đòi hỏi của y.

Đầu những năm 1990, cả nước Đức xôn xao vì vụ tống tiền tập đoàn Karstadt mà kẻ tống tiền mang biệt danh "Dagobert" - tên chú vịt trong bộ phim của Walt Disney. Vụ tống tiền với biệt danh "Dagobert" đã trở thành vụ tống tiền lâu dài và tốn kém nhất trong lịch sử các vụ án hình sự Đức. Trong gần 2 năm trời, "Dagobert" đã chơi trò mèo vờn chuột với cảnh sát, sử dụng nhiều thiết bị tự tạo để đánh lừa cảnh sát, nên phải sau hơn 30 lần trao tiền thất bại, 6 lần gây nổ và cháy, gây nhiều thiệt hại lớn với phí tổn ước tính lên đến 30 triệu D-mark, cảnh sát mới tóm được "Dagobert" - tên thật là Arno Martin Franz Funke.


 Kỳ II: Kẻ tống tiền thông minh và khéo léo


Funke trở nên nổi tiếng vì sự khéo léo, tinh xảo khi tự chế tạo các thiết bị kỹ thuật để đánh lạc hướng cảnh sát trong hơn 30 lần tìm cách trao tiền theo đòi hỏi của y. Vì vậy, mặc dù biết những hành động của y rõ ràng là hành động tội phạm, nhưng dư luận lại có thiện cảm với y. Đáng chú ý là những sự kiện sau:




Một cửa hàng điện tử của Conrad, nơi "Dagobert"
hay mua linh kiện để lắp ráp các thiết bị cần thiết.


- Khi trao tiền theo kế hoạch, Funke thường chỉ dẫn địa điểm, lối đi bằng các cú điện thoại, phát bằng máy cát xét thu lại giọng nói từ máy vi tính. Các cuộc đàm thoại này thường được thực hiện từ các máy điện thoại công cộng. Vì cảnh sát Béclin biết trước được thời gian kẻ tống tiền sẽ gọi điện để chỉ dẫn nên có lần cho giám sát 1.100 chiếc điện thoại công cộng, có lần tới 3.900 chiếc, nhưng đều uổng công. Cảnh sát đã huy động một lực lượng cảnh sát lớn tới vài nghìn người mà không tóm cổ được y, vì chẳng may Funke lại sử dụng một chiếc điện thoại không bị giám sát.

- Trong lần trao tiền ngày 29/10/1992, Funke đi xe đạp tới nơi mà theo giao ước, người ta sẽ đặt bọc tiền vào một chiếc hộp sắt gắn ở thành tàu. Khi con tàu đang chạy qua quận Charlottenburg ở Béclin, hộp sắt đó tự rời ra theo sự điều khiển bằng vô tuyến của Funke. Khi hộp sắt rơi ra khỏi con tàu, Funke đã không nhặt lên vì sợ bị bắt do nghe được tiếng hô từ trong tàu. Khi đó, hai cảnh sát bí mật theo dõi ở bên ngoài đã nhìn thấy Funke và đuổi theo, nhưng một người suýt tóm được Funke lại bị trượt ngã do lá cây ướt. Báo chí lại cho rằng cảnh sát bị ngã do giẫm phải... phân chó, nên dư luận được một mẻ cười vỡ bụng. Funke cưỡi xe đạp chạy thoát và cũng tránh được cả viên cảnh sát thứ hai trên con đường chật hẹp. Báo chí nhạo báng, gọi vụ bắt hụt này là "Sự cố phân chó".

- Từ đầu năm 1993, cảnh sát theo dõi một cửa hàng của hãng điện tử Conrad trong nhiều tháng trời, vì ở đây bán nhiều loại linh kiện điện tử mà người ta tin rằng Funke sẽ phải mua để lắp ráp các thiết bị phục vụ cho mục đích của y và đánh lừa cảnh sát. Ngày 8/5/1993, khi Funke đến mua một chiếc đồng hồ hẹn giờ điện tử thì bị lực lượng giám sát phát hiện. Mặc dù bị theo dõi, nhưng Funke vẫn trốn thoát và "cắt đuôi" bằng lối ra vào trong trường hợp khẩn cấp.


Tranh biếm họa của Arno Funke
vẽ cho tạp chí Eulenspiegel.


- Ngày 19/4/1993 được giao ước là ngày trao tiền ở Béclin. Thông qua điện thoại, Funke cho biết họ phải tới một ngăn tủ đựng đồ ở nhà ga để nhận chỉ thị mới. Tại đó, người ta thấy có một chiếc chìa khóa của một thùng đựng cát để rải khi có tuyết. Funke yêu cầu để bọc tiền vào chiếc thùng được đặt gần nhà ga tàu điện nhanh Tòa Thị chính quận Steglitz và tuyên bố y sẽ tới nhận. Mặc dù đã kiểm tra, nhưng cảnh sát không phát hiện được bên dưới chiếc thùng là một kênh dẫn nước mưa, mà Funke chỉ lấp lại bằng một lớp bê tông mỏng. Tuy nhiên, Funke đã thận trọng theo dõi chiếc thùng thông qua một chiếc micro vô tuyến. Sau khi nghe thấy một chiếc bọc được đặt vào thùng, Funke đã theo đường kênh dẫn nước mưa, chui từ dưới đất lên, đập vỡ lớp bê tông mỏng và lấy được chiếc bọc giấy mà cảnh sát không biết. Nhưng không may cho y là trong bọc chỉ toàn giấy trắng. Trước đó, giả vờ làm công nhân xây dựng, y đã bí mật chuẩn bị cho nơi nhận tiền và đổ bê tông che lối xuống kênh dẫn nước mưa.

- Một lần trao tiền tiếp theo được thực hiện ngày 22/1/1994 với số tiền lên tới 1,4 triệu D-mark. Lần này, Funke tự chế tạo một chiếc tàu hỏa nhỏ có thể chạy trên đường ray. Người nhận nhiệm vụ giao tiền được chỉ thị đi tới một đoạn đường sắt bỏ hoang, đặt bọc tiền vào chiếc tàu hỏa mini. Khi bọc tiền vừa được đặt vào thì chiếc tàu hỏa mini liền chuyển bánh. Funke điều khiển chiếc tàu bằng vô tuyến ở cách đó khoảng 1 km. Khi đó tối trời và không nhìn được đường ray nên việc đuổi theo là hầu như không thể được. Tuy nhiên, Funke vẫn thận trọng làm nhiều bẫy dọc đường để nếu cảnh sát đuổi theo, khi chạm vào bẫy sẽ có pháo phát nổ. Lần này, tưởng đã chắc ăn, nhưng không ngờ chỉ còn ba chục mét nữa là tới đích thì chiếc tàu hỏa mini mang theo 1,4 triệu D-mark chẳng may trật bánh, nhưng Funke cũng không dám chạy lại để nhặt. Do cảnh sát phải dỡ những chiếc bẫy mà Funke cài, trong đó làm nhiều quả pháo sáng phát nổ, khiến họ nghi ngại và thận trọng khi đuổi theo đã giúp cho Funke có đủ thời gian chạy thoát, chỉ không lấy được tiền.

Ngày 22/4/1994, Funke đã bị bắt. Hai ngày trước đó, Funke đã liên lạc với doanh nghiệp bị tống tiền bằng điện thoại. Vì Funke thường thông báo trước thời gian liên lạc, nên hàng loạt trạm điện thoại công cộng ở phía nam Béclin, nơi Funke hay gọi, đã bị giám sát. Các nhân viên cảnh sát bí mật đã phát hiện một chiếc ô tô khả nghi, bên trong có để một chiếc xe đạp. Kiểm tra chủ chiếc xe, cảnh sát biết được rằng đây là một chiếc xe do một người tên là Arno Funke thuê. Từ thời điểm này, Funke bị theo dõi liên tục và ngày 22/4, khi Funke gọi điện thoại để tống tiền từ một trạm điện thoại công cộng ở Johannisthal thuộc Béclin thì bị cảnh sát xông tới tóm gọn. Funke không chống cự và thừa nhận ngay: "Tôi là Dagobert!".

Funke "Dagobert" đã gây ra thiệt hại tới 10 triệu D-mark. Chi phí cho các cuộc điều tra, theo dõi, lùng sục của cảnh sát không được tổng kết và công bố, nhưng theo ước tính có thể vượt xa số tiền do thiệt hại mà Funke gây ra. Riêng chi phí cho điện thoại đã lên tới 150.000 D-mark.

Trong phiên tòa sơ thẩm, ngày 14/3/1995, Arno Funke đã bị kết án 7 năm 9 tháng tù giam vì tội tống tiền nghiêm trọng. Nhưng vì Viện Công tố khiếu nại, nên phiên tòa phúc thẩm ở Béclin ngày 14/6/1996 đã phán quyết, tăng hình phạt lên 9 năm tù và buộc phải bồi thường cho Tập đoàn Karstadt 2,5 triệu D-mark. Funke phải ngồi bóc lịch ở nhà tù Ploetzensee thuộc Béclin, nhưng ngày 13/8/2000 đã được thả tự do trước thời hạn vì cải tạo tốt. Năm 2004, Funke xuất hiện trên kênh truyền hình 4 của Anh một lần nữa trong vai của kẻ tống tiền trong chương trình truyền hình thực tế "Kẻ cắp".

Các biện pháp khôn ngoan, có suy nghĩ kỹ mà Funke áp dụng để tống tiền cho thấy y có bộ óc rất thông minh. Quả thực, chỉ số IQ của Funke được xác nhận là 120 và trong một thí nghiệm không phải nói còn lên tới 145. Việc chế tạo bom cho thấy Funke có kiến thức rất tốt về điện tử cũng như rất khéo tay.

Trong thời gian ngồi tù, Funke vẽ tranh biếm họa cho tạp chí Eulenspiegel, ban đầu bằng tay và sau đó là bằng máy vi tính. Funke còn viết sách cho nhà xuất bản Eulenspiegel. Năm 1998, Funke công bố cuốn tiểu sử tự thuật "Cuộc đời tôi với tư cách là Dagobert" và năm 2004 một cuốn sách với tranh biếm họa và các câu chuyện "Ente kross", trong đó, Funke "thanh toán" với nhân vật Dagobert trong truyện tranh mà Funke bị liên tưởng cho tới ngày nay. Tháng 3/2007, Funke còn tham gia biểu diễn trong một chương trình đa phương tiện.

Cuộc đời của Arno Funke với tư cách là Dagobert đã được dựng thành phim dưới tiêu đề "Cuộc săn lùng Dagobert".

Vũ Long
(Tổng hợp theo báo chí Đức)