10:11 16/10/2012

Đặc phái viên quốc tế kêu gọi Syria ngừng bắn

Ngày 15/10, đặc phái chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi đã hối thúc các bên tại Syria ngừng bắn trong dịp lễ Eid al-Adha sắp tới của người Hồi giáo, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở nước này đã kéo dài đến tháng thứ 20 và thương vong tiếp tục gia tăng.

Ngày 15/10, đặc phái chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi đã hối thúc các bên tại Syria ngừng bắn trong dịp lễ Eid al-Adha sắp tới của người Hồi giáo, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở nước này đã kéo dài đến tháng thứ 20 và thương vong tiếp tục gia tăng.

Ông Brahimi đưa ra thông điệp trên trong khi công du các nước láng giềng của Syria gồm Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, và Ai Cập là điểm đến trong tối 15/10, nơi đặc phái viên này sẽ có các cuộc thảo luận với các quan chức nước chủ nhà ở Cairo trước khi đến Syria.

Một tuyên bố từ đặc phái viên nêu rõ: "Ông Brahimi kêu gọi các nhà lãnh đạo Iran hỗ trợ để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria trong dịp Eid al-Adha sắp tới, một trong những lễ thiêng liêng nhất của người Hồi giáo trên toàn thế giới".

Eid al-Adha diễn ra vào cuối tháng 10, là đỉnh điểm của cuộc hành hương về thánh địa đạo Hồi Mecca hàng năm.

Đặc phái viên Brahimi nhắc lại yêu cầu của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon về một thỏa thuận ngừng bắn cũng như ngăn chặn luồng vũ khí vào Syria cho cả hai bên. Ông Brahimi đánh giá một thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tiến trình chính trị.

Bên cạnh đó, đặc phái viên này cũng bác bỏ thông tin từ lực lượng đối lập chính Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) nói rằng ông Brahimi đang cân nhắc đề xuất triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình ở quốc gia Trung Đông đang chìm trong khủng hoảng này.

Trong thời gian ông Brahimi thăm Iran, Tehran đã chuyển tới đặc phái viên này một đề xuất nhằm giải quyết vấn đề Syria. Ngày 15/10, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdolahian cho biết theo đề xuất này, Tehran cho rằng cần có một "giai đoạn chuyển tiếp" tại Syria trước tiến hành các cuộc bầu cử dưới sự giám sát của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.


Hiện trường vụ nổ ở Mazzeh, thủ đô Damascus (Syria) ngày 14/10. Ảnh: AFP/TTXVN



Trong khi đó, ngày 15/10, Syria tiếp tục chứng kiến những cuộc đụng độ khốc liệt giữa quân chính phủ và quân chống đối. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR-trụ sở tại Anh) nói rằng có ít nhất 16 binh sĩ quân đội thiệt mạng xung quanh hai trạm kiểm soát gần thành phố Aleppo. Trung tâm thương mại của Syria này đã trải qua nhiều xung đột dữ dội trong ba tháng qua, gây tổn thất nghiêm trọng về người và làm hư hại nhiều địa điểm di sản văn hóa, tôn giáo. Ngày 15/10, đền thờ Umayyad từ thế kỷ thứ 13 ở Aleppo đã bị hủy hoại nặng nề trong các cuộc giao tranh giữa hai bên.

Ở tỉnh Tây Bắc Idlib, nơi quân đội Syria tuần qua đẩy mạnh nỗ lực chiếm lại các vị trí chiến lược, quân chống đối đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào lực lượng tiếp viện của quân chính phủ. Còn tại khu vực Damascus, quân chính phủ không kích nhiều vị trí tập trung quân chống đối và giao tranh xảy ra ở quân Assali, phía Nam thủ đô Damascus.

Theo SOHR, trong ngày 15/10 có ít nhất 130 người thiệt mạng tại Syria, trong đó có 78 dân thường. Tuy nhiên, con số thống kê này chưa được kiểm chứng độc lập.

Trong một động thái khác, quân đội Syria phủ nhận sử dụng bom chùm trong các đụng độ với quân chống đối. Theo quân đội Syria, đây là tin "sai và bịa đặt" mà một số hãng truyền thông đưa ra nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những tội ác mà các "nhóm khủng bố" đang thực hiện nhằm vào đất nước, người dân Syria. Quân đội Syria khẳng định không sở hữu vũ khí sát thương này.

Tờ "Thời báo New York" của Mỹ ngày 15/10 dẫn các đoạn ghi hình đăng tải trên trang chia sẻ trực tuyến YouTube, cho thấy quân chống đối tại Syria dường như đang sở hữu cả các tên lửa tầm nhiệt thế hệ cũ gọi là SA-7. Cũng theo báo này, đa số vũ khí chuyển đến cho quân chống đối ở Syria đang rơi vào tay các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan.

Từ lâu, Chính phủ Syria cáo buộc các quốc gia vùng Vịnh hỗ trợ quân chống đối ở nước này, cũng như nhiều phần tử cực đoan đang xâm nhập vào Syria tham gia cuộc chiến chống quân chính phủ.

Liên quan đến căng thẳng không phận gần đây giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, một máy bay Armenia (Ácmênia) chở hàng cứu trợ tới thành phố Aleppo ngày 15/10 đã được phép cất cánh thực hiện tiếp hành trình sau khi phải đáp xuống một sân bay ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ để "kiểm tra an ninh" hàng hóa trên máy bay.

Cuối tuần qua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã đóng cửa không phận đối với nhau sau vụ việc ngày 10/10, máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ ép một máy bay chở khách của Syria từ Moscow (Nga) tới Damascus phải hạ cánh để kiểm tra và tịch thu một số hàng hóa trên máy bay mà Ankara nói là các thiết bị quân sự của Nga chuyển cho Bộ Quốc phòng Syria.


TTXVN/Tin tức