10:13 01/10/2014

Cuộc giao lưu… không cần phiên dịch

Trong khuôn khổ Festival sẽ có 7 chương trình biểu diễn chính thức và một số chương trình hòa nhạc, với gần 100 tác phẩm ở các thể loại.

Lần thứ 12 tổ chức, nhưng đây là lần đầu tiên “Festival Âm nhạc mới Á – Âu” diễn ra tại Việt Nam và cũng là lần tiên Festival này được đưa về châu Á. 11 lần trước, Festival đều diễn ra tại các nước châu Âu, chưa bao giờ rời xa châu lục có nền khí nhạc bậc nhất thế giới này, dù đây rõ ràng là Festival của 2 châu lục.


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức: Festival là cơ hội để thế giới thấy Việt Nam thực sự đã có một nền khí nhạc.


“Festival Âm nhạc mới Á – Âu 2014” đến Việt Nam (từ 8-12/10 tại Hà Nội và Quảng Ninh), âu cũng vì thế giới đã có sự nhìn nhận khá lạc quan đối với nền khí nhạc Việt Nam, khẳng định Việt Nam là là điểm sáng về khí nhạc của châu Á. Và còn bởi, sau 2 lần tham dự Festival (lần thứ 10 và 11), Việt Nam đã chứng tỏ được “sức mạnh” không hề thua bạn kém bè của mình…


Cuộc “đổ bộ” của khí nhạc thế giới


Âm nhạc có lẽ là thứ ngôn ngữ rất chung của thế giới, nên cuộc giao lưu âm nhạc này được đánh giá là một cuộc giao lưu không cần đến phiên dịch. Tự thân những buổi hòa nhạc, tự thân những tiết mục trình diễn, đã biết “nói” để người nghe hiểu rồi.


Với lần tổ chức này, đã có khoảng 200 nhạc sĩ đến từ 30 quốc gia đăng ký tác phẩm tham gia Festival, trong đó, 50 nhạc sĩ sẽ đến Việt Nam tham gia Festival, đều là những nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới. 


“Festival Âm nhạc mới Á – Âu” (New Music Festival “Asia – Europe”) là sự kiện âm nhạc quốc tế lớn do Bộ Văn hóa, Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga và Hội Nhạc sĩ Cộng hòa Tactarstan khởi xướng từ năm 1993, định kỳ tổ chức 2 năm/lần. Qua 11 lần tổ chức, đã có 45 quốc gia tại 2 châu lục tham gia. Những tác phẩm biểu diễn trong Festival có sự đón nhận và đánh giá cao của công chúng.

Festival năm nay do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ đạo, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức thực hiện.


Về phía Việt Nam, với tư cách là chủ nhà, cũng là dịp để chúng ta khoe với thế giới những gì mình đã có, nên sẽ là một cuộc “ra quân” của nền khí nhạc, từ khi ra đời tới nay, với những tác phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi như Nguyễn Thiện Đạo, Nguyễn Văn Nam, Doãn Nho, Trọng Đài… đến sự góp mặt của những nhạc sĩ 7X,8X mà “tiếng nói khí nhạc” đã mang tính hiện đại và gần gũi với sự hiểu biết của công chúng hơn rất nhiều. 


Họp báo giới thiệu Festival.


Có những tác phẩm rất kinh điển, nhưng cũng những tác phẩm mang hơi hướng hiện đại như “Điểm hẹn” của nghệ sĩ Việt kiều Nguyễn Thiện Đạo với cách nhìn nhận về 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ bằng khí nhạc. Hay như tác phẩm “Những ô cửa sổ” của nhạc sĩ Trọng Đài, mà nó giống như một nét phác họa bằng bút chì, rất nhẹ nhàng, không cứng nhắc… Cũng sẽ có những tác phẩm lần đầu tiên ra mắt công chúng, mới tinh tươm… Bên cạnh đó, là sự góp mặt của các nghệ sĩ biểu diễn như Trương Hoàng An, Trần Bạch Kim, Phượng Như, Linh Chi (Violon), Nguyệt Thu (Viola), Bùi Công Duy (Violin), Đào Trọng Tuyên (Piano)…


Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức: “Festival Âm nhạc mới Á-Âu” là cơ hội rất quý đối với các nhạc sĩ của Việt Nam để nhìn nhận lại về âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam, nhằm tạo sự cân bằng trong phát triển của âm nhạc Việt Nam, giữa khí nhạc và thanh nhạc. Thông qua liên hoan, các nhạc sĩ, nghệ sĩ cũng sẽ có cơ hội gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu và tiếp thu những giá trị tinh hoa âm nhạc mới. “Đây cũng là dịp để chứng minh cho các nước bạn thấy khả năng và trình độ của Việt Nam, thấy Việt Nam thực sự đã có một nền khí nhạc. Rõ ràng, song song với việc phát triển thanh nhạc, thì khí nhạc Việt Nam vẫn có bước tiến rõ rệt. Sự đào tạo bài bản trong thời gian qua đã tạo nên một lực lượng có khả năng ngang với khu vực và thế giới. Bản đồ khí nhạc của Việt Nam tuy không phát triển rực rỡ nhưng bài bản, có sự đầu tư, chăm sóc và đang tỏa sáng”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lạc quan nhấn mạnh.


Hòa nhạc “để đời”


Để ghi một dấu ấn không thể quên trong lòng bạn bè quốc tế, cũng là để “khoe” những giá trị âm nhạc rất riêng của Việt Nam, một trong những chương trình hòa nhạc của Festival sẽ diễn ra tại hang Đầu Gỗ (Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh) vào lúc 12 giờ trưa ngày 11/10. Vượt hành trình 40 phút bằng thuyền, các đại biểu sẽ được cập bến hang Đầu Gỗ, được đứng trong “sân khấu” với mái vòm tự nhiên tuyệt vời không kém gì mái vòm của một nhà hát chuyên nghiệp, nơi âm thanh không cần thêm một sự trợ giúp nào, mà sẽ vang lên tự nhiên nhất có thể, trong ánh nến và ánh đuốc- hoàn toàn không có đèn điện.


“Festival Âm nhạc mới Á – Âu” sẽ bao gồm một chuỗi những buổi hòa nhạc với các thể loại, hình thức khác nhau, từ Giao hưởng, thính phòng, dân gian, dân tộc, nhạc kịch, vũ kịch, hợp xướng, đến các ca khúc trẻ. Tiêu chí của Festival là giới thiệu những tác phẩm mới được sáng tác trong những năm gần đây của các nhạc sĩ tiêu biểu cho các trường phái âm nhạc đương đại trên thế giới. Trong khuôn khổ Festival sẽ có 7 chương trình biểu diễn chính thức và một số chương trình hòa nhạc, với gần 100 tác phẩm ở các thể loại.


Trong chương trình ấy, sẽ là sự lên ngôi của nhạc dân tộc Việt Nam, với sự góp mặt của 2 bộ gỗ với tổng cộng 15 nghệ sĩ, gồm cả nghệ sĩ bass, sáo, kèn, gõ; nghệ sĩ nhị, đàn bầu, nguyệt, thập lục, tam thập lục, tỳ bà… Những tiết mục được biểu diễn gồm Nhã nhạc Cung đình Huế (Lưu Thủy - Kim Tiền - Xuân Phong, Long Hồ), song tấu nhạc cụ hơi "Những nẻo đường đất nước", hát văn "Chân quê", song tấu Pí lè "Sức sống", Tam tấu Gõ dân tộc "Ngẫu hứng nhịp Chèo". Theo BTC cho biết, các nghệ sĩ nước ngoài đều tỏ ra vô cùng háo hức với chương trình, rất nhiều người đã xin được đưa theo vợ, con, người thân để tham gia buổi trình diễn; như một cơ hội để hiểu thêm những giá trị nghệ thuật của Việt Nam, cũng như những giá trị không thể phủ nhận của Vịnh Hạ Long- di sản thế giới.


Hang Đầu Gỗ, sân khấu tự nhiên tuyệt vời cho buổi hòa nhạc. Ảnh:tapchidulich


Tất nhiên, rồi như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói, với cái khán phòng tới 300 chỗ của Nhà hát Lớn, hay cái khán phòng khiêm tốn hơn của phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia (Hà Nội)… thì khán giả chính chắc vẫn sẽ là những người trong nghề, những nghệ sĩ thôi, vì khí nhạc vẫn chưa thực sự là thể loại được đông đảo công chúng Việt Nam ưa chuộng. Nhưng, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam khẳng định, ông vẫn rất lạc quan, bởi chính từ những “cuộc chơi” này, chắc chắn nhận thức của công chúng sẽ được nâng lên rất nhiều và đồng nghĩa với sự nâng lên của vị thế khí nhạc tại Việt Nam.


Tuyết Anh