05:22 12/05/2011

Cuộc chiến tranh kênh đào Suez - Kỳ cuối: Cuộc khủng hoảng Suez và mầm mống của EU

Vậy đâu là lý do để Pháp suy tính và dám thực hiện cuộc phiêu lưu ở kênh đào Suez? Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Guy Mollet đã tin tưởng chắc chắn rằng các cuộc nổi dậy ở Angiêri được Ai Cập trực tiếp điều khiển...

Thủ tướng Đức Konrad Adenauer, người đã thể hiện tình đoàn kết với Pháp trong cuộc khủng hoảng Suez và chủ trương hợp nhất châu Âu.

Vậy đâu là lý do để Pháp suy tính và dám thực hiện cuộc phiêu lưu ở kênh đào Suez? Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Guy Mollet đã tin tưởng chắc chắn rằng các cuộc nổi dậy ở Angiêri được Ai Cập trực tiếp điều khiển, vì vậy một chiến thắng trước Nasser sẽ kéo theo chiến thắng trước phong trào độc lập của Angiêri.

Hai cường quốc thực dân Anh và Pháp đã chuyển sang thế phòng ngự. Sau năm 1958, Charles de Gaulle nhờ theo đuổi với một chính sách đối ngoại hướng tới độc lập dân tộc “Từ Đại Tây Dương tới dãy Ural” tạo ra một khoảng cách với Mỹ mới thoát ra được tình trạng này. Những ai muốn hiểu được lập trường chống Mỹ của nền đệ Ngũ Cộng hòa Pháp và biểu hiện lỏng lẻo của liên minh phương Tây trong những năm 1960 mà Pháp phải chịu trách nhiệm, sẽ phải tìm kiếm nguồn gốc của nó từ cuộc khủng hoảng kênh đào Suez.

Lễ ký Hiệp ước Rôma về thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu ngày 27/3/1957, nền tảng của Liên minh châu Âu ngày nay.

Từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô luôn tìm cách củng cố khu vực ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, đứng trước tiềm năng vũ khí hạt nhân và nguy cơ đe dọa đối với Trái đất, tại Hội nghị thượng đỉnh và Hội nghị Ngoại trưởng Xô - Mỹ tháng 10 và 11 năm 1955 tại Geneva, mặc dù không đạt được thỏa thuận giải trừ quân bị, nhưng hai bên cam kết sẵn sàng hợp tác và được các nhà quan sát gọi là “Tinh thần Geneva” trên cơ sở cùng tồn tại hòa bình giữa các chế độ xã hội khác nhau.

Ý chí hướng tới hòa dịu này có thể giải thích cho lập trường của Mỹ khi gây sức ép với Pháp và Anh, thông qua việc bỏ phiếu ở LHQ cũng như những biện pháp trừng phạt tài chính và thương mại để buộc hai nước này ngừng bắn. Việc gây áp lực của Mỹ đối với hai nước đồng minh đã nhận được sự ủng hộ của Liên Xô, nước đã gián tiếp đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu hai nước này không ngừng cuộc chiến chống Ai Cập. Trước bối cảnh như vậy, hai cường quốc thực dân châu Âu là Pháp và Anh không có sự lựa chọn nào khác là phải rút quân. Họ đã phải nhận ra rằng giới hạn trong trò chơi quyền lực giữa Đông và Tây đã trở nên eo hẹp như thế nào.

Trong khi chính phủ Pháp ngày 6/11/1956 thảo luận về tối hậu thư, thì Thủ tướng Đức Konrad Adenauer tới thăm Pari. Chuyến thăm đã được thỏa thuận từ tháng 9, nhưng đứng trước cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, nhiều người ở Bonn đã khuyên Thủ tướng Adenauer nên hoãn cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Pháp Guy Mollet. Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Thủ tướng nên hoãn chuyến đi và nên có lập trường trung lập để tránh đẩy các nước Arập vào vòng tay của CHDC Đức. Nhưng Adenauer đã tỏ ra xa lánh Mỹ và chỉ trích nước này thỏa thuận với Liên Xô về việc chia thế giới thành hai khu vực ảnh hưởng của mình. Adenauer đặt cược vào quân bài châu Âu và sử dụng cuộc khủng hoảng kênh đào Suez để cùng với Pháp tăng cường sự hội nhập châu Âu.

Dư luận Pháp đánh giá rất cao Thủ tướng Đức Adenauer vì ông đã thể hiện tình đoàn kết và vai trò đồng minh đối với chính phủ Pháp khi họ rơi vào thế phòng ngự về ngoại giao. Trong các cuộc hội đàm, Mollet và Adenauer đã tỏ ra cay đắng vì sự bất lực của châu Âu và cam kết thúc đẩy sự hợp nhất cộng đồng châu Âu khi đó mới có 6 thành viên. Thêm vào đó, việc phong tỏa kênh đào Suez và việc vận chuyển dầu mỏ tới châu Âu gặp khó khăn đã thúc đẩy các chính khách ở châu Âu khuyến khích việc phát triển những nguồn năng lượng mới. Những sáng kiến này đã dẫn tới việc ký kết thành lập Cộng đồng nguyên tử châu Âu (EURATOM) ngày 25/3/1957.

Còn ngoạn mục hơn nữa là sự thống nhất giữa Pháp, CHLB Đức và Italia sau lưng Anh và Mỹ về việc xây dựng một tiềm năng vũ khí hạt nhân châu Âu, được suy tính không chỉ là một phương tiện gây áp lực đối với Mỹ, mà đối với nhiều chính khách trong ba quốc gia này còn vì mục đích tự thân. Điều đó cũng ám chỉ ý muốn của Adenauer có được sự tham gia vào vũ khí hạt nhân. Còn rõ hơn nữa, khi Mollet và Adenauer nhất trí được với nhau về một lộ trình đi tới một thị trường chung châu Âu. Vì vậy, cuộc khủng hoảng kênh đào Suez không chỉ có ý nghĩa là một chặng quan trọng trên con đường xích lại gần nhau giữa Đức và Pháp, mà còn là nỗ lực nhất thể hóa ở Tây Âu và dẫn tới việc ký Hiệp ước Rôma ngày 27/3/1957, một chặng đường quan trọng đi tới Liên minh châu Âu ngày nay.

Vũ Long (tổng hợp theo báo chí Đức)