10:19 17/10/2014

Cuộc chiến Kobane định hình xung đột Trung Đông?

"Nhà nước Hồi giáo" (IS) đang tự nhận là một tổ chức Hồi giáo lớn nhất, tàn bạo nhất và thành công nhất thế giới. Để đạt được những mục tiêu, IS đang kết hợp hai loại "vũ khí" mạnh nhất của thế giới Arập là tôn giáo và dầu mỏ.

"Nhà nước Hồi giáo" (IS) đang tự nhận là một tổ chức Hồi giáo lớn nhất, tàn bạo nhất và thành công nhất thế giới. Để đạt được những mục tiêu, IS đang kết hợp hai loại "vũ khí" mạnh nhất của thế giới Arập là tôn giáo và dầu mỏ.

Khói bốc lên sau cuộc oanh tạc của liên quân gần thị trấn Kobane.


Trong khi tôn giáo đang giúp IS chiêu mộ các tay súng cực đoan thì tiền thu từ dầu mỏ được tổ chức khủng bố này dùng để mua vũ khí và xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc cho các tham vọng của chúng. Cách IS diễn giải Hồi giáo khác xa với ý nghĩa thực sự của đạo Hồi. Các thông lệ hoạt động của tổ chức này, gồm cả bắt cóc và tống tiền, cũng khác xa thực tế của các hoạt động Hồi giáo.

Sau khi củng cố các phần lãnh thổ đã chiếm được, IS lại đang bắt đầu cho một chiến dịch mở rộng lãnh thổ mới, trong khi Mỹ và các đồng minh vẫn đang tiến hành các cuộc không kích nhằm làm tê liệt hoạt động của các phần tử thánh chiến Hồi giáo.

Có thể nói, nhóm khủng bố này đang trong thời điểm quan trọng, khi phải tìm cách chứng tỏ với những kẻ dưới trướng và các đối tượng tuyển dụng tiềm năng rằng chúng hoàn toàn có thể chịu đựng được chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu với sự hỗ trợ của nhiều đồng minh Arập, châu Âu và thậm chí còn tiếp tục phát triển mạnh.

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Kobane là cuộc chiến "quan hệ công chúng". Giới phân tích cho rằng kết quả của cuộc chiến này rất có thể sẽ định hình tương lai của cuộc xung đột Trung Đông hiện nay. Theo một cách nào đó, Kobane là đại diện thu nhỏ của sự phức tạp trong hoạt động chính trị tại Trung Đông. Các đồng minh không phải là các đồng minh như họ đã từng trước đây và những kẻ thù cũng vậy. Trung Đông luôn là một khu vực xung đột, nhưng trước đây vẫn còn có một số "lan can chính trị".

Cán cân quyền lực vô hình, từng tồn tại giữa các nước ủng hộ Mỹ và các nước ủng hộ Liên Xô trước đây, đã tạo cho khu vực một sự ổn định nhất định trong bối cảnh bất ổn chung. Kobane, một thị trấn nhỏ nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, đang nằm rất gần tâm bão. Thị trấn này đang được những người Kurd Iraq bảo vệ - những người được các đồng minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ - hứa hẹn hỗ trợ.

Tuy nhiên, một trong những điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để tham gia giúp đỡ liên minh chống IS là liên minh này không được giúp đỡ những người Kurd quá nhiều.

Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với những khó khăn nảy sinh từ cộng đồng người Kurd và Ankara đã liệt Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vào danh sách tổ chức khủng bố. Trong khi đó, giới chức Mỹ dường như đang chia rẽ về cách thức tiếp tục chiến dịch tại Kobane. Một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố rằng họ không xem Kobane là điểm "chiến lược".

James Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ tại Iraq, cho rằng việc không coi Kobane là chiến trường quan trọng thực sự là điều sai lầm. Ông Jeffrey nói: "Nếu các đồng minh để mất Kobane vào tay IS, điều đó sẽ phát đi thông điệp gì đối với các chính quyền trong khu vực về sự kiên định của Mỹ?".

Theo ông Jeffrey, những người Kurd đang chiến đấu để giữ cho Kobane không rơi vào tay IS cũng có nghĩa rằng họ đang chiến đấu vì nước Mỹ IS đang rất cần một chiến thắng, ít nhất là một thắng lợi về mặt "quan hệ công chúng". Không phải vô tình mà IS đặt mục tiêu bao vây Baghdad và nếu như chúng có thể đến được vùng ngoại ô xa nhất của thủ đô Iraq, thì đó sẽ là một chiến thắng rất đáng kể.


Dương Hoa
(Theo mạng tin "Oil price")