02:18 01/02/2015

Cuốn nhật ký lột trần bí mật nhà tù Guantanamo-Kỳ 1

Với 466 trang, Nhật ký Guantanamo đã phơi bày những sự thật, bí mật trần trụi, tàn bạo tại nhà tù khét tiếng nhất của Mỹ mà nước này luôn tìm cách giấu giếm.

Nhật ký Guantanamo – cuốn tự truyện của Mohamedou Ould Slahi, một nghi can khủng bố đang bị giam tại nhà tù Guantanamo của Mỹ - vừa được xuất bản tại 13 quốc gia ngày 20/1 và ngay lập tức đã gây chấn động.  Sau 7 năm trời luật sư của Slahi đấu tranh để đưa cuốn nhật ký ra công chúng, với 466 trang, Nhật ký Guantanamo đã phơi bày những sự thật, bí mật trần trụi, tàn bạo tại nhà tù khét tiếng nhất của Mỹ mà nước này luôn tìm cách giấu giếm.

Kỳ 1: Nỗi kinh hoàng mang tên Guantanamo

Trong cuốn nhật ký viết bằng tiếng Anh, ngôn ngữ thứ 4 mà Slahi học được khi ở trong tù, Slahi đã kể lại hành trình khắp thế giới đầy đau đớn, nhục nhã vì bị tra tấn. Chuỗi ngày kinh hoàng bắt đầu từ khi bị gọi đến thẩm vấn tại đất nước Mauritania của mình cách đây 13 năm, 3 tuần sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ.

Mohamedou Ould Slahi, tác giả cuốn nhật ký chấn động.


Sau đó, anh bị lực lượng vũ trang Jordan đưa tới thủ đô Amman và bị thẩm vấn, giam biệt lập 7 tháng rưỡi. Rồi một nhóm đặc vụ Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đưa Slahi tới căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan. Hai tuần sau, anh bị áp giải bằng máy bay và dừng chân tại nỗi kinh hoàng mang tên Guantanamo trên đất Cuba. Slahi vào nhà tù khét tiếng của Mỹ này tháng 8/2002 với số tù nhân là 760.

“Lúc 4 giờ chiều, người ta bắt đầu đưa tôi ra sân bay. Lúc này, tôi là một xác sống. Đôi chân tôi không còn có thể mang nổi thân mình nữa. Từ lúc đó, lính gác phải kéo tôi đi suốt từ Bagram cho tới Guantanamo”. Slahi đã viết như vậy về thời gian di chuyển tới Guantanamo.

Hơn 4 năm sau khi bị giam, Slahi mới xuất hiện trước một ban hội thẩm gồm toàn quan chức quân đội tại Vịnh Guantanamo và được hỏi: Nếu được thả tự do, anh sẽ muốn tới đâu? Canada, Slahi trả lời. Khi được hỏi lý do, Slahi cho biết anh không muốn về quê Mauritania vì chính phủ đã bắt và đưa anh đi khắp nơi để tra tấn. Khi được hỏi sẽ làm gì ở Canada, Slahi hài hước: “Ôi trời, chỉ cần đưa cho tôi đôi triệu đô la và để tôi tự đi rồi tôi sẽ ổn thôi mà”.

Không rõ có quan chức nào cười không. Nhưng việc Slahi vẫn còn giữ được tính hài hước sau chừng ấy năm ngồi trong đủ loại nhà tù là điều đáng ngạc nhiên, đặc biệt là khi biết tù nhân này đã trải qua những cuộc tra tấn kinh hoàng ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.

Chốt cuộc thẩm vấn, chủ tịch ban hội thẩm cho biết họ sẽ quyết định về số phận của anh và chuyển thông tin cho một người được gọi là “quan chức dân sự được chỉ định”. Người này sẽ quyết định xem có thả anh hay không. Lần xuất hiện trước ban hội thẩm ấy đã ngót nghét 9 năm trời và Slahi vẫn hít không khí nhà tù Guantanamo, chờ đợi “quan chức dân sự” tới phóng thích mình.

Đọc cuốn nhật ký, người đọc có thể cảm nhận Slahi là một người thông minh, dí dỏm, nói nhiều và không thể bị làm hại. Slahi có sức chịu đựng phi thường. Sức chịu đựng được Slahi tả lại trong một lần bị tra tấn: “Một trong số họ đá mạnh thẳng vào mặt tôi, và nhanh chóng chụp kính lên mắt tôi, bịt tai tôi, trùm một cái túi nhỏ kín đầu. Tôi không thể biết ai làm cái gì. Họ buộc chặt xích quanh cổ chân, cổ tay tôi. Sau đó, tôi bắt đầu chảy máu. Tất cả những gì tôi có thể nghe là tiếng nguyền rủa chửi bậy… Tôi không nói một từ, tôi quá ngạc nhiên. Tôi nghĩ họ sắp hành quyết tôi”.

Trong Nhật ký Guantanamo, Slahi viết rất nhiều về nỗi sợ hãi. Từ nỗi sợ được anh nhắc đến 28 lần, từ kinh hoàng và sợ hãi được nhắc đến 23 lần. Rồi những từ như lo lắng, hồi hộp, bất lực, kinh sợ, khủng bố xuất hiện rải rác trong cả cuốn nhật ký.

Bìa sách ấn tượng của Nhật ký Guantanamo.


Về sau, Ủy ban lực lượng vũ trang của Thượng viện Mỹ phát hiện ra rằng, trong thời gian Slahi bị giam ở Guantanamo, có hẳn một chương trình thẩm vấn dành riêng cho tù nhân này vào hè năm 2003, trong đó mục đích là để cho tù nhân mất ngủ, buộc phải nhìn ánh sáng nhấp nháy liên tục, bị dìm nước, bị thẩm vấn 20 tiếng liền mạch, bị dọa chó, bị bắt trùm khăn, bị ép tiếp xúc gần gũi với các nữ nhân viên thẩm vấn, bị ép sủa và hành động như chó.

Ủy ban này còn phát hiện ra rằng, tháng 8/2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đích thân thông qua một kế hoạch mới, trong đó kêu gọi áp dụng thêm kỹ thuật thẩm vấn với Slahi.

12 ngày sau khi ông Rumsfeld ký chương trình tra tấn mới, Slahi trải qua nỗi kinh hoàng khốn nạn nhất của mình. Anh bị bịt mắt, bị đánh, bị ép uống nước muối, bị bắt cóc giả rồi đưa lên thuyền chạy lòng vòng 3 tiếng trên biển Caribbean. Trong chuyến đi này, Slahi tin rằng mình sắp bị giết. Lính gác Mỹ cùng thẩm vấn viên người Jordan và Ai Cập cho vào quần áo Slahi rất nhiều viên đá lạnh buốt, đánh vào đầu và đánh gãy xương sườn: “Cứ khi nào viên đá tan, họ lại thả viên mới vào.

Ngoài ra, cứ một lúc, một lính gác lại đánh tôi, phần lớn là vào mặt. Đá viên là để giảm đau và làm mờ vết bầm tôi bị đánh. Mọi thứ dường như được chuẩn bị sẵn sàng… Mồm và mũi tôi bắt đầu ộc máu, và môi sưng tướng đến mức tôi không thể nói được nữa… Một trong những gã đã đánh tôi mạnh đến mức hơi thở tôi ngừng lại và tôi nghẹt thở. Tôi cảm thấy như tôi đang thở qua xương sườn. Tôi gần như bị nghẹt thở mà họ không biết…”.

Kết cục của màn tra tấn không thể tàn bạo hơn là những lời nói dối. Slahi cho biết anh ta đã khai nhiều thông tin giả để thoát bị hành hạ. Anh ta khai rằng mình định cho nổ tung tòa tháp CN ở Toronto. Anh ta nhận mọi cáo buộc mà những người tra khảo đưa ra: “Trong giai đoạn này tôi đã khai hơn 1.000 trang về bạn bè tôi gồm toàn thông tin giả. Tôi đã phải mặc bộ quần áo mà tình báo Mỹ may cho tôi”.

Để lấy thông tin từ Slahi, các nữ thẩm vấn viên còn lạm dụng tình dục Slahi trong nhà tù Guantanamo. Và lạm dụng tình dục cũng là một phần của kỹ thuật thẩm vấn tăng cường. “Ngay khi tôi đứng dậy, hai người cởi áo họ ra và bắt đầu nói đủ loại từ ngữ bẩn thỉu nhất mà bạn có thể hình dung. Điều này tôi quan tâm ít thôi. Điều làm tôi tổn thương nhất là họ bắt tôi quan hệ với cả ba theo những cách hèn hạ nhất. Nhiều người không nhận ra rằng đàn ông cũng bị tổn thương như phụ nữ nếu bị ép quan hệ”.


Thùy Dương (còn tiếp)