07:15 10/07/2014

Cuộc thử nghiệm của điêu khắc gốm

Từ 25/6 - 2/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật VN (66 Nguyễn Thái Học, HN), Vũ Hữu Nhung, chàng trai nổi tiếng của đất gốm Phù Lãng triển lãm điêu khắc gốm “Sự sống”. Đây được coi là bước thử nghiệm của Vũ Hữu Nhung khi đưa gốm Phù Lãng phát triển ở lĩnh vực điêu khắc.

Từ 25/6 - 2/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật VN (66 Nguyễn Thái Học, HN), Vũ Hữu Nhung, chàng trai nổi tiếng của đất gốm Phù Lãng triển lãm điêu khắc gốm “Sự sống”. Đây được coi là bước thử nghiệm của Vũ Hữu Nhung khi đưa gốm Phù Lãng phát triển ở lĩnh vực điêu khắc.

Từ lâu, nhắc đến gốm Phù Lãng, người sành về gốm không thể không nhắc đến “Gốm Nhung”. Từ những sản phẩm gốm truyền thống, chủ yếu là gốm gia dụng, Vũ Hữu Nhung đã khẳng định thương hiệu của một dòng gốm trong làng mỹ nghệ với các sản phẩm gốm mỹ nghệ, gốm trang trí, gốm phong thủy.

Xưởng gốm của anh có lúc có tới cả trăm công nhân làm việc. Những sản phẩm gốm không chỉ còn trong giới hạn của làng mà được bán rộng rãi trong nước và xuất khẩu. Không chỉ là những vật dụng trong gia đình như chum, bình hoa…, gốm đã có những vị trí sang trọng hơn khi được bày, treo, trang trí trong những không gian khác nhau. Một số sản phẩm tinh xảo và có tính nghệ thuật cao của Vũ Hữu Nhung được các nhà sưu tập đưa vào bộ sưu tập của họ.

Vũ Hữu Nhung và những tác phẩm trưng bày tại triển lãm.


“Nhưng sau một thời gian dài cứ làm như thế, vì phải thực hiện theo các đơn hàng và bị ảnh hưởng của thị trường, tôi không thể làm theo ý mình được. Tôi không thích cách làm đó, và muốn thay đổi”, anh nói. Ý nghĩ đó càng thôi thúc khi anh đứng trên giảng đường giảng dạy về điều khắc cho sinh viên.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chuyên ngành điêu khắc năm 1999, sau nhiều năm gắn mình với Phù Lãng và thành công với thương hiệu “Gốm Nhung”, năm 2008 Vũ Hữu Nhung quay về trường giảng dạy. Gắn bó với sinh viên, làm công tác chuyên môn, nhất là khi trong nước đã có những người bắt đầu quan tâm đến điêu khắc, biết chơi điêu khắc (điêu khắc đương đại); Vũ Hữu Nhung muốn đẩy chất liệu gốm lên một mức cao hơn khi làm điêu khắc (điêu khắc gốm).

“Làm việc này, cũng là để tôi có thể chứng minh với học trò và cả đồng nghiệp câu chuyện của điêu khắc nữa”, anh nói. Vì vậy, kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2001 được thực hiện theo lối tả chất trên bề mặt, dựa trên hình hài bình, lọ, chum; Vũ Hữu Nhung quyết định sẽ mang tới một diện mạo mới cho gốm Phù Lãng.

Những tác phẩm trưng bày lần này, với chủ đề “Sự sống”, trừ nhóm 6 tác phẩm điêu khắc được cấy san hô (Ở bảo tàng dưới nước ở nước ngoài, người ta làm tượng bê tông rồi thả xuống biển để san hô bám vào tượng. Còn Vũ Hữu Nhung thì “cấy” san hô vào tượng ở trên cạn), còn lại hầu hết là những tác phẩm điêu khắc gốm tròn trịa, cho thấy sự phồn thực, biểu hiện của sự sinh sôi nảy nở, cảm giác lớn dần lên.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã nói rằng, những tác phẩm của Vũ Hữu Nhung khi “Chạm khẽ vào bề mặt khối mà tay ta lại thèm nghe liền đó cái bí ẩn, hoang hoặc của men, của lửa ở đâu kia trong không gian điêu khắc gốm ấm sắc đen-nâu-ghi của Nhung. Đàn ông, đàn bà, trẻ con tự xoay xỏa trong trời đất vuông tròn. Cứ sinh nở, sinh sôi, sinh tồn theo nhạc cảm lạ…”.

Còn với anh, những tác phẩm trưng bày lần này vẫn là trên chất liệu gốm truyền thống của Phù Lãng. “Trước đây mình tham chi tiết, kể nhiều câu chuyện trên bề mặt, thì bây giờ mình không kể chuyện mà để hình, khối, ánh sáng sẽ quyết định”, Vũ Hữu Nhung cho biết.

Nhưng để thực hiện được những khối tròn với độ căng bề mặt rồi liên kết chúng với nhau không hề dễ dàng. Điều quan trọng là phải xác định cái lô xô, sự lệch, đảo của các khối; tạo hình khối làm sao để nó có thể đón được ánh sáng thì khối đó mới hiệu quả. Chưa kể, khi đốt ở nhiệt độ cao thì khối sẽ co lại, làm thay đổi hình dạng.

Cũng theo Vũ Hữu Nhung, các tác phẩm điêu khắc gốm thường có đáy phẳng, nhưng những tác phẩm của anh làm đáy tròn, đây cũng là một thử thách không nhỏ. Ngoài ra, xưa nay người Việt thường thích màu truyền thống của điêu khắc gốm (đen, đỏ, trắng), màu truyền thống của gốm Phù Lãng chưa chắc đã phải tông màu nhiều người thích, nên lần trưng bày này cũng là một trải nghiệm nữa của anh.

Bên cạnh đó, điêu khắc gốm rất kén người chơi. Ngoài việc am hiểu về nó (để biết nó đẹp) thì người chơi cũng phải có nguồn tài chính. “Chưa kể, điêu khắc gốm đòi hỏi phải có không gian nhất định, không tam bợ được”, Vũ Hữu Nhung khẳng định.

Để có thể thực hiện triển lãm này, Vũ Hữu Nhung đã mất rất nhiều công sức, thậm chí phải dừng hẳn việc sản xuất gốm mỹ nghệ để làm điêu khắc gốm.

Với thử nghiệm mới cho gốm Phù Lãng, anh cũng tự nhận mình đã bước chân vào cuộc phiêu lưu mới của người làm nghệ thuật. Nhưng anh chấp nhận rủi ro để xem những tác phẩm mình đưa ra có phù hợp và được công chúng đón nhận không.


Bài và ảnh: Xuân Phong