04:09 08/04/2011

Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu: Quân bài đôminô tiếp theo đã đổ

Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates ngày 7/4 (giờ Việt Nam) đã quyết định đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ tài chính để đối phó với khoản nợ công khổng lồ.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates ngày 7/4 (giờ Việt Nam) đã quyết định đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ tài chính để đối phó với khoản nợ công khổng lồ. Như vậy, Bồ Đào Nha đã trở thành quốc gia châu Âu thứ ba, sau Hy Lạp và Ailen, cần một gói cứu trợ tài chính từ bên ngoài.

Trong một bài phát biểu được truyền hình tới người dân trong cả nước, Thủ tướng Socrates đã thông báo rằng chính phủ Bồ Đào Nha đã quyết định xin hỗ trợ tài chính để đảm bảo có đủ kinh phí trang trải cho đất nước, hệ thống tài chính và nền kinh tế. Thông báo trên cũng có nghĩa là Bồ Đào Nha đã từ bỏ nỗ lực kéo dài suốt 1 năm qua nhằm tránh khả năng phải xin cứu trợ từ các quốc gia châu Âu. Ông Socrates nhấn mạnh, cứu trợ là giải pháp cuối cùng và cho rằng đây là thời điểm đặc biệt quan trọng đối với Bồ Đào Nha. Ông cũng lưu ý rằng mọi việc sẽ tồi tệ hơn nếu chính phủ không hành động.

Theo hãng tin AP, Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso đã xác nhận thông tin Bồ Đào Nha xin cứu trợ và cho biết trong một thông báo rằng yêu cầu trên sẽ được xử lý nhanh nhất có thể. Về phía IMF, dù chưa nhận được yêu cầu từ Bồ Đào Nha nhưng cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ quốc gia này.

Tuy Thủ tướng Bồ Đào Nha không nói rõ số tiền cứu trợ mà nước này cần nhưng các nhà phân tích dự đoán khoảng 114 tỷ USD - một khoản tiền mà châu Âu có thể cáng đáng được trong thời điểm hiện tại, trừ khi lại có thêm nước khác xin cứu trợ.

Thông tin về việc chính phủ Bồ Đào Nha xin cứu trợ tài chính được đăng tải trên trang nhất của hầu hết các nhật báo lớn của nước này ngày 7/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Các quốc gia châu Âu khác từ lâu đã kêu gọi Bồ Đào Nha chấp nhận gói cứu trợ với hi vọng kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng. Trong năm 2010, Bồ Đào Nha khẳng định không muốn cứu trợ tài chính vì điều khoản ngặt nghèo ràng buộc sẽ khiến quốc gia này phải thực hiện biện pháp thắt lưng buộc bụng nhiều năm. Tương tự, Hy Lạp và Ailen trước đó cũng chỉ xin cứu trợ khi không còn lựa chọn nào khác.

Bồ Đào Nha cầu cứu EC trong bối cảnh buộc phải trả các mức lãi suất cao thì mới thuyết phục được các nhà đầu tư mua trái phiếu của mình. Suốt 6 tháng qua, người mua trái phiếu Bồ Đào Nha liên tục đòi lãi suất cao hơn. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này đã đạt mức 8,54% trước khi có thông báo về việc xin cứu trợ, tăng so với mức 5,8% cách đây 1 năm. Trong khi đó, các ngân hàng lớn nhất Bồ Đào Nha đã thông báo sẽ không còn khả năng tiếp tục mua nợ quốc gia nữa do phải giải quyết vấn đề thanh khoản trong khi phụ thuộc phần lớn vào sự hỗ trợ của Ngân hàng trung ương châu Âu.

Khó khăn mà Bồ Đào Nha đang gặp phải không giống với Ailen và Hy Lạp. Vấn đề của quốc gia này hình thành cách đây cả thập kỷ trong bối cảnh tăng trưởng chỉ đạt mức trung bình 0,7%/năm nhưng lại chi trả phúc lợi cho người dân tương đương với các mức của các nước châu Âu giàu có khác.

Sau khi có thông tin xin cứu trợ, cổ phiếu các ngân hàng Bồ Đào Nha đã tăng giá, trong đó 3 ngân hàng lớn nhất nước đã tăng giá hơn 5%. Cổ phiếu ngành tài chính ở châu Âu cũng đạt mức giá cao nhất trong vòng 1 tháng qua trong phiên giao dịch 7/4. Lúc 18 giờ 05 (giờ Việt Nam), chỉ số FTSEurofirst 300 tăng 0,2% lên 1.149,3 điểm, trước đó chỉ số này đã tăng lên 1.151,5 điểm - mức cao nhất trong gần 1 tháng.

Các nhà phân tích cho rằng một gói cứu trợ cho Bồ Đào Nha sẽ khiến thị trường ổn định. Ông Dean Tenerelli, nhà quản lý quỹ thuộc T Rowe Price nhận định: "Mọi thứ đang trở lại đúng hướng. Thị trường nợ sẽ ổn định nhờ gói cứu trợ Bồ Đào Nha".

Thùy Dương