06:22 15/06/2012

Cuộc chiến tranh truyền thông tàn bạo chống Xyri Martin Hacthoun (Tiếp theo)

Nguồn tin an ninh của Xyri tính toán rằng bên trong lãnh thổ nước này có từ 1.100 đến 1.200 lính đánh thuê người nước ngoài được huấn luyện cẩn thận làm nòng cốt và chỉ đạo các nhóm khủng bố vũ trang.

Phóng viên Martin Hacthoun của hãng thông tấn Prensa Latina, một chuyên gia về Trung Đông, từng nhiều năm tác nghiệp tại các nước trong khu vực này, đã có lần thốt lên rằng “không thể tưởng tượng nổi những điều bịa đặt, dối trá mà người ta hằng ngày viết, nói, chiếu trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới, xuyên tạc tình hình Xyri”. Báo Tin tức xin trích dịch và giới thiệu với bạn đọc bài viết mới đây của ông Martin về vấn đề này nhan đề “Xyri, mục tiêu của cuộc chiến tranh truyền thông tàn bạo nhất”.


 

Các phương tiện truyền thông phương Tây thường ỉm đi những thông tin bất lợi cho họ.

 

Nguồn tin an ninh của Xyri tính toán rằng bên trong lãnh thổ nước này có từ 1.100 đến 1.200 lính đánh thuê người nước ngoài được huấn luyện cẩn thận làm nòng cốt và chỉ đạo các nhóm khủng bố vũ trang.


Tóm lại, kế hoạch bao gồm hai phần thực hiện cùng một lúc: đưa các thông tin bịa đặt tràn ngập các phương tiện truyền thông, mặt khác ngăn chặn khả năng đáp trả của các kênh truyền thông Xyri.


Thực tế, các phương tiện truyền thông giờ đây không chỉ ủng hộ chiến tranh mà họ còn tiến hành chiến tranh và ỉm đi những hậu quả không có lợi. Ví dụ, một phóng viên ảnh vừa thăm Libi cho tôi biết, hiện tại Libi đang chìm sâu trong sự hỗn loạn, không còn luật pháp trật tự, các dịch vụ công cũng không hoạt động, nhưng không thấy truyền thông phương Tây đề cập. Các kênh Al - Jazeera, Al - Arabia và các đài truyền hình phương Tây cũng không mô tả nỗi thống khổ mà người dân Baranh đang gặp phải. Đất nước vùng Vịnh này đang nằm dưới sự chiếm đóng của Arập Xêút. Nước này cũng không che giấu ý định sáp nhập vương quốc nhỏ bé Baranh.


Chiến dịch truyền thông qui mô lớn chống lại Xyri được ấp ủ từ nhiều tháng trước song Hội đồng an ninh Quốc gia Mỹ quyết định đẩy nó lên một bước mới sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo với Nhà Trắng rằng nước Nga sẽ chống lại bằng vũ lực tất cả những ý định can thiệp bất hợp pháp của NATO chống lại Xyri. Ông Putin cũng tỏ thái độ dứt khoát rằng đối với Mátxcơva, Xyri là một ranh giới đỏ mà phương Tây không được bước qua. Trung Quốc cũng ủng hộ quan điểm này.


Có những tiền lệ và bằng chứng cho thấy truyền thông đã được sử dụng làm công cụ để đạt được những mục tiêu chính trị. Năm 2004, chính thượng nghị sĩ Gary Hart, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, nạn nhân của chiến dịch truyền thông, đã xuất bản tiểu luận: “Báo chí; quyền lực thứ 4. Chiến lược của Mỹ trong thế kỷ 21. Trong đó ông này chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông là một vũ khí mới, cũng lợi hại đối với quốc phòng, an ninh quốc gia và bảo vệ những lợi ích của Mỹ trên thế giới không kém gì sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế.


Việc ngăn chặn các kênh truyền hình vệ tinh để phát động và chỉ đạo chiến tranh không phải là hành động gì mới, ông Meyssan cho biết. Dưới sức ép của Ixraen, Mỹ và Liên minh châu Âu, người ta đã cấm các kênh truyền hình Libăng, Palextin, Irắc, Libi và Iran, trong khi các kênh truyền hình từ các vùng khác trên thế giới lại không bị cấm như vậy.


Việc đưa thông tin sai lệch trong nghệ thuật tuyên truyền với mục tiêu nhất định cũng không phải là mới:


- Năm 1994, đài Phát thanh tự do Mille Collines (RTML), một đài phát nhạc pop, đã phát tín hiệu dẫn đến cuộc thảm sát ở Xuđăng khi kêu gọi “Diệt gián!”;


- Năm 2001, NATO đã sử dụng báo chí để tuyên truyền về vụ khủng bố ngày 11/9/2001 và biện bạch cho các cuộc tấn công của Mỹ vào Ápganixtan và Irắc. Hồi đó, theo lệnh của chính quyền Bush con, Ben Rhodes đã soạn thảo báo cáo của Ủy ban Kean Hamilton về vụ khủng bố này.


- Năm 2002, CIA đã sử dụng 5 kênh truyền hình (Televen, Globovision, Meridiano, ValeTV và CMT) để làm công chúng có cảm giác là chính các cuộc biểu tình lớn đã buộc vị Tổng thống được bầu một cách dân chủ ở Vênêxuela, Hugo Chavez, phải từ chức, trong khi thực tế ông này là nạn nhân của một cuộc đảo chính quân sự bất thành.


- Năm 2011, France 24 của Pháp có vai trò như một bộ thông tin trong Hội đồng Dân tộc Libi, thậm chí đài này còn được ràng buộc bằng hợp đồng. Trong trận chiến Tripôli, NATO đã cho thu hình trong trường quay và phát sóng trên kênh Al - Arabia và Al - Jazeera hình ảnh cho thấy quân nổi dậy đã tiến vào quảng trường chính của thủ đô trong khi trên thực tế, lực lượng này còn ở cách xa thành phố. Người dân sau khi thấy những hình này tưởng rằng cuộc chiến đã kết thúc liền ngừng kháng cự.


Trong trường hợp của Xyri, thông tin lên án chính phủ và lực lượng chính phủ gây ra các vụ thảm sát ở Houla, Karn al - Zeytoun, Karn al - Loutz và các nơi khác đã được tung ra trước cuộc họp của Hội đồng bảo an LHQ hay trước khi đặc phái viên Kofi Annan đến Đamát. Vậy những vụ thảm sát này có lợi cho ai? Cho chính phủ Xyri chắc? Thật đáng ngờ.


Một câu hỏi khác: Nếu chính phủ Xyri thực sự là khát máu như vậy thì, theo tính toán tình báo, sẽ sụp đổ không phương cứu chữa nếu chỉ cần một phần năm hay một phần sáu dân chúng Xyri nổi dậy; vậy thì cần gì phải tung tin dối trá nhiều như vậy?


Tất cả sự xuyên tạc này cho thấy chính phủ Xyri không hề đàn áp như người ta tuyên truyền. Phần đông người dân Xyri cũng không chống lại chính phủ của họ như người ta rêu rao. Và cho đến bây giờ, chế độ của al - Assad chưa sụp đổ là vì nó được đại đa số nhân dân và lực lượng vũ trang Xyri ủng hộ.
Ngoài ra, ông Meyssan còn chỉ ra rằng chiến dịch truyền thông chống Xyri này vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, mà trước tiên là điều 19 trong Tuyên ngôn về Nhân quyền, trong đó qui định quyền được tiếp nhận thông tin và ý kiến và phát tán những thông tin, ý kiến này mà không bị ngăn chặn bởi bất kì phương tiện nào.


Quan trọng hơn, nó còn vi phạm các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ được thông qua sau Thế chiến thứ 2 để phòng ngừa chiến tranh. Các nghị quyết 110, 381 và 819 “cấm đặt ra rào cản đối với việc tự do trao đổi thông tin và ý tưởng”, trong trường hợp này là việc phong tỏa các kênh truyền hình Xyri. Các nghị quyết này còn qui định cấm “tuyên truyền nhằm gây ra hoặc khuyến khích bất kỳ mối đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hay xâm lược”.


Về luật pháp mà nói, sự tuyên truyền cho chiến tranh là một tội ác chống lại hòa bình. Thậm chí đó là tội ác nghiêm trọng nhất bởi nó tạo điều kiện cho tội ác chiến tranh và diệt chủng như đã xảy ra trong lịch sử đương đại.

(Phóng viên Prensa Latina tại Xyri) Mai Hương - Hồng Quân (trích dịch)