07:05 03/07/2014

Cuộc đua Âu - Mỹ

Một lần nữa, đẳng cấp lại lên tiếng ở sân chơi đỉnh cao thế giới. Vòng tứ kết của kỳ World Cup lần thứ 20 trong lịch sử đang chứng kiến sự áp đảo gần như hoàn toàn của châu Âu và Nam Mỹ.

Một lần nữa, đẳng cấp lại lên tiếng ở sân chơi đỉnh cao thế giới. Vòng tứ kết của kỳ World Cup lần thứ 20 trong lịch sử đang chứng kiến sự áp đảo gần như hoàn toàn của châu Âu và Nam Mỹ.


Khách không mời Costa Rica


Cách đây 4 năm, bóng đá châu Mỹ có 7 đại diện tại vòng 1/8 trên đất Nam Phi: Uruguay, Mỹ, Argentina, Mexico, Brazil, Chile và Paraguay. Tại Brazil năm nay, châu Mỹ có thêm niềm vui: Ngoài Colombia thế chân Paraguay đại diện cho Nam Mỹ, thì Costa Rica (Trung Mỹ) lần thứ 2 trong lịch sử vượt qua được vòng đấu bảng.

 

Lionel Messi và Argentina (phải) nhọc nhằn vượt qua Thụy Sỹ tại vòng 1/8.

 

Cùng giai đoạn này cách đây 4 năm, có 4 đội bóng Nam Mỹ trụ lại ở vòng tứ kết: Brazil, Uruguay, Argentina và Paraguay. Bây giờ, Nam Mỹ chỉ còn 3 (Brazil, Colombia và Argentina), trong khi Costa Rica tiếp tục sống sót. Nam Mỹ bị hụt lực lượng sau vòng 1/8 là điều đã được báo trước, xuất phát các trận đấu kiểu Copa America (nội bộ Nam Mỹ): Brazil - Chile, Colombia - Uruguay.


Lần đầu tiên trở lại Nam Mỹ sau 36 năm và với “đất nước bóng đá” Brazil là sau 64 năm, nhưng những gì mà các tên tuổi lớn Nam Mỹ thể hiện ở vòng đấu loại trực tiếp đầu tiên là thiếu thuyết phục. Chủ nhà Brazil phải chật vật lắm mới khuất phục được Chile ở loạt sút luân lưu cân não (1 - 1 sau hiệp phụ, 3 - 2 bằng thi đá 11m). Argentina của Lionel Messi thì chỉ mở két được “nhà băng” Thụy Sỹ ở phút thứ 118 (1 - 0). Chỉ có Colombia là tạo cảm giác chắc chắn, khi đánh bại Uruguay 2 - 0, nhưng cũng một phần nhờ sự vắng mặt của “quái kiệt” Luis Suarez trong đội hình Uruguay.


Ngược lại, Costa Rica đang viết nên một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Qua mặt 3 cựu vô địch thế giới tại vòng bảng (Italy, Uruguay, Anh), “Những chàng trai” (Ticos) tới Trung Mỹ tiếp tục đánh bại nhà vô địch châu Âu 2004 Hy Lạp tại vòng 1/8. Costa Rica chính là điểm nhấn của bức tranh toàn sắc màu châu Mỹ và châu Âu tại World Cup lần này.


Châu Âu vẫn phong độ


Một phần lớn châu Âu đã bị sốc nặng ở vòng bảng World Cup 2014. Những ứng cử viên vô địch đã phải chấp nhận xách va ly về nước sớm: Nhà vô địch năm 2010 Tây Ban Nha, nhà vô địch năm 2006 Italy, Bồ Đào Nha của Quả bóng Vàng FIFA 2013 Cristiano Ronaldo, hay Anh của Wayne Rooney.


Tuy vậy, những nỗi thất vọng đó cũng được an ủi, khi số lượng đại diện của châu Âu ở vòng 1/8 là không đổi so với World Cup 2010. 4 năm trước là Đức, Anh, Hà Lan, Slovakia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Năm nay vẫn là 6 đội: Pháp, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Thụy Sỹ và Bỉ. Thậm chí, nếu như chỉ có 3 đội bóng châu Âu lọt vào vòng tứ kết tại Nam Phi (Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha), thì con số này tại Brazil là 4 (Pháp, Đức, Hà Lan và Bỉ).


Đức và Hà Lan hiện vẫn được đánh giá là những ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch năm nay, mặc dù, cũng như nhiều đội bóng khác, họ phải mướt mồ hôi mới vượt qua được vòng knock-out đầu tiên. Đức chỉ khuất phục được Algeria ở hiệp phụ (2 - 1), còn Hà Lan cũng phải chờ tới những phút cuối mới giành lại chiến thắng từ tay Mexico một cách đầy tranh cãi.


Ấn tượng mạnh nhất về bóng đá châu Âu tại giải lần này là sự hồi sinh của cả Pháp và Bỉ. Đây đều là những đội hình trẻ, đầy tài năng và khát khao chinh phục. Bù lại điểm yếu về sự từng trải, sức trẻ đã giúp Pháp đánh bại Nigeria 2 - 0 ở vòng 1/8. Tương tự như vậy, Bỉ vượt qua Mỹ 2 - 1, dù muộn màng (cả 3 bàn thắng đều được ghi ở hiệp phụ).


Niềm vui của châu Âu và châu Mỹ lại là nước mắt của châu Phi. Cách đây 4 năm, Ghana chỉ chịu thua Uruguay tại tứ kết, trong một trận đấu mà “bad boy” Luis Suarez vẫn là cái tên được chú ý nhất (chơi bóng bằng tay). Nhưng lần này, dù lần đầu tiên trong lịch sử có 2 đại diện tại vòng 1/8 (Nigeria và Algeria), lục địa đen lại hoàn toàn vắng bóng ở tứ kết.


Hiện tại, theo phân nhánh từ trước và với sự xuất hiện của 2 cặp đấu nội bộ châu Âu và Nam Mỹ tại vòng tứ kết, người hâm mộ chắc chắn sẽ được thưởng thức một cuộc đối đầu châu Âu - Nam Mỹ ở vòng bán kết. Brazil - Pháp (chung kết năm 1998) hay Brazil - Đức (chung kết năm 2002), trang sử nào sẽ được tái hiện?


Song Long