04:00 21/04/2012

Cuộc chiến chống sốt rét bằng muỗi biến đổi gien

Một con muỗi cái bay nặng nề với cái bụng căng tròn máu sau một bữa ăn no. Lúc này là vào giữa trưa và lũ muỗi biến đổi gien đang được ăn trưa. Hàng ngàn con muỗi Anophen cái bâu quanh những đĩa nhựa nhỏ đựng dung dịch đường hoặc đậu trên một lớp nhựa mỏng trong suốt gắn vào nóc lồng.

Một con muỗi cái bay nặng nề với cái bụng căng tròn máu sau một bữa ăn no. Lúc này là vào giữa trưa và lũ muỗi biến đổi gien đang được ăn trưa. Hàng ngàn con muỗi Anophen cái bâu quanh những đĩa nhựa nhỏ đựng dung dịch đường hoặc đậu trên một lớp nhựa mỏng trong suốt gắn vào nóc lồng.

Nhà máy nuôi muỗi biến đổi gien của công ty Oxitec. ảnh: internet


Miếng nhựa được làm giống da người và động vật. Giữa miếng nhựa là một màng mỏng đựng máu ngựa. Có hàng trăm ngàn con muỗi như thế được nuôi nhốt trong các giá phòng thí nghiệm ở khu công nghiệp Oxfordshire ở phía nam nước Anh.

Trong không khí ấm áp và vương vất mùi hóa chất, các hộp nhựa và thủy tinh đựng hàng ngàn con muỗi khác đang đẻ trứng trên mặt nước màu vàng nhờ nhờ. Chúng nhung nhúc và bay loạn xạ mỗi khi có ai đó đặt tay trên chiếc hộp. Trên cái dải giấy màu nâu bên trong các hộp nhựa, hàng ngàn quả trứng muỗi bé li ti dính chặt vào nhau.

Ông Hadyn Parry giới thiệu: “Đây là nhà máy nuôi muỗi của chúng tôi. Ở đây chúng tôi tìm cách kiểm soát quá trình sinh sản của muỗi”. Ông Parry là giám đốc điều hành của Oxitec – một công ty nghiên cứu sinh học ở Anh tiên phong trong những phương pháp mới nhất nhằm kiểm soát các loại côn trùng phá hoại mùa màng và truyền dịch bệnh.

Giảm muỗi bằng muỗi

Làm việc cùng ông Parry là nhà động vật học Luke Alphey. Họ đang phát triển một phương pháp mới đấu tranh với một trong những sát thủ nguy hiểm nhất mà nhân loại từng được biết tới: bệnh sốt rét.

Ông Parry và Tiến sĩ Alphey muốn đưa loại muỗi biến đổi gien này vào môi trường để tăng số lượng muỗi không thể truyền bệnh sốt rét và giảm đáng kể lượng muỗi trong tự nhiên.

Thoạt đầu, cụm từ biến đổi gien có thể khiến nhiều người giật mình. Nhưng ông Parry khẳng định muỗi biến đổi gien có thể là một khái niệm lạ và hiếm gặp.

Trong phòng thí nghiệm ở Oxfordshire, công ty Oxitec dùng công nghệ biến đổi gien để khiến muỗi không thể trở thành vật lây truyền bệnh sốt rét.

Đây là một vấn đề cấp thiết khi chúng ta đang phải đối mặt với một thực trạng là cứ mỗi phút có một trẻ em châu Phi chết vì sốt rét. Theo báo cáo về bệnh sốt rét của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới có khoảng 216 triệu ca bệnh sốt rét mỗi năm. Căn bệnh này cướp đi sinh mạng của 655.000 người năm 2010.

Số liệu mới công bố tháng 2/2012 của Viện nghiên cứu và đánh giá y tế thuộc trường Đại học Oasinhtơn cho rằng số người chết thật sự có thể tăng gấp đôi, trong đó hơn 40% ca là trẻ em lớn và người trưởng thành.

Căn bệnh này thực sự rất “dễ tính”. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm bệnh dễ dàng nếu đến thăm khu vực sốt rét ở khu vực Tây Phi và châu Á.

Trước đó, phương pháp dùng muỗi biến đổi gien đã được công ty Oxitec thử nghiệm cách đây hai năm ở đảo Grand Cayman ngoài khơi Caribê. Trong chuyến đi đó, Tiến sĩ Alphey và nhân viên mang theo 20 triệu quả trứng muỗi biến đổi gien, đủ để đựng đầy một tách cà phê loại trung bình.

Mục tiêu của họ là đàn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở Grand Cayman. Trứng muỗi đã được biến đổi gien ở Anh để khi nở ra, các con đực sẽ bị vô sinh và không thể thụ tinh với muỗi cái trong môi trường hoang dã ở đảo Grand Cayman.

Khi muỗi cái đẻ trứng, nó cần thêm protein từ máu động vật. Nếu cơ thể động vật nó hút máu mang ký sinh trùng gây bệnh sốt rét Plasmodium, con muỗi đó cũng sẽ mang trong mình ký sinh trùng này rồi lây truyền khi nó đốt các con vật hay người khác. Trong khi đó, con đực không thể đốt người và động vật.

Trứng biến đổi gien được ấp trong một cơ sở trên đảo và sau đó đàn muỗi mới nở được thả vào khu vực thử nghiệm rộng 40 mẫu ở ngoại ô thủ phủ đảo. Mục tiêu là để giảm lượng muỗi truyền sốt xuất huyết.

Muỗi biến đổi gien được thả ra môi trường từ tháng 7/2010. Đến tháng 8, lượng muỗi đã giảm mạnh. Đến tháng 10, ước tính đàn muỗi cái trên đảo giảm 80%.

Trên nghiên cứu và cả thực nghiệm, dự án của công ty Oxitec trên đảo Grand Cayman có kết quả rất hứa hẹn. Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm với quy mô nhỏ hơn nhưng cũng thành công không kém ở Malaixia. Họ đang phối hợp với chính phủ Braxin để thả muỗi ở đất nước này.

Dự kiến, muỗi biến đổi gien có thể được thả ở Florida Keys (đông nam nước Mỹ) năm 2012 và trên toàn châu Phi trong vòng 3 năm tới.

Thùy Dương (theo Daily Mail)