09:22 21/09/2012

Cuộc vượt ngục của Taliban

Vào khoảng 23 giờ ngày 24/4/2011, gần 500 tù nhân là các tay súng Taliban đã trốn khỏi nhà tù Sarposa ở thành phố Kandahar (miền nam Ápganixtan) qua một đường hầm dài gần 400 mét được đào từ bên trong nhà tù ra ngoài.

Vào khoảng 23 giờ ngày 24/4/2011, gần 500 tù nhân là các tay súng Taliban đã trốn khỏi nhà tù Sarposa ở thành phố Kandahar (miền nam Ápganixtan) qua một đường hầm dài gần 400 mét được đào từ bên trong nhà tù ra ngoài. Theo các chuyên gia, vụ vượt ngục liều lĩnh này, qua một đường hầm phải đào mất hàng tháng mới xong, đã không thể xảy ra nếu không được giới chức Ápganixtan “nhắm mắt làm ngơ” hoặc có sự “hợp tác tích cực”.

 

Lực lượng an ninh được tăng cường bên ngoài nhà tù Sarposa sau vụ vượt ngục.

 

Giới chức nhà tù Sarposa và thành phố Kandahar cho biết, đường hầm dài 360 mét đã được đào từ phía nam nhà tù vào khu giam giữ ở vùng trung tâm và 476 tù nhân đã trốn thoát. Trong số những kẻ vượt ngục có 115 thành viên Taliban đang theo đuổi các nhiệm vụ khủng bố và tấn công vũ trang. Cuộc vượt ngục ngục diễn ra êm thấm và không có xung đột nào với lực lượng quản lý trại giam.


Trong khi đó, Taliban xác nhận đứng đằng sau vụ vượt ngục lớn này và tất cả những tù nhân trốn thoát đều là thành viên Taliban. Tuy nhiên, con số tù nhân vượt ngục mà Taliban đưa ra là 480 người, trong đó có 106 chỉ huy cấp cao. Zabiullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban, cho biết, lực lượng phiến quân Taliban đã bí mật đào trong suốt 5 tháng một đường hầm dài 320 mét dưới các trạm kiểm soát và đường bộ lớn.


 

Một lối vào đường hầm đào tới phòng giam.

 

Đêm 24/4, những người đào hầm tới khu biệt giam của nhà tù Sarposa để đưa tù nhân ra ngoài. Cuộc vượt ngục kéo dài 4 tiếng rưỡi đến 3 giờ 30 sáng 25/4 mới kết thúc. Tại đầu bên kia của đường hầm, Taliban huy động nhiều ô tô để chở tù nhân trốn trại đến nơi an toàn. Theo Taliban, trong khi họ đào hầm, trong tù có ít nhất 5 tù nhân được thông báo để phối hợp hành động. Những người này lấy cắp mẫu chìa khóa các phòng giam rồi chế chìa. Đêm 24/4, họ nhẹ nhàng đánh thức tù nhân để không đánh động lính canh trên vọng gác nhà tù.


Một trong những tù nhân trốn thoát kể với hãng BBC rằng, anh ta đã mất khoảng 30 phút đi bộ dọc theo đường hầm để trốn được ra ngoài. Tù nhân Mohammad Abdullah cho biết: “Chỉ có khoảng 4, 5 người trong số chúng tôi biết về kế hoạch vượt ngục. Một vài người bạn ở bên ngoài đã đưa bản sao những chiếc chìa khóa cho chúng tôi. Khi đêm đến, chúng tôi mở cửa buồng giam để giải thoát cho những tù nhân khác”.


Nhà tù Sarposa nằm ở ngoại ô thành phố Kandahar, thủ phủ của tỉnh Kandahar, giam giữ khoảng 1.200 tù nhân. Đây được cho là một trong những địa điểm được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Ápganixtan, giam giữ cả các tù binh Taliban và tù hình sự.


Đây là vụ vượt ngục lớn thứ hai ở Kandahar trong 3 năm qua. Vào năm 2008, khoảng 1.000 tù nhân, bao gồm cả các thành viên Taliban, đã trốn thoát sau khi Taliban sử dụng một chiếc xe tải chứa bom để phá vỡ cổng nhà tù. Thành phố Kandahar được xem là nơi khởi nguồn của phong trào Taliban. Thành phố này và những khu vực xung quanh là nơi diễn ra nhiều trận giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến ở Ápganixtan.


Theo nhà phân tích Haroun Mir, vụ việc cho thấy rõ Taliban có khả năng đã thâm nhập sâu vào lực lượng an ninh Ápganixtan. Trong khi đó, nhà phân tích Ahmad Sayidi, cho rằng không thể đào được một đường hầm dài như thế, thậm chí ngay bên dưới các chốt kiểm soát, mà không bị ai phát hiện. Ông Sayidi lập luận: Khi đào một đường hầm dài như thế cần phải sử dụng xe tải để chở đất nên không thể nào không có sự dính líu của các giám ngục. Cùng chung quan điểm này, ông Amir Mohammad Jamshid, một quan chức phụ trách các nhà tù ở Ápganixtan, thừa nhận những kẻ vượt ngục có thể đã được lính gác nhà tù giúp đỡ.


Chính phủ Ápganixtan thật sự bị sốc trước vụ vượt ngục táo tợn trên. Người phát ngôn chính phủ, Waheed Omer gọi cuộc vượt ngục tập thể này là “thảm họa” và thừa nhận vụ việc này cho thấy sự yếu kém và lỗ hổng an ninh của Ápganixtan.


Cũng có ý kiến cho rằng vụ vượt ngục này thực chất là một nước cờ chính trị trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai đang theo đuổi việc đàm phán hòa bình với các phần tử Taliban, còn NATO chuẩn bị rút quân khỏi Ápganixtan từ tháng 7/2011. Ông Ahmad Massoud, giảng viên Đại học Kabul và là nhà bình luận chính trị, cho rằng vì một trong những điều kiện chính cho hòa đàm với Taliban là phải thả tù binh Taliban - một vấn đề chính trị rất nhạy cảm - nên các quan chức có thể đã nhắm mắt làm ngơ cho các vụ vượt ngục.


Tuy nhiên, theo nhà phân tích Mir, cuộc vượt ngục trên phần nhiều là do tình hình lộn xộn chứ không phải “toan tính” của chính quyền Ápganixtan. Ông cho rằng chính phủ Ápganixtan đang hầu như tê liệt, để xảy ra vụ vượt ngục này là do chính quyền và lực lượng cảnh sát yếu kém. Bản thân một quan chức chính phủ Ápganixtan cũng thừa nhận an ninh bên ngoài nhà tù được tăng cường đáng kể nhưng việc kiểm soát bên trong các phòng giam rất lỏng lẻo.


Cuộc vượt ngục là bằng chứng phủ nhận quan điểm cho rằng, lực lượng quốc tế ở Ápganixtan đang bình ổn tình hình để có thể chuyển giao trách nhiệm an ninh cho lực lượng vũ trang Ápganixtan, mở đường cho Mỹ và NATO rút quân vào tháng 7/2011. Cuộc giải cứu lượng lớn tù nhân Ápganixtan chứng tỏ Taliban hoạt động ngày một mạnh hơn trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Mỹ, NATO và quân đội chính phủ, dù trước đó Mỹ đã tăng hàng ngàn quân vào Ápganixtan.


Hồng Hạnh (tổng hợp)