Chuyển đổi số ở các chợ truyền thống tại Đà Nẵng

Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” giải quyết “điểm nghẽn”, mở ra không gian phát triển mới, toàn diện, bền vững, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế.

Tại các chợ truyền thống, như: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa…, chuyển đổi số được thể hiện rõ nét qua việc thanh toán không tiền mặt, truy xuất nguồn gốc hàng hóa... mang lại những tiện ích cho người tiêu dùng. 

Chú thích ảnh
Quét mã tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm được người tiêu dùng thực hiện dễ dàng. 

Từ năm 2018, chợ Hàn (thành phố Đà Nẵng) bắt đầu triển khai dán mã tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng mua sắm tại chợ đều sử dụng khi chọn mua sản phẩm.

Ông Hoàng Trung Thượng Đức, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Hàn cho hay, khi khách hàng quét mã tem, mọi thông tin về sản phẩm, tên chủ cửa hàng, địa chỉ đều được thể hiện rõ. Qua ứng dụng này, người bán phải tăng trách nhiệm nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo đúng giá cả, giữ gìn thương hiệu, uy tín trong quá trình kinh doanh. Khách hàng khi biết được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm sẽ có thêm niềm tin và thoải mái khi mua hàng.

Theo Phó trưởng Ban Quản lý chợ Hàn, ngoài việc thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chợ Hàn còn triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các gian hàng trong chợ. Chợ đã phủ sóng wifi miễn phí, để người bán hàng, người dùng thuận tiện khi mua sắm, trao đổi hàng hóa.

Chú thích ảnh
Người dân quét mã QR code thanh toán không sử dụng tiền mặt tại chợ Cồn, thành phố Đà Nẵng.

Đang mua sắm tại chợ Hàn, chị Lê Thị Hương, (trú tại huyện Hòa Vang) cho hay: “Sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ thông qua mã QR rất dễ dàng, tiện lợi. Khi mua những mặt hàng này, tôi dường như yên tâm và có niềm tin hơn với cửa hàng”.

Tại chợ Cồn, việc thanh toán không tiền mặt triển khai từ đầu năm 2022. Các tiểu thương thường khuyến khích khách hàng sử dụng việc thanh toán qua hình thức quét mã, chuyển khoản, đem lại trải nghiệm mới, tiện lợi, nhanh chóng hơn trong quá trình thanh toán.

Chị Nguyễn Thị Thuỳ (khách du lịch từ Thanh Hoá) chia sẻ, khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ, chị không không cần phải cầm tiền lẻ, lấy lại tiền thừa. Điều này giúp chị cảm thấy an toàn, nhẹ nhàng và không lo sợ mất trộm.

Chị Phạm Thị Hà (trú tại quận Thanh Khê) đánh giá: “Trước đây, việc thanh toán qua thẻ chỉ được sử dụng tại siêu thị. Hiện nay, tại các chợ truyền thống của Đà Nẵng, người tiêu dùng đang dần có thói quen thanh toán không tiền mặt. Điều này đã mang lại sự tiện lợi, hợp vệ sinh và an toàn”.

Chú thích ảnh
Các mã tem truy xuất hàng hóa đều được dán trên từng sản phẩm bán tại chợ Hàn. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, việc áp dụng các ứng dụng công nghệ 4.0 tại các chợ truyền thống đã phần nào mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng; giúp khu chợ trở nên hiện đại, văn minh. Đồng thời, đây cũng cách để công cuộc chuyển đổi số phát triển sâu rộng trong đời sống của người dân.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng đã được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Nhận thức và kỹ năng số của người dân thành phố mức khá cao. Gần 85% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 240.000 tài khoản công dân số (40% dân số trưởng thành) trên hệ thống của thành phố...

Bài, ảnh: Võ Văn Dũng (TTXVN)
Triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương trong chuyển đổi số
Triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương trong chuyển đổi số

Ngày 26/10, UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn FPT ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số đến năm 2025, nhằm huy động nguồn lực trí tuệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; kết nối liên thông đa chiều, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành các cấp chính quyền tỉnh An Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN