04:22 09/04/2015

Đa dạng thị trường để gỡ khó cho xuất khẩu nông sản

Trong 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nông sản giảm tới 13,2% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gạo, cao su, cà phê… đều giảm mạnh. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang là “bài toán khó” để ngành nông nghiệp tháo gỡ trong thời gian tới.

Trong 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nông sản giảm tới 13,2% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gạo, cao su, cà phê, gỗ… đều giảm mạnh. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang là “bài toán khó” để ngành nông nghiệp tháo gỡ trong thời gian tới.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), có ba yếu tố chính khiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sụt giảm mạnh. Đầu tiên là sự mất giá của một số ngoại tệ (rub, euro, yên Nhật…) so với đồng USD (đồng ngoại tệ giao dịch chính khi xuất khẩu của Việt Nam), làm giảm sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Thứ hai, nhiều nước giảm đơn đặt hàng nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Cuối cùng là sự phục hồi xuất khẩu của một số quốc gia như: Trung Quốc, Thái Lan trong xuất khẩu tôm; Campuchia, Myanmar xuất khẩu gạo… khiến tổng cung hàng hóa nông sản trên thị trường thế giới dồi dào, giá cả giảm mạnh. Bên cạnh đó, các nước lại tăng rào cản thương mại nhằm bảo hộ sản phẩm trong nước. Do vậy, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm mạnh cả về giá trị và khối lượng.


Không những vậy, việc cạnh tranh về giá, xuất khẩu đang diễn ra ngay trong nước. Ông Phạm Thái Bình, GĐ Công ty Trung An (TP Cần Thơ) cho biết, các DN thu mua lúa gạo phải liên kết với nông dân trên cánh đồng lớn, khi phân bổ tiền hỗ trợ của Nhà nước thì nông dân được hưởng. Nhưng có DN được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mà không liên kết với nông dân. Họ đi thu gom lúa, chào hàng nước ngoài với giá rẻ, gây tác hại vô cùng lớn, khiến thị trường trong nước trở nên không lành mạnh. Nhiều địa phương như Sóc Trăng, Cần thơ… đang gặp phải tình trạng này.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Hà tĩnh cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là không có thị trường tiêu thụ vì tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng hàng ngoại. Bên cạnh đó, xuất khẩu hiện nay đòi phải truy xuất nguồn gốc, có chỉ số từ gốc, việc này chúng ta chưa tốt.

Còn với mặt hàng chủ lực cao su, ông Anh Đức, đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, giá cao su đã giảm sâu, từ mức gần 5.000 USD/tấn, xuống còn 1.500 USD/tấn như hiện nay, giảm hơn 3 lần. Do nguồn cung quá nhiều, khả năng sẽ duy trì giá này trong nhiều năm tới.

Đa dạng sản phẩm, thị trường

Theo các chuyên gia, muốn tăng cường xuất khẩu, thu được nhiều ngoại tệ hơn thì Việt Nam phải tăng cường chất lượng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, phát triển cao su là một bài học lớn cho Việt Nam. Không phải trồng ồ ạt, trồng càng nhiều càng tốt, mà phải có quy hoạch đồng bộ, có kế hoạch phát triển theo chuỗi giá trị. Thực tế, Việt Nam là một trong bốn nước xuất khẩu cao su lớn nhưng 80% xuất thô, nên kim ngạch chỉ đạt hơn 2 tỷ USD. Trong khi chúng ta nhập cao su đã được chế biến với giá trị lớn hơn rất nhiều.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: “Chúng ta phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Vừa qua, phái đoàn của Nghị viện châu Âu sang Việt Nam, coi như là bước cuối cùng để trình Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU lên Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Đây là bước rất quan trọng, vì EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”. Bên cạnh đó, thỏa thuận về liên minh thuế quan Việt Nam - Nga- Belarus, nếu được ký kết thì Việt Nam sẽ là nước đầu tiên được hưởng ưu đãi về thuế quan của Nga, tạo cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam tiếp cận một thị trường rộng lớn.

Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng trong nước, ông Phạm Thái Bình, GĐ Công ty Trung An (TP Cần Thơ) cho rằng, trước hết phải tạo ra thị trường lành mạnh, việc phân bổ hỗ trợ DN thu mua lúa gạo không thể theo hàng ngang, mà phải đúng đối tượng, để gỡ khó cho xuất khẩu, không bị ép giá. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Bộ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp Trung An, Bộ sẽ sớm giải quyết việc này”.

Còn theo đại diện Công ty cà phê Thắng Lợi ở Đắk Lắk, các nước không có khái niệm “được mùa, mất giá”, vì họ có tiền để tạm trữ. Do vậy, không chỉ gạo, cà phê và một số ngành hàng chủ lực khác cũng nên có chính sách thu mua tạm trữ, để nông dân có đầu ra, có vốn tái sản xuất, và chúng ta cũng chủ động hơn trong việc xuất khẩu. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng vì yêu cầu của khách hàng ngày càng cao.

Cùng quan điểm này, ông Anh Đức, Tập đoàn Cao Su cho biết, tập đoàn sẽ nâng cao tỉ trọng chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm. Có biện pháp giảm giá thành, để bán với giá 1.500 USD/tấn vẫn có lãi. Tập đoàn sẽ đa dạng hóa cây trồng trên đất cao su, có thể trồng thêm các cây ngắn ngày, cà phê để mang lại lợi nhuận, giảm rủi ro khi giá cả biến động, xuất khẩu khó khăn như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, các ngành hàng chủ lực phải có quy hoạch đồng bộ, không phải sản xuất càng nhiều càng tốt. Ví dụ, ngành tôm ở Ấn Độ, Thái Lan đã phục hồi, vì vậy ngành tôm cần phấn đấu giữ sản lượng theo hướng bền vững, chất lượng, không phát triển ồ ạt. Ngành chăn nuôi đã bão hòa nhu cầu trong nước, vì vậy phải xuất khẩu. Bộ sẽ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại: Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định, Thái Bình… Các ngành khác cần có hướng đi cụ thể, để nâng cao chất lượng và giảm giá thành của hàng nông sản Việt Nam.

Hữu Vinh