02:20 03/02/2015

Cuốn nhật ký lột trần bí mật nhà tù Guantanamo - Kỳ cuối

Suốt hơn 6 năm trời, các luật sư của Slahi đã đàm phán, kiện tụng không mệt mỏi để yêu cầu quyền công bố cuốn nhật ký ra công chúng. Cuối cùng, bản thảo của Slahi cũng được ra ánh sáng.

Cuốn nhật ký được Slahi viết tay vào mùa hè và đầu thu năm 2005 trong phòng giam ở trại Echo, Guantanamo khi anh được phép dùng giấy và bút. Anh viết nhật ký thành nhiều phần và bắt đầu viết không lâu sau khi được gặp bà Nancy Hollander và Sylvia Royce, hai luật sư trong nhóm pháp lý miễn phí của Slahi.

 Một trang nhật ký với các đoạn bị bôi đen.


Theo quy định ngặt nghèo của chế độ giám sát sâu rộng trong nhà tù Guantanamo, mọi trang nhật ký mà Slahi viết ra đều bị coi là mật ngay từ đầu. Mỗi phần mới viết ra đều được nộp cho chính phủ Mỹ xem xét. Ngày 15/12/2005, ba tháng sau khi Slahi ký và đề ngày tháng lên trang nhật ký cuối cùng, Slahi đã ngắt lời khai của mình trong một phiên tòa trước Ban rà soát hành chính ở Guantanamo: “Gần đây tôi đã viết một quyển sách về toàn bộ câu chuyện của tôi trong tù. Tôi đã gửi nó tới quận Columbia để công bố và khi nó được công bố, tôi khuyên các ngài nên đọc”.

Tuy nhiên, cuốn nhật ký của Slahi không được công bố. Nó bị đóng dấu SECRET (MẬT), có nghĩa là chứa thông tin có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng tới an ninh quốc gia nếu nó được công bố. Ngoài ra, cuốn nhật ký còn bị đóng dấu “KHÔNG TIẾT LỘ CHO NƯỚC NGOÀI” (NOFORN), có nghĩa là không thể chia sẻ với bất kỳ cá nhân hoặc cơ quan tình báo nước ngoài nào. Cuốn nhật ký được cất giữ trong một cơ sở an toàn gần Washington DC. Những người được phép xem cuốn nhật ký gồm những người được phép tiếp cận thông tin an ninh mật.

Suốt hơn 6 năm trời, các luật sư của Slahi đã đàm phán, kiện tụng không mệt mỏi để yêu cầu quyền công bố cuốn sách ra công chúng. Cuối cùng, bản thảo của Slahi cũng được ra ánh sáng. Một thành viên trong nhóm pháp lý miễn phí của Slahi đã đưa bản thảo cho nhà xuất bản trong một cái đĩa dán nhãn “Bản thảo của Slahi - Bản giải mật” vào hè năm 2012.

Lúc đó, Slahi đã ở trong nhà tù Guantanamo cả thập kỷ. Trước đó hai năm, một quan tòa liên bang đã chấp nhận đơn xin đình quyền giam giữ của Slahi và ra lệnh thả anh. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã kháng cáo và tòa phúc thẩm đã trả đơn về tòa án địa phương để xét xử lại. Vụ việc hiện vẫn chưa được xử. Slahi hiện vẫn ở trong đúng phòng giam mà anh viết cuốn Nhật ký Guantanamo.

Em trai Slahi cầm cuốn sách với hai trang sách bị bôi đen toàn bộ. Cạnh ông là luật sư Nancy.


Sau khi đọc cuốn nhật ký, người biên tập cuốn sách, Larry Siems hoàn toàn không hiểu tại sao Slahi vẫn ở trong tù. Cuốn nhật ký ám ảnh đến mức Larry Siems đã dành tới 5 năm để đọc hồ sơ về trường hợp của Slahi.

Mặc dù là người biên tập tác phẩm của Slahi nhưng ông Siems chưa bao giờ gặp trực tiếp tù nhân đặc biệt này. Kể từ khi nhà tù Guantanamo mở cửa sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, các nhà báo liên tục bị từ chối cho nói chuyện với tù nhân ở đây. Phần lớn tương tác của Slahi với thế giới bên ngoài đều thông qua luật sư của anh.

Trước khi được giải mật, cuốn nhật ký của Slahi đã bị bôi đen tới hơn 2.500 lần, có thể là để bảo vệ thông tin mật hoặc có thể là để không cho người đọc biết toàn bộ nội dung từ đầu. Cuốn sách được xuất bản và giữ nguyên mọi vị trí có dấu bôi đen của nhân viên kiểm duyệt gồm rất nhiều cái tên bị che giấu. Hầu như chương nào trong cuốn sách cũng bị kiểm duyệt gắt gao, chằng chịt dấu bôi đen, đến mức có tờ báo còn ví các trang nhật ký trông như một con ngựa vằn hay một bức tường gạch đen ngòm.

Phần lớn những từ bị bôi đen là để che giấu danh tính người thẩm vấn chứ không phải phương pháp thẩm vấn. Nhưng chính phủ Mỹ tìm cách che giấu cả giới tính người thẩm vấn dù không rõ lý do tại sao. Tuy nhiên, họ lại vẫn để sót một vài từ tiết lộ giới tính người thẩm vấn. Ngoài ra, mọi ngày tháng trong cuốn nhật ký đều bị xóa.

Quan điểm của chính phủ Mỹ là cần phải xóa rất nhiều thứ trong cuốn Nhật ký Guantanamo vì mục đích an ninh quốc gia và để bảo vệ danh tính những người đã thẩm vấn Slahi. Phát ngôn viên Lầu Năm góc cho biết quyết định xóa cái gì trong nhật ký được đưa ra sau cuộc thảo luận tốn nhiều thời gian giữa Bộ Quốc phòng và cơ quan tình báo. Theo họ, những thông tin bị xóa nếu được công bố sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực chống khủng bố, hoạt động của Mỹ ở nước ngoài hoặc khiến binh sĩ Mỹ, nhân viên chính phủ Mỹ hay gia đình họ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, khi biên tập, ông Siems cho biết có nhiều chỗ bị xóa một cách bừa bãi.

Khi biên tập cuốn nhật ký, ông Siems đã gửi cho Slahi một bức thư giới thiệu bản thân và hi vọng có thể trao đổi với tác giả về cuốn nhật ký. Nhưng ông Siems không nhận được thông tin hồi đáp và cũng không rõ liệu Slahi có nhận được bức thư đó. Ông cũng biết rằng ông không thể hỏi được gì từ nhóm pháp lý của Slahi vì dù họ có quyền đọc cuốn nhật ký nguyên vẹn nhưng không được tiết lộ. Thậm chí, có lần ông Siems từng nộp đơn kiến nghị Lầu Năm góc cho phép gặp Slahi dù chỉ một lần. Tất nhiên là Lầu Năm góc từ chối đề nghị này với lý do họ không cho nhà báo hay tác giả nào vào thăm tù nhân Guantanamo. Họ còn viện dẫn Công ước Geneva về điều khoản cấm biến tù nhân thành chủ đề gây tò mò cho công chúng. Mọi thứ mà tù nhân ở Guantanamo nói đều bị coi là mật và muốn công bố phải được chính phủ cho phép.

Nhà xuất bản Canongate ở Anh và Little, Brown & Co. ở Mỹ hi vọng họ có thể ra mắt bản không bị kiểm duyệt khi Slahi được thả tự do. Bản nguyên vẹn không biết bao giờ mới ra mắt khi tình trạng pháp lý của Slahi còn chưa rõ ràng. Một số quan chức Mỹ đã bóng gió rằng Slahi sẽ không được thả trong năm 2015.

Liên minh Tự do Dân sự Mỹ đã lập đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi thả Slahi. Ông Hina Shamsi, người từng tham gia đàm phán đề nghị cho phép công bố cuốn nhật ký và là giám đốc dự án an ninh quốc gia thuộc liên minh này, khẳng định: “Mohamedou Slahi là một người đàn ông vô tội mà nước Mỹ đã tra tấn dã man và giam giữ bất hợp pháp suốt hơn một thập kỷ. Anh ta không phải là mối đe dọa với nước Mỹ và chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ hành động thù địch nào chống lại Mỹ”.

Ông Larry Siems và một số người liên quan tới cuốn sách của Slahi không gặp khó khăn gì trong thu hút dư luận. Họ quảng bá cho sách trên kênh ABC, BBC và MSNBC. Cuốn sách có sức hút lớn và mang lại thành công lớn về mặt thương mại. Nhật ký Guantanamo lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon và ở vị trí thứ 14 trong danh sách danh giá của New York Times.   


Thùy Dương