05:08 24/05/2012

Cướp biển hào hoa ở New Orleans-Kỳ 2: Tướng cướp “sát gái”

Những miêu tả về ngoại hình Jean Lafitte của những người quen biết hắn đồng nhất với những miêu tả về hắn trong một lá thư của một cậu bé người bang Louisiana tên là Esau Glassock. Cậu bé trước đó từng đi theo cha đến New Orleans mua nô lệ.

Những miêu tả về ngoại hình Jean Lafitte của những người quen biết hắn đồng nhất với những miêu tả về hắn trong một lá thư của một cậu bé người bang Louisiana tên là Esau Glassock. Cậu bé trước đó từng đi theo cha đến New Orleans mua nô lệ. Esau kể cho anh trai rằng: “Em vừa mới trông thấy thuyền trưởng Lafitte nổi tiếng. Ông ấy cao to, đôi mắt to đen”. Những người khác kể thêm rằng, hắn có đôi bàn tay quá nhỏ và mảnh mai đối với một tên cướp biển; hắn “khá điển trai” với những nét của người dân xứ Gaulois và hàm răng sáng bóng. Nhà văn Jack C. Ramsay viết: “Khi hắn đi xuống phố, cả người hắn toát lên nét tự tin của một quý ông lịch lãm”.


 

Jean Lafitte.

 

Ẩn trong vẻ hào hoa ấy, Lafitte là người có tính cách tàn bạo. Có thể rất hiền lành tử tế nhưng hắn cũng sẽ giống như một con sư tử. Có lần, do mâu thuẫn trong buôn bán, người dân Barataria với vũ khí hùng hổ kéo đến tụ tập bên ngoài nhà hắn, Lafitte đứng ở hiên nhà, với khẩu súng ngắn trong tay và bắn thẳng vào kẻ cầm đầu. Khiếp sợ trước sự tàn bạo của Lafitte, đám đông giải tán ngay lập tức. Tuy vậy, đối với Lafitte, việc dùng đến bạo lực để duy trì trật tự là rất hiếm. Để chỉ huy, hắn dựa vào khả năng xử lý tình huống linh hoạt vốn có của bản thân; hắn biết phải ứng xử như thế nào để phù hợp với từng hoàn cảnh - khi thì là một quý ông, khi thì là một kẻ lưu manh, một thương gia, người yêu nghệ thuật, kẻ đang yêu hoặc hải tặc.


Có nhiều câu chuyện kể về tính cách hào hoa phong nhã của hắn. Khi con thuyền của một gia đình có tên là Martin gặp nguy hiểm trong một cơn bão mạnh ở vịnh Mêhicô, Lafitte đã điều khiển một con tàu ra cứu họ. Nhật ký của bà Martin viết: “Tướng cướp Lafitte… đối xử hết sức tử tế với chúng tôi. Ông ấy cung cấp bữa sáng cho chúng tôi và thậm chí còn tặng cho chồng tôi một chiếc mũ để thay thế cho chiếc mũ bị mất”.


 

Một trong những cô gái lai với đôi mắt màu sẫm mang vẻ đẹp hoang dại đầy quyến rũ của Jean Lafitte.

 

Một lần sau khi hắn và các thuộc hạ thân cận đã chia đều số của cải cướp được, có hai đồng tiền vàng vẫn nằm trên bàn của Lafitte mà không ai nhận cả. Hắn quay sang người vợ xinh đẹp của Louis Chighizola - một thuộc hạ của hắn - và nói: “Đó là đồ trang sức dành riêng cho cô”. Nhưng chồng cô ta đã nhanh chóng chụp lấy và nói: “Tôi sẽ giữ chúng cho cô ấy”. Mắt của Lafitte tối sầm lại khi hắn đứng dậy và giơ một nắm đấm ra phía trước. “Louis,” hắn nói, “Đưa lại đây”. Thuộc hạ của hắn biết đây không phải lúc để tranh cãi. Lafitte sau đó quay sang người thợ rèn, Thiac. “Từ những đồng tiền này, hãy làm một cái vòng vàng và đưa nó cho quý cô đây”.


Một câu chuyện thú vị về một đêm những tên cướp biển đánh bài tại sào huyệt của Lafitte. Một cuộc cãi vã đã nổ ra giữa đám thuộc hạ của Lafitte với đám thuộc hạ của Gambi. Chúng đổ lỗi cho nhau vì chơi gian. “Chúng ta sẽ nhờ một bên thứ ba cắt quân bài”, Lafitte nói và sai Thiac đi gọi một trong các ngư dân đến nhà của hắn. Khi người ngư dân đến nơi, khuôn mặt anh ta lộ vẻ sợ hãi; anh mang đứa con gái nhỏ đi cùng với hy vọng rằng đám cướp biển sẽ không làm hại anh.


Lafitte mỉm cười khi trông thấy bé gái và sai cô cắt cỗ bài. Cô làm theo những gì được bảo và Lafitte tiếp tục thắng bạc. Sau khi kết thúc canh bạc, Lafitte gọi cô bé đến chỗ hắn và đặt một đồng vàng trị giá 20 đô la Mỹ vào lòng bàn tay cô. Sau này lớn lên, cô bé vẫn mãi không quên cử chỉ hào hiệp của tên tướng cướp nổi tiếng một vùng.


 

Những trận đấu kiếm vì danh dự thường diễn ra dưới gốc những cây sồi lớn.

 

Phụ nữ bị Lafitte mê hoặc. Điều này được minh chứng bởi khả năng chinh phục phái đẹp của hắn. Tại những buổi khiêu vũ trong thành phố, thường là với sự tham dự của những nhà buôn hay lãnh chúa giàu có trong vùng, hắn thường làm mê mẩn trái tim của những phụ nữ đẹp bằng cử chỉ lịch thiệp và vẻ điển trai của mình. Khả năng khiêu vũ của hắn chẳng kém gì lớp người có địa vị cao trong xã hội. Người ta kể rằng hắn thích cặp với những cô gái lai với những đôi mắt màu sẫm mang vẻ đẹp hoang dại đầy quyến rũ. Lafitte thường có vài bóng hồng như vậy bên mình. Hắn cấp cho họ những căn hộ với đầy đủ tiện nghi trong thành phố. Một trong số những người đẹp này là quý cô Madeleine Rigaud. Một người khác mà hắn thường xuyên cặp kè là Catherine Villars. Các tài liệu của nhà thờ cho biết, kết quả của cuộc tình này là vào năm 1816 Catherine có một đứa con ngoài giá thú với Lafitte.


Không chỉ tán tỉnh các thiếu nữ, Lafitte còn “bỏ bùa” cả những quý bà. Người vợ thứ hai của thống đốc Claiborne cũng bị hắn quyến rũ. Tình cờ, hắn gặp quý bà này tại nhà của một người bạn, một chủ đồn điền ở Mississippi. Trong suốt bữa tối, ánh mắt đắm đuối mà Lafitte đổ dồn về người thiếu phụ đã khiến trái tim của phu nhân thống đốc bang thổn thức. Kể từ sau bữa tiệc đó, người ta thấy hai người tay trong tay bên nhau ở những bữa dạ tiệc xa hoa hay những địa điểm đầy lãng mạn.
Thời kỳ đầu ở New Orleans, đấu kiếm là hành động dễ thu hút sự chú ý hơn cả. Nhà văn Stuart O. Landry trong cuốn sách Đấu kiếm ở New Orleans xưa viết rằng: “Bạn phải cẩn thận với những gì bạn nói và làm. Nếu bạn chê bai một nữ ca sĩ hàng đầu tại nhà hát hoặc bạn vô tình làm vương rượu lên tay áo của quý ông ngồi bên cạnh bạn trong quán rượu, bạn có thể phải trả giá cho những lỗi lầm này trên một trường đấu kiếm”.


Cả người Creole và người Mỹ đều sử dụng môn thể thao này để giữ gìn danh dự hoặc đôi khi chỉ để gây ấn tượng với phái đẹp. Jean Lafitte thường xuyên bị lôi kéo vào những cuộc đấu kiếm như vậy. Hắn giỏi về sử dụng trường kiếm và chưa bao giờ thua. Truyền thuyết kể rằng, một lần, trong lúc đang ăn tối với một ả nhân tình quyến rũ ở một nhà hàng nổi tiếng, hắn phải đấu kiếm với ba người khác nhau ở dưới gốc cây sồi lớn. Không một chút bối rối, hắn đánh bại ba đối thủ rồi quay lại ăn tối bình thường trong một tâm trạng hết sức bình tĩnh như trước đó chưa từng tham gia một trận chiến đổ máu.


Đình Vũ (tổng hợp)

 

Kỳ 3: Barataria - xứ sở của cướp bóc và hoan lạc