03:10 30/03/2012

Đặc sắc ngày hội Văn hóa dân tộc Mông

Nét riêng ấy đã được tôn vinh và gìn giữ không để mai một và mất đi trong sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc, giữa vùng miền, truyền thống và hiện đại…

Trong tiết trời mùa xuân, nơi ngút ngàn rừng núi Tây Bắc tỉnh Lai Châu, bà con dân tộc Mông, huyện Tam Đường nô nức trẩy hội trên đỉnh Tả Lèng (xã Tả Lèng).
Đây là lần đầu tiên, huyện Tam Đường tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông nhằm củng cố, phát huy tình đoàn kết trong cộng đồng thôn, bản và quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông.

Ngày hội thu hút hàng chục nghìn người đến xem và cổ vũ.


Huyện Tam Đường có 12 dân tộc như: Thái, Lự, Giáy, Dao… trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 23% dân số và phân bố ở 10 xã trên tổng số 14 xã, thị trấn. Về với ngày hội, các chàng trai cô gái, người già cho đến trẻ em đều xúng xính trang phục dân tộc sặc sỡ, bừng bừng sức sống rạo rực cả đất trời. Họ cùng nhau trổ tài bắn cung, cưỡi ngựa, múa khèn… Người đến, người đi phải lưu luyến bởi cái hồn chân chất, mộc mạc nhưng mạnh mẽ và rất đỗi yêu thương quý bạn.

Các cô gái, chàng trai say sưa với điệu múa.


Người Mông đã đi cày, phải cày bằng đất

Đã đi săn phải nắm được nai

Đã đi chợ phải ăn thắng cố

Đã yêu em dọc bước đường thang…

Ngất ngây trong tiếng khèn Mông.

Các chú ngựa và các chàng trai bản cũng quyết liệt như trường đua.

Thi giã bánh dày thể hiện sự mạnh mẽ, khéo tay của cô gái chàng trai Mông.


Nét riêng ấy đã được tôn vinh và gìn giữ không để mai một và mất đi trong sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc, giữa vùng miền, truyền thống và hiện đại… Trong hai ngày 17 – 18/3 diễn ra ngày hội, gần 300 vận động viên và diễn viên không chuyên đã thể hiện hết mình, thi đấu quyết liệt, gay cấn và kịch tính bởi sự nỗ lực, quyết tâm cạnh tranh giành thành tích cao của các đoàn và sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả. Đặc biệt lần đầu tiên ở Lai Châu, Ban Tổ chức mạnh dạn đưa môn đua ngựa vào nội dung thi đấu của ngày hội nhằm tăng phần lôi cuốn các du khách đến xem. Lấy vỏ chăn làm yên, lấy ngựa thồ làm chiến mã, đôi chân trần vẫn thốc ngựa phi như bay quanh rẻo bậc thang để tranh về đích. Sự hò reo và quyết liệt không kém phần náo nhiệt như một trường đua chuyên nghiệp. Ngày hội thêm phần mới lạ bởi hội thi giã bánh dày, từ khâu chuẩn bị, đồ nếp cho đến giã và hoàn thiện bánh đều bài bản, đúng kỹ thuật, mọi người đều được thưởng thức và không khỏi trầm trồ khen ngon… Người được mời ăn và tặng bánh dày theo quan niệm của người Mông là khách quý của gia đình. Vì trong ngày lễ, tết người Mông đều đặt 3 chiếc bánh dày để thờ cúng: Một chiếc thể hiện cho mùa màng bội thu, một chiếc thể hiện cho vật nuôi sinh sản đầy đàn, một chiếc là thể hiện cho sức khỏe và sự bình an của các thành viên trong gia đình… tất cả đều tròn trĩnh, no đủ, phồn thịnh.

Người Mông mời khách ăn bánh dày là sự tôn trọng và quý mến.

Gay cấn, hào hứng qua các môn thi đấu: Đẩy gậy, kéo co, ném tù lu…


Tổng kết, Ban Tổ chức đã trao hàng chục giải nhất, nhì, ba và khuyến khích cho các tập thể, cá nhân. Tuy giải thưởng cũng chỉ là tinh thần, nhưng mọi người có cơ hội để phô diễn tài năng trước đám đông, được giao lưu học hỏi và thấy được văn hóa của dân tộc mình vẫn được lưu giữ. Sự thành công của ngày hội cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn bởi đó là sự thắng lợi trong việc thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và huyện Tam Đường…

Rời bước chân trong lòng ai cũng xao xuyến, dư âm của ngày hội vẫn còn đọng lại như một lời hẹn ước “Hẹn gặp mùa hội sau”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng