10:14 09/10/2014

Cuộc chiến sống còn của người Kurd tại Kobane

Gần 2 tuần sau khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công Kobane, lát cắt chính trị tại Bắc Syria đã bắt đầu thay đổi. Thành phố chiến lược chỉ cách Aleppo 160km và ngay sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ có thể được Thổ Nhĩ Kỳ hoặc đồng minh “vẽ lại”.

Gần 2 tuần sau khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công Kobane, lát cắt chính trị tại Bắc Syria đã bắt đầu thay đổi. Thành phố chiến lược chỉ cách Aleppo 160km và ngay sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ được Ankara hoặc đồng minh “vẽ lại”, còn với người Kurd, họ không có lựa chọn nào khác trong cuộc chiến tại Kobane.

Xe bọc thép của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại thị trấn Suruc gần Kobane, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Syria. Ảnh: AFP-TTXVN


Kobane là thành phố nằm bên tả ngạn dòng Euphrates, là một phần của tỉnh Aleppo, phía Bắc Syria, hiện có khoảng 440 ngôi làng nhỏ với 300.000 dân, đa số là người Kurd Sunni.


Về khía cạnh chính trị, người dân Kobane chủ yếu theo tư tưởng cánh tả và có rất nhiều người đi theo PKK. Từ tháng 1/2014, người Kurd đã thiết lập một hệ thống tự trị trong khu vực này và đang ra sức chiến đấu để chống lại cuộc “xâm lược” của IS.

Kobane
hiện đang phải đối mặt với 2 kịch bản đối lập nhau, một là trở thành vùng đệm mà Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn thiết lập tại Bắc Syria, hai là thành lập một khu vực tự trị người Kurd, tương tự như khu tự trị tại Iraq. Song có một kịch bản thứ ba đó là nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ cộng đồng quốc tế, khu vực này sẽ không còn một bóng dáng người Kurd.

Ngày 8/10, Lầu Năm Góc thừa nhận các cuộc không kích sẽ không thể ngăn được IS tiến vào Kobane và khả năng thành phố này sẽ thất thủ. Một số quan chức Mỹ cấp cao đồng thời đánh giá thấp mức độ quan trọng của Kobane, cho rằng thị trấn này không phải mối lo chính của Mỹ. Mỹ cũng khẳng định không kích thôi là không đủ để tiêu diệt IS.

Trong khi đó, cùng ngày, các ngoại trưởng của Mỹ và Anh cho biết hai nước này sẵn sàng “xem xét” ý tưởng thiết lập một vùng đệm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Đang có ý tưởng về việc thiết lập một vùng đệm. Nó đáng được xem xét và nghiên cứu rất kỹ lưỡng”. Tuyên bố này dường như là sự đảo ngược lập trường của Mỹ, đánh dấu sự thay đổi đáng kể vể khả năng can dự quân sự của Mỹ trong khu vực.

Còn đối với IS, Kobane có ý nghĩa đặc biệt. Từ lâu, khu vực tự trị của người Kurd là một rào cản lớn cho giấc mộng “caliphate” (nhà nước Hồi giáo) của IS. Do vậy, ngoài các mục tiêu chính trị, cuộc chiến tại Kobane thực sự là một cuộc chiến của hệ tư tưởng. Kế hoạch xây dựng Vương quốc Hồi giáo mà IS đang cố áp đặt lên các vùng lãnh thổ tại Syria xung đột với tham vọng xây dựng khu vực tự trị của những người Kurd. Điều này đã đưa cuộc chiến tại Bắc Syria trở thành “chiến trường giữa hai lý tưởng đối lập”. Còn với các chiến binh người Kurd, cuộc chiến Kobane là cuộc chiến có ý nghĩa sống còn.

Đối mặt với cuộc tấn công của nhóm khủng bố, người Kurd tại Kobane cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang ngầm ủng hộ IS tiêu diệt họ. Một thủ lĩnh người Kurd nói: “Mục tiêu của IS và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau. Sự hiện diện của một khu tự trị của người Kurd trên vùng biên giới phía nam được Đảng Công nhân người Kurd (PKK) chống lưng sẽ là một sự đe dọa đối với Ankara”.

Nữ binh người Kurd chiến đấu bảo vệ Kobane.


Khi được hỏi về lý do của việc quốc tế không “mặn mà” với Kobane, không giống như việc đã giải cứu khu vực người Kurd tại Iraq, Idris Nahsan, trợ lý cho người phụ trách về ngoại giao của Kobane nói: “Chính phủ Khu vực người Kurd Iraq tuân theo ý nguyện của quốc tế và hợp tác với Phương Tây để đạt được lợi ích cho Phương Tây. Vì vậy, họ đã tới để bảo vệ khu vực nhiều tài nguyên giàu mỏ này tại Iraq”.

Nahsan cho biết thêm, “tình hình tại Kobane là hoàn toàn khác. Chúng tôi khao khát độc lập, bảo vệ lựa chọn và quyết định đó của mình. Điều này đi ngược lại các lợi ích của Phương Tây, chúng tôi đang cản bước họ. Đó là lý do tại sao họ phó mặc các cuộc chiến tại đây cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tuy nhiên, đánh giá về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chiến chống IS, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế nhận định Ankara ít có khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự thực sự nhằm vào tổ chức này. Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria chỉ là thiết lập một vùng cấm bay, một vùng đệm an toàn ở Syria và kiểm soát lực lượng phiến quân Quân đội Syria Tự do (FSA).

Ngày 2/10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua nghị quyết cho phép quân đội nước này triển khai binh sỹ tới Iraq và Syria, đồng thời cho phép quân đội nước ngoài sử dụng được lãnh thổ để thực hiện các chiến dịch chống khủng bố. Tuy nhiên, đảng đối lập chính Nhân dân Cộng hòa (CHP) đã nghi ngờ về ý định thực sự của chính phủ trong cuộc chiến chống IS.


Thái Nguyễn