01:00 28/01/2011

Cuộc đời của “tiểu” Madoff - Kỳ I: Từ con chó bun đến “quỹ đặc biệt”

Dù chỉ “cuỗm” được 34 triệu USD từ các nhà đầu tư, một số tiền ít hơn nhiều so với "thành tích" 65 tỷ USD của “siêu lừa” Bernard Madoff, nhưng độ liều lĩnh của Kenneth Wayne McLeod, được ví như “tiểu” Madoff, không thua kém gì "bậc thầy".

Dù chỉ “cuỗm” được 34 triệu USD từ các nhà đầu tư, một số tiền ít hơn nhiều so với "thành tích" 65 tỷ USD của “siêu lừa” Bernard Madoff, nhưng độ liều lĩnh của Kenneth Wayne McLeod, được ví như “tiểu” Madoff, không thua kém gì "bậc thầy". Điều đặc biệt, các nhà đầu tư, hay nói chính xác hơn là nạn nhân của McLeod, lại toàn là các nhân viên, quan chức làm trong ngành thực thi pháp luật – những người mà lừa họ không phải là chuyện dễ.

Kỳ I: Từ con chó bun đến “quỹ đặc biệt”

Kenneth Wayne McLeod lớn lên ở thành phố Jacksonville, bang Florida (Mỹ). McLeod từng theo học trường trung học Nathan B. Forrest. Khi còn là học sinh, McLeod rất đam mê thể thao và chơi nhiều môn như bóng đá, bóng chày, bóng bầu dục…

Sau khi tốt nghiệp, McLeod làm việc cho hãng bảo hiểm Prudential ở Jacksonville. Tháng 8/1987, anh ta thành lập Công ty quản lý quỹ phúc lợi nhân viên liên bang FEBG và bỏ việc ở Prudential lần đầu, nhận một vị trí liên quan đến bảo hiểm cho một số công ty ở bang Pennsylvania và Bắc Carolina. Tháng 9 năm đó, McLeod kết hôn với Sheila. Hai vợ chồng gặp nhiều rắc rối về tiền bạc và chỉ một tháng sau khi cưới, McLeod phải tuyên bố phá sản. Theo cơ quan thuế, trong nhiều năm, doanh thu của FEBG không bù đắp nổi chi phí kinh doanh lớn.

Kenneth Wayne McLeod hồi còn ở trường trung học.


Cuộc hôn nhân không hạnh phúc và năm 1995, McLeod và vợ ly dị khi đã có với nhau 4 đứa con. Theo phán quyết của tòa, mỗi tuần McLeod phải nộp 200 USD để hỗ trợ vợ cũ nuôi con. Sau khi chia tài sản, McLeod chỉ có vài thứ đáng giá như chiếc ô tô Jeep Cherokee, cái ti vi 3.000 USD chưa thanh toán. Về cơ bản, anh ta vẫn chỉ là một gã trắng tay.

Sau khi li hôn, McLeod bắt đầu gây dựng lại FEBG. Năm 1995, FEBG đảm nhiệm bảo hiểm cho 9 công ty ở Mỹ. McLeod lại xin vào làm việc cho Prudential trong khi vẫn điều hành FEBG. Về sau, giám đốc của McLeod đề nghị anh ta chọn hoặc làm cho Prudential hoặc điều hành công ty riêng vì luật pháp không cho phép anh ta sử dụng FEBG làm công cụ tiếp cận các nhân viên chính phủ để chào hàng cho Prudential. Giám đốc của McLeod đã nhầm vì thực chất anh ta không chào hàng cho Prudential mà là tìm kiếm người đầu tư vào FEBG.

Vốn nổi tiếng là người ba hoa, McLeod có thể bịa ra nhiều chuyện để đánh bóng bản thân, từ những chuyện cỏn con nhất. Anh ta khoác lác rằng mình từng học trường đại học Georgia, có bằng của trường cao đẳng The American College, rồi từng là một điệp viên ngầm. Có lần anh ta bịa ra chuyện mình là một võ sĩ đai đen thượng đẳng. Đến chú chó bun anh ta nuôi cũng được “tôn” lên làm hậu duệ của con chó bun lấy phước của trường đại học Georgia.

Tuy nhiên, những câu chuyện thêu dệt về bản thân chưa là gì so với “thành tích” dụ dỗ 260 nhà đầu tư trên toàn nước Mỹ đầu tư tổng cộng 34 triệu USD vào cái gọi là “quỹ đặc biệt” do anh ta dựng lên trong suốt 22 năm trời.

Khi ở đỉnh cao của sự thành công có được nhờ lừa đảo, McLeod tiêu xài rất mạnh tay tại các nhà hàng bốn sao ở New York hay những khu nghỉ dưỡng xa hoa ở St. Tropez. Nhưng thú vui lớn nhất và tốn tiền nhất của McLeod vẫn là bóng bầu dục. Trong 5 năm liền, McLeod bỏ ra những khoản tiền kếch xù cho các chuyến đi xem các trận đấu giải Super Bowl - giải vô địch của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ. Mỗi chuyến đi như thế, McLeod kéo theo… 40 ông bạn thân thiết và chi khoảng 100.000 đến 200.000 USD cho tiền vé, phòng khách sạn, đi lại… Anh ta cũng là chủ xị của các buổi tiệc tùng tại mỗi trận đấu trong Super Bowl nói chung và mỗi trận đấu của đội nhà Jacksonville Jaguars nói riêng. McLeod còn tổ chức nhiều sự kiện linh đình trên chiếc du thuyền neo đậu gần ngôi nhà ven sông trị giá 1,48 triệu USD của mình. Nhờ đó, lúc nào McLeod cũng là trung tâm của sự chú ý trong các cuộc tụ tập.

Ngôi nhà ven sông trị giá 1,48 triệu USD của McLeod.


McLeod còn nổi tiếng với các khoản tiền boa rất hậu hĩnh. Cứ mỗi lần nhờ nhân viên chất gậy gôn vào giỏ, McLeod thưởng cho họ 20 USD và lại thưởng tiếp 20 USD khi họ lau gậy gôn cho anh ta. Nhân viên các nhà hàng gần nơi McLeod ở nhất trí bầu chọn anh ta là thực khách hào phóng nhất.
Khác với các nhà quản lý quỹ đầu tư hay những chuyên gia tài chính khác, McLeod không phải là người ăn mặc chỉn chu. Người ta có thể dễ dàng nhận ra anh ta với cái đầu hói, râu ria nham nhở, người đầy hình xăm trổ, cái miệng cười hết cỡ và những chiếc áo sơ mi sặc sỡ.

Nhưng đằng sau sự hào phóng đến phung phí đó là gì? Đó là một bộ mặt giả dối mà về sau những nhà đầu tư lớn nhất, những người bạn thân nhất của McLeod đã phát hiện ra. Tất cả những trò vui thú với bạn bè đều được trả bằng tiền từ “quỹ đặc biệt” của các nhà đầu tư – những người lúc nào cũng chắc mẩm mình đang đầu tư thông minh theo lời tư vấn của ông bạn vàng McLeod. Những lúc vui vẻ bên vại bia với McLeod, họ không ngờ rằng mình đã là nạn nhân của một trong những vụ lừa đảo tinh vi nhất, trơ tráo nhất ở Mỹ. Trơ tráo còn là vì “quỹ đặc biệt” dám giăng lưới những nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) hay Cục Phòng chống ma tuý (DEA) - những người mà nghề của họ là phát hiện ra sự mờ ám, gian lận.

Thùy Dương (Tổng hợp)

Kỳ II: Những cái bẫy ngọt ngào