06:15 18/06/2015

Đã nói là làm, đã hứa thì tổ chức thực hiện

Chất vấn - hoạt động giám sát đặc thù của cơ quan lập pháp tối cao, luôn là tâm điểm của mỗi tháng nghị trường. Đây cũng là con đường thông bạch nhất, tường minh nhất để mỗi vị đại biểu của nhân dân truyền đạt một cách “nóng hổi” những lo toan, những nguyện vọng gắn với cuộc sống đời thường của cử tri...

Chất vấn - hoạt động giám sát đặc thù của cơ quan lập pháp tối cao, luôn là tâm điểm của mỗi tháng nghị trường. Đây cũng là con đường thông bạch nhất, tường minh nhất để mỗi vị đại biểu của nhân dân truyền đạt một cách “nóng hổi” những lo toan, những nguyện vọng gắn với cuộc sống đời thường của cử tri đến từng Bộ trưởng, trưởng ngành với mong muốn tìm nhận một câu trả lời, một “liều thuốc đặc trị”.

Sôi động những câu chuyện từ cánh đồng đến mâm cơm, từ nỗi lo sỹ tử đến đổi mới cả nền giáo dục, từ cơ cấu nền kinh tế đến bậc thang phát triển của đất nước… Như nhiều ý kiến đại biểu và cử tri đánh giá, phần chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 ngày càng hoàn thiện hơn, chuyên nghiệp hơn, hấp dẫn và cuốn hút hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Dễ nhận thấy ở kỳ họp lần này, chủ đề chất vấn của Quốc hội rất phù hợp với bối cảnh những điểm nổi cộm trong đà tăng trưởng và phục hồi kinh tế của đất nước. Việc tập trung vào chủ đề công, nông nghiệp; giáo dục, khoa học - những nội dung quyết sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước để “hỏi và trả lời” cho thấy một sự lựa chọn đúng đắn của Quốc hội nhằm thống nhất những biện pháp vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội trước mắt, vừa định hướng chiến lược lâu dài cho tương lai. Những chủ đề này cũng là những vấn đề liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích của thành phần chiếm đại đa số người dân Việt Nam với trên 70% dân số - một chủ đề vì nước và vì dân.

Hỏi thẳng, trả lời rõ

Nhìn lại cả hai ngày rưỡi chất vấn, đã có trên 130 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và khoảng trên 200 chất vấn đã được trả lời, thảo luận tại hội trường.

Ông Vũ Mão, nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, các câu hỏi của đại biểu Quốc hội ở phần chất vấn trong Kỳ họp thứ 9 đã đi thẳng vào vấn đề, không lòng vòng mất thời gian. Nhiều câu hỏi sắc sảo. Có những câu hỏi đạt tới tầm mang tính gợi mở cho những giải pháp khắc phục yếu kém, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Đối với người trả lời chất vấn, nắm vững các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành. Nhiều nội dung trình bày của Bộ trưởng mang tính dẫn dắt, giúp đại biểu Quốc hội và cử tri có thêm những thông tin, kiến thức quan trọng mà không dễ gì để mọi người có thể tiếp cận được. Sự chân thành và tâm huyết của các Bộ trưởng cũng đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của người nghe.

Trước phần chất vấn với lời giao hẹn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đến mục tiêu cao nhất của Quốc hội là bàn và giải quyết công việc của dân, hoạt động dưới sự giám sát của nhân dân, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đi thẳng vào vấn đề ngắn, gọn, rõ, không bình luận về câu hỏi của mình. Chủ tịch Quốc hội cũng không quên giao hẹn các Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề ngắn, rõ và đưa ra kiến giải, giải pháp thiết thực, hiệu quả, rõ ràng, có nhiệm vụ, trách nhiệm, có thời gian để thực hiện.

Nhận xét về phần chất vấn trong Kỳ họp 9, Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (TP Hà Nội) đặc biệt tâm đắc với phần trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục. Ông cho biết: “Bộ trưởng có nói một câu tôi cho là rất yên lòng người dân: Đổi mới nhưng không gây nên cơn sốc”. Nghĩa là đổi mới nhưng vẫn giữ lại những yếu tố làm người dân yên tâm. Tôi hy vọng, lần này sẽ đổi mới về phương pháp là chính, đồng thời cần đánh giá kết quả nên cân nhắc bảo đảm mặt bằng chung xã hội. Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: Kinh nghiệm trả lời của các Bộ trưởng sát hơn. “Tôi nhận thấy, các câu hỏi đại biểu chất vấn các Bộ trưởng phần lớn đã lặp lại nhiều lần, kinh nghiệm trả lời của các Bộ trưởng sát hơn, câu hỏi của đại biểu nêu ra gọn hơn, trả lời đúng trọng tâm hơn. Tất nhiên, có câu trả lời đại biểu chưa thỏa mãn, có câu trả lời cũng ở mức độ lời hứa”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho hay.

“Đã nói là làm, đã hứa thì tổ chức thực hiện”

Một trong những “màn đối đáp” tại lần chất vấn kỳ này mang lại nhiều cảm xúc cho cả cử tọa trên hội trường lẫn người dân theo dõi qua Đài phát thanh, truyền hình là phần chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) dẫn hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về hình ảnh: Một con gà “cõng” 14 loại phí, lệ phí kiểm dịch. Một câu chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng lại xâu chuỗi một vấn đề lớn về chính sách, pháp luật mà người dân đang phải đối mặt. Sau phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi lại: “Quy định đếm trứng và thu phí là do ai ban hành?”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích là do Bộ đề xuất, Bộ Tài chính chấp thuận và ban hành. "Hủy khoản đó đã, sau đó sẽ sửa đổi cả thông tư. Điểm nào không hợp lý thì Bộ trưởng phải hủy ngay", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu và chỉ đạo của ông cũng ngay lập tức được triển khai tại chỗ với lời hứa của Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính ra thông báo dừng thi hành quy định này ngay từ tuần tới - một màn chất vấn hiếm thấy với một vấn đề cụ thể, được giải quyết trực tiếp, ngay tại hội trường Quốc hội, đó cũng là điểm nhấn của phần chất vấn tại kỳ họp lần này.

Khi chốt lại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không quên giao hẹn tiếp: “Tôi đề nghị Bộ trưởng đã nói là làm, đã hứa thì tổ chức thực hiện”. Một minh chứng cụ thể nữa cho thấy tính hiệu quả rất lớn của hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này là phản ứng tức thì của những “Tư lệnh lĩnh vực” đối với vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, chất vấn.

Ngay sau khi kết thúc phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, trưa cùng ngày Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phạm Vũ Luận đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng bàn hướng giải quyết trước phản ánh của đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên về tình trạng có hai trường đại học nhưng hơn một vạn học sinh phải vào Khánh Hòa để dự thi THPT quốc gia, gây tốn kém. Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã quyết định chuyển các thí sinh của các huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu về các cụm thi tại tỉnh Bình Định. Các thí sinh ở các huyện, thành phố còn lại của tỉnh Phú Yên vẫn dự thi tại cụm thi của tỉnh Khánh Hòa để tránh lãng phí tiền bạc, hạn chế di chuyển xa cho các em đúng như mong muốn của đại biểu Quốc hội. Song, do thời điểm ra quyết định cận ngày thi, nếu thay đổi sẽ khó đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi nên sau khi nhận được thông tin phản hồi từ địa phương và cha mẹ học sinh, Bộ trưởng đã quyết định giữ nguyên các thí sinh này ở điểm thi Khánh Hòa để các em yên tâm chuẩn bị như ban đầu, sự thay đổi sẽ thực hiện từ lần thi tới. Mặc dù phản ứng tức thì chưa thực sự hữu hiệu bởi lý do khách quan, song sự việc này cũng khẳng định tinh thần trách nhiệm rất cao của người đứng đầu ngành giáo dục trước Quốc hội và nhân dân; đồng thời tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào, cử tri với hoạt động chất vấn của Quốc hội.

Dấu ấn người điều hành

Nhắc đến thành công của phần chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, không thể không kể đến vai trò và dấu ấn của Chủ tọa - “người giữ nhịp” cho các câu hỏi, câu trả lời trước sự theo dõi của gần 500 vị đại biểu Quốc hội và trước đồng bào, cử tri cả nước. Dưới sự điều hành của ông, phiên chất vấn diễn ra chất lượng cao, trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng.

"Chủ tịch Quốc hội điều khiển tốt. Kịp thời đưa người hỏi cũng như người trả lời đi vào quỹ đạo. Sau mỗi phần hỏi và trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội có phần kết luận giàu tính tổng kết, toàn diện và sắc sảo, gợi mở cho các Bộ trưởng. Vấn đề thì quan trọng và nóng bỏng, nhưng Chủ tịch Quốc hội điều hành sâu sắc mà nhẹ nhàng. Không khí Nghị trường vui vẻ", ông Vũ Mão nhận xét.

Như thường lệ, kết thúc từng phần chất vấn mỗi vị Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội đều có đánh giá riêng. Ông theo dõi sát sao từng câu trả lời của mỗi Bộ trưởng, không quên với mỗi câu hỏi dài, mỗi phần trả lời chưa đủ ý. Cách thức tóm lược ấy giúp đại biểu, cử tri cả nước hệ thống lại toàn bộ nội dung chất vấn, tiện theo dõi, dễ nhớ, dễ kiểm tra.

Đánh giá chung hơn hai ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những yếu kém trong lĩnh vực của mình và đưa ra được những giải pháp, quyết tâm để tổ chức thực hiện. “Đây chính là điều chúng ta thảo luận và người dân mong đợi”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Quang Vũ