12:19 31/12/2014

Đặc sắc chợ nổi

Ai đã từng đặt chân đến ĐBSCL, chắc chắn không thể quên hình ảnh xuồng ghe tấp nập trĩu nặng “hồn quê” quyện vào không gian chợ, khiến cả dòng sông sống động và nhộn nhịp. Đó là những chợ nổi, chợ phiên diễn ra trên sông - nơi trao đổi, buôn bán sản vật, hàng hóa của người dân trong vùng.

Ai đã từng đặt chân đến ĐBSCL, chắc chắn không thể quên hình ảnh xuồng ghe tấp nập trĩu nặng “hồn quê” quyện vào không gian chợ, khiến cả dòng sông sống động và nhộn nhịp. Đó là những chợ nổi, chợ phiên diễn ra trên sông - nơi trao đổi, buôn bán sản vật, hàng hóa của người dân trong vùng.

Bản sắc của vùng

5 giờ 30 sáng một ngày giữa tháng 12, chúng tôi có mặt tại bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) để bắt đầu chuyến khám phá chợ nổi Cái Răng - một nét văn hóa đặc trưng, độc đáo và là một phần không thể thiếu trong dòng chảy của văn hóa sông nước, miệt vườn đồng bằng miền Tây Nam Bộ.

Hoạt động buôn bán trên chợ nổi.


Trên dòng sông Cái Răng, khi ánh mặt trời vừa ửng đỏ, chợ nổi hiện ra trước mắt chúng tôi như một “thành phố nổi” nhộn nhịp. Những chiếc ghe, thuyền, tắc ráng chở đầy sản vật của miền quê sông nước như: Chôm chôm, xoài, dưa hấu... và đủ loại rau củ quả “quấn quít” vào nhau. Tiếng “í ới” của những tiểu thương gọi bạn hàng vang vọng, dập dềnh theo sóng nước và cả những đôi bàn tay thoăn thoắt “tung hứng” đủ loại hàng hóa từ ghe này sang ghe khác như những nghệ sỹ xiếc thực thụ. Chưa kể những bác “tài công” chuyên bán cà phê, phở, hủ tiếu... trên những chiếc ghe nhỏ xíu điệu nghệ điều khiển chiếc máy đuôi tôm chạy nhanh, luồn lách như những con cá chạch bám theo những mạn ghe, tàu để chào mời.

Anh Sáu Tiến, một thương hồ ở chợ nổi Cái Răng có thâm niên hơn 20 năm, vừa ném những quả dưa hấu căng mọng cho bạn hàng vừa chỉ cho chúng tôi xem cách phân biệt mặt hàng. “Trước mỗi mũi ghe thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa muốn bán. Tụi tui gọi là “bẹo hàng”. Khách chỉ cần nhìn cây “bẹo” mà tìm hàng thôi”, Sáu Tiến hồ hởi chỉ dẫn. Có thể nói, hình thức “bẹo hàng” này là một nét văn hóa giao thương độc đáo mà chỉ có ở chợ nổi. Nó không ồn ào, vồn vã, không níu kéo khách nhưng lại có sức thu hút kỳ lạ.

Chợ nổi Cái Răng được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 20. Đây không chỉ là nơi giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là nét đặc trưng của miền sông nước Cửu Long. Chợ nổi này là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Do vậy, hàng hóa tập trung ở đây với số lượng lớn, mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi.

Không chỉ riêng TP Cần Thơ, có rất nhiều chợ nổi hình thành khắp vùng ĐBSCL. Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) cũng mang nét duyên quê của miền sông nước. Tại đây, có rất nhiều sản vật của vùng đất màu mỡ phù sa trên sông Tiền được mua bán, trao đổi như các loại củ, quả (chạy dài từ ngã ba Nhà Thờ đến cửa Vàm Long Hải). Chợ này thường có loại ghe lớn có trọng tải từ 5 - 10 tấn từ các tỉnh khác chở hàng đặc sản về đây bán rồi lại mua hàng ở đây chở về tiêu thụ nơi khác.

Lay động tâm hồn du khách

Đã từ lâu, chợ nổi luôn là lựa chọn đầu tiên của khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đến vùng ĐBSCL. Vừa trở về sau chuyến du lịch, anh Smith - một du khách người Anh, hào hứng kể cho chúng tôi nghe những trải nghiệm khó có thể quên khi được một lần đặt chân đến chợ nổi. “Tôi rất thú vị khi thấy cảnh mua bán trên sông. Ở đây có rất nhiều người, nhiều trái cây, nhiều xuồng tập hợp vào mỗi buổi sáng làm tôi ấn tượng với cách buôn bán đặc trưng của miền quê sông nước. Tôi đã được thưởng thức rất nhiều loại trái cây vùng nhiệt đới với giá rất rẻ. Khi trở về nước, chắc chắn là tôi sẽ kể lại những kỷ niệm đẹp khi đến đây cho bạn bè”.

Đến từ Thủ đô Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu cũng đã ghé thăm và chia sẻ những cảm xúc về chợ nổi. Chị Thu cho biết, chị đã biết đến chợ nổi ở vùng ĐBSCL từ rất lâu nhưng đến bây giờ mới có dịp đi thực tế. “Tôi thấy quê hương Việt Nam mình đẹp quá, nét duyên quê của vùng sông nước không thể lẫn vào đâu được. Tôi đã từng đi nhiều nơi, cả nước ngoài nhưng cái nét đẹp chân chất, hồn hậu, ngọt ngào chỉ có thể thấy được ở chợ nổi”, chị Thu chia sẻ.

Hàng năm, các chợ nổi đón hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, trong đó chợ nổi Cái Răng đón khoảng 800.000 lượt du khách. Mới đây, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL lựa chọn chợ nổi là địa điểm du lịch tiêu biểu năm 2014. Trang du lịch Youramazingplaces cũng đã công bố danh sách bình chọn những chợ nổi đẹp nhất châu Á, và chợ nổi Cái Răng đã vinh dự được xướng tên như một đại diện tiêu biểu của Việt Nam cũng như của toàn châu Á. Có thể nói chợ nổi ở miền sông nước Tây Nam Bộ đã góp phần giới thiệu đất nước, con người Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đến với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay chợ nổi ở vùng ĐBSCL còn tồn tại một số hạn chế cần được cải thiện để có thể thu hút thêm nhiều du khách đến tham quan. Theo ý kiến của nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch chợ nổi cần xem xét mối liên quan giữa giá trị văn hóa, sự hình thành của chợ nổi với vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn giao thông thủy. Đồng thời trên cơ sở đó nhìn chợ nổi dưới góc độ văn hóa phi vật thể, một điểm du lịch độc đáo ở đồng bằng để có thể khai thác du lịch hiệu quả hơn nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động mua bán trên sông cũng như nét đặc trưng vốn có.
Bên cạnh đó, một số đơn vị tổ chức tour, tuyến du lịch ở ĐBSCL cũng cho rằng, chợ nổi vẫn còn nghèo nàn về sản phẩm du lịch. Bởi du khách chỉ có thể tham quan, thưởng ngoạn đặc sản nhưng chưa có điểm dừng chân ngay tại chợ nổi để có thể ăn uống, mua sắm quà lưu niệm. Đó cũng là vấn đề mà ngành du lịch ở các tỉnh vùng ĐBSCL cần quan tâm xây dựng.

Anh Đức