04:09 06/04/2011

Cuộc sống người dân tái định cư chưa được như kế hoạch

Di dân tái định cư (TĐC) các dự án thủy điện (TĐ) là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội và môi trường ở vùng có tính đặc thù về dân tộc thiểu số (DTTS) và nông thôn miền núi.

Di dân tái định cư (TĐC) các dự án thủy điện (TĐ) là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội và môi trường ở vùng có tính đặc thù về dân tộc thiểu số (DTTS) và nông thôn miền núi. “Đảm bảo cuộc sống của người dân TĐC đến nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ” là chủ trương đúng đắn mà Đảng và Nhà nước yêu cầu các chủ đầu tư khi triển khai các dự án TĐ. Nhưng thực tế phần lớn những hộ dân cho rằng cuộc sống của họ kém hơn so với trước khi TĐC.

Còn nhiều bất cập

Theo Viện Tư vấn phát triển (CODE) thì từ 1995-2009, Việt Nam có khoảng 22 dự án TĐ đã và đang xây dựng. Tổng diện tích đất bị thu hồi để xây dựng công trình TĐ giai đoạn này là gần 80.000 ha với hơn 49.000 hộ gia đình nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, trong đó 80% tổng số hộ bị ảnh hưởng cần phải di chuyển ra khỏi khu vực công trình đến khu TĐC mới.

Những hộ dân ở bản Chà Coom (xã Hữu Dương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hiện vẫn chưa di dời. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật – TTXVN


Được biết, ở những vùng có nhiều công trình TĐ như Tây Bắc, Tây Nguyên, thu nhập của các hộ dân phụ thuộc vào nông lâm nghiệp. Một trong những nguồn lực quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc miền núi là tài nguyên rừng và đất rừng. Từ kết quả điều tra nghiên cứu của CODE tại dự án TĐC TĐ Thượng Kon Tum năm 2009 cho thấy: Nguồn sinh kế của người dân vùng lòng hồ nói riêng và cộng đồng dân cư trên lưu vực nói chung từ rừng chiếm 40-50% tổng thu nhập, tiếp đến là trồng trọt chiếm 12-16%, chăn nuôi gia súc, gia cầm 10-15%, đánh bắt thủy sản tự nhiên 5-10%. Trong nền kinh tế truyền thống của các DTTS, đặc biệt đối với các hộ nghèo, việc đa dạng nguồn thu nhập từ rừng, trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, nghề thủ công truyền thống, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi… là vấn đề quan trọng để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo ổn định và duy trì cuộc sống. Khi đến nơi TĐC mới, bà con thiếu đất sản xuất, tập quán canh tác sản xuất bị đảo lộn, tiền đền bù TĐC chỉ đảm bảo cuộc sống những năm đầu. Từ đó dẫn đến việc người dân thiếu việc làm, thiếu tư liệu sản xuất… nên sau một thời gian ở khu TĐC mới họ lại bỏ về nơi ở cũ là thực tế đã diễn ra.

Việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng TĐC ở một số công trình TĐ trong cả nước chủ yếu ở miền núi, nơi có nhiều đồng bào DTTS đang sinh sống. Tỷ lệ đồng bào DTTS bị ảnh hưởng do xây dựng các dự án TĐ chiếm 85% với nhiều dân tộc khác nhau, mà dự án TĐ Bình Điền (Thừa Thiên - Huế) là một ví dụ. Để đảm bảo công tác TĐC cho TĐ Bình Điền, năm 2006, khu TĐC TĐ Bình Điền thuộc thôn Bồ Hòn, xã Bình Thành, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) đã hình thành để đón 46 hộ DTTS Catu về định cư nơi ở mới. Khu TĐC TĐ Bình Điền được đầu tư trên 7 tỷ đồng, rộng 35 ha, bao gồm các công trình phúc lợi công cộng như đường giao thông, hệ thống nước tự chảy, đường điện, trường mẫu giáo, trường tiểu học, nhà họp thôn và đặc biệt là 46 ngôi nhà TĐC cho 46 hộ dân tộc Catu (225 khẩu), mỗi ngôi nhà trị giá 64 triệu đồng do Công ty cổ phần TĐ Bình Điền làm chủ đầu tư.

“Các hộ dân vốn có ruộng vườn thênh thang, đất tốt, một năm làm 2 vụ đậu, 2 vụ lúa, những ngày thiếu việc thì đi làm mây, mỗi năm thu nhập cũng được hơn chục triệu đồng. Khi di dời đến khu TĐC ngoài 2 sào đất làm nhà, lập vườn cây, trồng sắn, xã còn cấp thêm cho 3 sào đất đá để trồng 350 cây keo tai tượng lớn chưa quá đầu người. Hai vợ chồng già không biết làm việc chi để có được miếng ăn trong những ngày tới nữa. Về nơi ở mới có cơ sở hạ tầng đầy đủ hơn nhưng lại thiếu đất sản xuất và không có chỗ tạo việc làm. Do vậy người dân vẫn sống trong cảnh nghèo đói”. Đây là những ý kiến của bà Trần Thị Xuân và ông Nguyễn Chua, khu TĐC Bình Dương và Hòa Bình, xã Bình Thành, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) được chị Lê Thị Nguyện, giảng viên Trường Đại học Khoa học Huế ghi lại sau chuyến khảo sát cuối năm 2010 tại xã Bình Thành và chị đã cho biết tại một hội thảo mới diễn ra ở Hà Nội do CODE tổ chức.

Người dân ở bản Nậm Tôm, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La) làm đất gieo trồng trên quê hương mới. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


“TĐC như vậy đã đồng nghĩa với nghèo rồi”, ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), nơi có TĐ Yaly, Plei Krông đã khẳng định cũng tại hội thảo này. Ông Niệm cho biết: “Xã Hơ Moong có gần 800 hộ dân mà được giao khai hoang có 900 ha đất. Xã thiếu đất sản xuất đã 5 năm nay, hiện vẫn còn 64 hộ trong xã chưa có đất sản xuất. “Không nên cứng nhắc quá với vấn đề chia đất cho người dân. Nếu cấp nhà cho nông dân, đồng bào DTTS như ở phố thì nông dân không thể ở được”.

Những bất cập trong TĐC xét ở góc độ kinh tế chỉ mới là một phần, còn trong đời sống tinh thần của đồng bào, vấn đề văn hóa tín ngưỡng cũng còn nhiều điều trăn trở. Với các hộ gia đình dân tộc ít người, 400 m2 nhà ở theo quy định của TĐC không thể đủ để người dân thực hiện những lễ nghi giao lưu cộng đồng theo phong tục như nơi ở cũ. Trong khi nhiều gia đình dân tộc thường có các lễ nghi tụ họp anh em, họ hàng đến tham dự rất đông. Không đủ chỗ ngồi, bà con người dân tộc đành phải bỏ hoặc giản lược các nghi lễ. Điều đó sẽ khiến những tập quán cộng đồng có từ ngàn đời của người dân tộc bị mai một.

Mặt khác, công tác TĐC hiện nay chỉ mới tính đơn giá, hạng mục đền bù những mất mát hữu hình như đất cát, nhà cửa, vườn rẫy chứ chưa hề quan tâm hoặc tính toán những giá trị vô hình bị mất mát. Chính điều này đã làm nảy sinh xung đột tại một số vùng TĐC bởi các cú “sốc” về văn hóa. Theo phân tích của Viện CODE, việc TĐC thời gian qua ở nhiều nơi người dân không được hỏi ý kiến về nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của họ: Nhà ở khu TĐC không phù hợp với tập quán sinh hoạt; đất đai không phù hợp với tập quán canh tác... Những bất cập này dẫn đến hậu quả là các cộng đồng TĐC luôn bị mất ổn định về sinh kế, các giá trị văn hóa dân tộc bị mai một, các khu TĐC đối diện với nguy cơ đứng bên lề quá trình phát triển chung của xã hội.

Rất cần những giải pháp đồng bộ

Để người dân đến nơi ở mới sớm ổn định cuộc sống thì việc qui hoạch điểm TĐC cần đi trước một bước. Không nên để tình trạng khi triển khai dự án xây dựng TĐ mới tiến hành lập qui hoạch di dân TĐC, từ đó dẫn đến việc chậm trễ trong giải quyết những tồn tại của công tác quy hoạch di dân TĐC. Việc xây dựng qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của các vùng dự kiến di dân TĐC phải gắn với qui hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước dựa trên cơ sở nghiên cứu các điều kiên tự nhiên, kinh tế xã hội, tập tục, truyền thống dân tộc cả ở khu vực cộng đồng phải di dân TĐC và cộng đồng bản địa nơi tiếp nhận.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện CODE cho rằng: “Khi xây dựng công trình TĐ cần tính toán lựa chọn phương án sao cho việc thu hồi đất và di dời các hộ dân bị ảnh hưởng giảm đến mức tối thiểu. Nếu các dự án TĐ chưa đền bù, cấp đất, chưa chuẩn bị mặt bằng sản xuất và chưa xây xong nơi ở TĐC hoàn chỉnh thì chưa nên di dân tới điểm TĐC mới. Khi lựa chọn địa điểm TĐC không nên quá xa nơi ở cũ, nếu phải chuyển đi xa cần lựa chọn địa điểm có điều kiện xã hội tương đối đồng đều để giảm “cú sốc” về thay đổi môi trường sống cho cộng đồng TĐC”.

Việc lựa chọn điểm TĐC của các dự án TĐC TĐ hiện nay phần lớn đang cứng nhắc trong việc áp dụng chiến lược phục hồi sinh kế, chủ yếu mới dựa vào đất canh tác nông nghiệp mà xem nhẹ các nguồn sinh kế truyền thống. Vì vậy đối với các vùng có quỹ đất sản xuất nông nghiệp không nhiều, chính quyền nên xác định chiến lược phục hồi sinh kế là dựa vào rừng và đất lâm nghiệp. Đảm bảo tối đa quyền tiếp cận quản lý sử dụng tài nguyên tự nhiên, xây dựng khu sản xuất (khu tái định canh) bảo đảm điều kiện sản xuất cho các hộ dân như cải tạo đất, nguồn nước… để khi người dân chuyển đến có thể bắt tay vào sản xuất. Tăng cường công tác khuyến nông, ngành nghề truyền thống ở nơi TĐC để người dân sớm có thu nhập, từng bước thâm canh tăng năng suất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa tạo thêm nguồn thu nhập.

Tạo cơ hội cho người dân TĐC tiếp cận kinh tế rừng, bởi trên thực tế tại nhiều điểm TĐC dự kiến của TĐ Huổi Quảng, Bản Chát (Lai Châu) cũng đã bổ sung thực hiện giao đất lâm nghiệp, nhưng dự án chỉ đề xuất giao đất trồng rừng (đất trống đồi trọc) trung bình từ 0,7-2 ha/hộ là quá thấp và không phù hợp với qui định của Luật Đất đai, Luật Quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Để người dân sống được nhờ kinh tế rừng, cần lồng ghép thực hiện chương trình giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý bảo vệ sao cho họ có thể sống được từ rừng trên cơ sở tổng hợp các nguồn thu nhập. Tuy nhiên để người dân sống được từ rừng và đất lâm nghiệp cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển rừng và quy mô giao đất, giao rừng tối thiểu 20-30 ha/hộ. Đây có thể được coi là hướng phục hồi sinh kế quan trọng và bền vững không những phù hợp với điều kiện sống của đồng bào dân tộc vùng miền núi sống phụ thuộc vào rừng mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, duy trì khả năng điều tiết nước chống xói mòn, bồi lắng lòng hồ cho công trình thủy điện.

Chính quyền địa phương cần nghiên cứu các giải pháp khuyến khích và hỗ trợ việc phát triển ngành nghề thủ công, nuôi cá lồng trong hồ, dịch vụ du lịch… Chuẩn bị kế hoạch phát triển nguồn nhân lực để người dân đến TĐC có thể sẵn sàng tham gia các hoạt động kinh tế, dịch vụ từ thủy điện và phát triển các ngành nghề mới.

Ý KIẾN

Bà Lê Thị Nguyện, Trường Đại học Khoa học Huế: Tại Huế, các công trình TĐ Bình Điền, hồ Tả Trạch, TĐ A Lưới… đều liên quan đến việc di dời và TĐC cho đồng bào các DTTS. Nhìn chung tại các khu TĐC TĐ Thừa Thiên - Huế điều kiện sống của bà con không được thực hiện như các chính sách, qui định đã đưa ra. Một thực trạng chung là người dân bất lực trong việc kiếm kế sinh nhai. Các dự án hỗ trợ từ chính quyền đều không có hiệu quả.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện CODE: Đề nghị nên kéo dài thời gian hỗ trợ TĐC từ 5 lên 10 năm và Chính phủ cần yêu cầu các nhà đầu tư cam kết trách nhiệm giúp dân ổn định cuộc sống lâu dài thông qua cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được Chính phủ phê duyệt.

Ông Nguyễn Thế Hiệu, Trưởng ban Quản lý dự án TĐC huyện Mộc Châu (Sơn La): Trước khi thực hiện TĐC, các cấp, các ngành và chính quyền nên cho người dân tham quan, khảo sát vị trí dự kiến bố trí TĐC và lắng nghe ý kiến của họ. Chỉ khi nào người dân đồng thuận với vị trí đó mới tổ chức quy hoạch TĐC, tránh áp dụng máy móc việc nuôi trồng cây con mới quá xa lạ với người dân tại nơi ở mới.

Ông Hà Văn Ý, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc (Hòa Bình): Chúng tôi mong muốn các tổ chức xã hội tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực và nhân thức cho cộng đồng bị ảnh hưởng nhằm tạo điều kiện cho họ có khả năng tiếp cận đầy đủ các chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời giúp họ tham gia thảo luận lập kế hoạch, giám sát để đảm bảo quyền lợi và thực hiện trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện dự án TĐC…

Theo điều tra của CODE, 82,2% số hộ dân cho rằng cuộc sống của họ kém hơn trước khi TĐC; 11,2% số hộ cho rằng cuộc sống tốt hơn. Báo cáo về mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho thấy: Tại dự án TĐ Hòa Bình, sau 30 năm TĐC, có khoảng 50% hộ dân đạt bình quân 200.000 đồng/người/tháng; 34% đạt mức 1 triệu đồng/người/tháng.



Viết Tôn (Thực hiện)