08:15 08/08/2014

Đa dạng sinh học biển đang suy giảm mạnh

Do tác động của biến đổi khí hậu cùng với sự khai thác quá mức, sự đa dạng sinh học biển ở Việt Nam đang bị suy giảm mạnh.

Do tác động của biến đổi khí hậu cùng với sự khai thác quá mức, sự đa dạng sinh học biển ở Việt Nam đang bị suy giảm mạnh.

 

Suy giảm tài nguyên


Vùng biển Việt Nam có tính đa dạng sinh cảnh cao với hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái vùng triều, rừng ngập mặn và hệ sinh thái rặng san hô, hệ sinh thái cửa sông ven biển... Trong các kiểu hệ sinh thái đó, tính đa dạng thành phần loài rất phong phú, có nhiều nhóm ghi nhận trên 1.000 loài như 1969 loài động vật thân mềm trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, 1.258 loài cá rạn san hô trong hệ sinh thái rạn san hô.

 

Tại đảo Cát Bà, nhiều loài hải sản quý hiếm như bào ngư, ốc đụn cái đã bị tuyệt chủng.Ảnh:Quang Quyết - TTXVN


Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học (ĐDSH) vùng biển của Việt Nam đang bị suy giảm mạnh. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều loài sinh vật biển giảm mạnh về số lượng, có loài đã tuyệt chủng cục bộ. Có đến 236 loài thủy sinh quý hiếm bị đe dọa ở cấp độ khác nhau, trong đó có hơn 70 loài sinh vật biển đã bị liệt kê trong sách đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản bị khai thác ngày càng bị cạn kiệt cả số lượng và chất lượng. Các nguồn cá dự trữ bị suy giảm từ 4 triệu tấn vào năm 1990 xuống còn 3 triệu tấn như hiện nay. Kích thước trung bình của cá và tính đa dạng loài cũng giảm đáng kể.


Ở nhiều vùng biển đặc trưng, sự suy giảm nguồn tài nguyên, ĐDSH đã thấy rõ. Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận năm 2004. Đây không chỉ là khu dự trữ sinh quyển mà còn có tài nguyên sinh vật vô cùng phong phú và đa dạng. Theo thống kê, tại Cát Bà có 196 loài cá biển, 132 loài san hô, 532 loài động vật đáy… sự đa dạng sinh học và nguồn lợi ven biển đóng góp lớn cho sự phát triển của Cát Bà. Tuy nhiên, khoảng gần 10 năm gần đây, một số nguồn lợi quan trọng tại đây đang ở tình trạng suy giảm nghiêm trọng.

Ths. Nguyễn Văn Hiếu, Viện Nghiên cứu hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Dữ liệu độ phủ san hô cứng được tổng hợp đồng thời tại các nghiên cứu cho thấy, mức suy giảm nghiêm trọng độ phủ san hô cứng tại ven đảo Cát Bà từ năm 1993 - 2011 khoảng 64,57%. Hai loài phổ biến, đặc trưng nhất của Cát Bà là tu hài và vẹm xanh hiện nay có mật độ rất thấp và hiếm gặp trong tự nhiên. Hai loài quý hiếm và có giá trị kinh tế cao như bào ngư, ốc đụn cái có thể nói là đã tuyệt chủng tại khu vực này".


Tương tự, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), nơi vốn được ghi nhận là có tài nguyên phong phú và đa dạng sinh học lớn, rạn san hô ở đây thuộc loại tốt nhất miền Bắc, với trữ lượng lớn, chỉ riêng khu vực đông bắc đảo - một khu vực nhỏ mà đã có đến hơn 80 loài được ghi nhận. Tuy nhiên, những năm gần đây, trữ lượng san hô cũng bị suy giảm mạnh, độ phủ của rạn ở nhiều nơi trước đây đạt đến 90%, nhưng đến nay những điểm tốt nhất chỉ còn 30 - 50%.


Ths. Hoàng Đình Chiều, Viện Nghiên cứu hải sản cho biết: "ĐDSH có ý nghĩa lớn không chỉ với việc phát triển kinh tế mà còn có vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu, bảo vệ môi trường đồng thời là một thương hiệu của Việt Nam. Do vậy, sự suy giảm về ĐDSH là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, đời sống của người dân, đặc biệt là những ngư dân kiếm sống nhờ nguồn lợi thủy, hải sản".


Khai thác bền vững


Theo Ths. Hoàng Ðình Chiều, Việt Nam đang phải đối mặt với một số yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và bảo tồn ÐDSH biển do các hoạt động khai thác quá mức làm phá vỡ các sinh cảnh biển. Việc sử dụng lưới kéo đáy, sử dụng mìn đánh bắt hải sản phá vỡ rạn san hô, khiến cho nhiều loài sinh vật không có nơi cư trú, từ đó làm giảm sút ÐDSH hệ sinh thái rạn san hô. Việc chuyển đổi đất rừng và các vùng đất ngập nước thành đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, quá trình đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng dẫn đến việc mất hay phá vỡ các hệ sinh thái, nơi cư trú và các sinh cảnh tự nhiên.


Cùng với đó, chất lượng môi trường nước ở nước ta đang xuống cấp, nhất là tại các cửa sông ven biển do rác thải, thức ăn ôi thiu khiến môi trường bị ô nhiễm. Ðây là nguyên nhân đe dọa ÐDSH, gây chết, làm giảm số lượng cá thể, gián tiếp hủy hoại nơi cư trú và môi trường sống của các loài sinh vật hoang dã.


Bên cạnh đó, sự xâm nhập của các sinh vật ngoại lai cũng ảnh hưởng lớn đến ÐDSH. Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay có 48 loài động vật thủy sinh lạ xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có 14 loài có tác động xấu tới ÐDSH biển và nuôi trồng thủy sản truyền thống. Đây là những loài được xếp vào danh sách “đen”, cần quản lý chặt chẽ ở các cơ sở nuôi và tiêu diệt ở các vực nước tự nhiên.


Ths. Hoàng Ðình Chiều cho biết: "ÐDSH biển Việt Nam đang bị suy giảm nhanh chóng, vì vậy việc xây dựng thương hiệu, khai thác ÐDSH biển cần phải gắn liền với công tác bảo tồn ÐDSH biển, nhanh chóng đưa các khu bảo tồn biển đi vào hoạt động một cách hiệu quả; tiến hành các chương trình giáo dục cộng đồng, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, từng bước đưa các môn học về ÐDSH vào các trường học; xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững từ ÐDSH, với sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng trong khai thác và bảo vệ môi trường biển..."


Cũng theo Ths. Hoàng Đình Chiều, việc thực hiện nghiêm túc Luật ÐDSH là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện việc bảo tồn ÐDSH biển Việt Nam. Do vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần phải kiểm soát nghiêm ngặt việc thực hiện luật, đồng thời tuyên truyền, vận động toàn bộ cộng đồng ngư dân ven biển, trên đảo cùng thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, quảng bá về ÐDSH biển, gắn liền với việc mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới cùng nhau thực hiện bảo tồn ÐDSH. Tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực ÐDSH như Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên... để cùng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển thương hiệu ÐDSH biển cho Việt Nam.


Thu Trang