06:09 27/06/2011

Cuộc chiến cạnh tranh giành thị phần bán lẻ điện máy

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều trung tâm, cửa hàng điện máy đã phải tung ra nhiều chiêu khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm điện máy của người dân dang dần bão hòa, vì thế thị trường bán lẻ này buộc phải bước vào cuộc chiến cạnh tranh giành thị phần.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều trung tâm, cửa hàng điện máy đã phải tung ra nhiều chiêu khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm điện máy của người dân dang dần bão hòa, vì thế thị trường bán lẻ này buộc phải bước vào cuộc chiến cạnh tranh giành thị phần.

Sức mua giảm mạnh

Theo giới kinh doanh điện máy TP Hồ Chí Minh (TP.HCM), mức giá các mặt hàng điện tử tăng nhanh vì phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc cân đối giá bán của các trung tâm, cửa hàng điện máy. Vì thế, các nhà bán lẻ điện máy đang trải qua một giai đoạn kinh doanh rất khó khăn, sức mua giảm mạnh, có thể giảm đến hơn 60%. Bằng chứng là số lượng hàng mà các đại lý lấy từ công ty nhập khẩu giảm rõ rệt từ đầu năm đến nay. Mặt khác, sức mua giảm còn do nhu cầu mua sắm điện máy của người dân cũng đang dần bão hòa và nhiều dự án cũng đang cắt giảm chi tiêu do tình hình kinh tế khó khăn.

Giới kinh doanh còn thêm khó khăn do đã trót ôm hàng nhiều từ đầu vụ do dự báo sai tình hình thời tiết. Chưa kể, nhiều cửa hàng, trung tâm điện máy tại TP.HCM vẫn mở thêm chi nhánh để được mở rộng thị trường, khiến cuộc cạnh tranh thị phần điện máy càng trở nên khốc liệt. Ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc của dienmay.com (vừa đổi tên từ thegioidientu.com) thừa nhận: Ngày 16/6 vừa qua, Công ty cổ phần Thế giới di động đã khai trương thêm siêu thị điện máy thứ 2 tại Biên Hòa -Đồng Nai, sau chưa đầy 6 tháng (ngày 22/12/2010) khai trương một siêu thị điện máy rộng đến 1.300 m2 tại quận Bình Thạnh, TP.HCM.Tuy nhiên, trong tình cảnh người dân mua sắm ít mà các siêu thị, trung tâm điện máy lại mọc lên nhiều khiến việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn.

Chỉ sau 1 năm hoạt động, WonderBuy lỗ 52 tỉ đồng, buộc phải đóng cửa và tuyên bố phá sản.


Trước tình hình trên, giới kinh doanh điện máy nhận định mùa kinh doanh hè 2011 sẽ không dễ dàng, sức cạnh tranh rất cao khi người dân hạn chế chi tiêu. Chính vì thế, nhiều khả năng trên thị trường sẽ đón những trận “bão” khuyến mãi với đủ chiêu thức của các trung tâm điện máy cũng như của nhà sản xuất để thu hút khách hàng như: Rút thăm trúng thưởng, đấu giá, bán hàng giá sốc...

Thị trường sẽ có sự sàng lọc

Ông Bùi Tấn Cường – Phó Giám đốc kinh doanh của trung tâm điện máy nội thất Thiên Hòa, cho biết: “Hiện, mãi lực bán hàng không tăng so với cùng kỳ năm ngoái là người dùng thắt chặt chi tiêu”. Cũng theo ông Cường, đây có thể xem là giai đoạn thử thách cho các siêu thị, trung tâm điện máy. Doanh nghiệp nào không đủ sức cạnh tranh sẽ có nguy cơ bị “đánh” bật khỏi thị trường.

Có thể thấy, sự phá sản của Siêu thị điện máy WonderBuy chỉ trong vòng 1 năm hoạt động là một trường hợp điển hình. Mặc dù từ tháng 3/2011, Wonderbuy đưa ra chương trình khuyến mãi “bán hàng kiểu Mỹ”, hoàn trả hết tiền sau 3 năm mua hàng. Thế nhưng ngày 24/5 vừa qua, WonderBuy đã nộp đơn ra tòa xin tuyên bố phá sản do kinh doanh thua lỗ đến 52 tỉ đồng. Ông Phan Thanh Hà, Tổng giám đốc WonderBuy cho biết, công ty còn nợ 2 tháng tiền thuê mặt bằng, chi phí điện nước và đầu tư thang cuốn, tổng cộng hơn 11,54 tỷ đồng.

Đây là siêu thị điện máy đầu tiên tại TP.HCM phá sản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh điện máy lo ngại, sau WonderBuy, sẽ có thêm một vài cái tên nữa biến mất, nhất là các DN nhỏ. Theo lý giải của một đơn vị nhập khẩu điện máy, các cửa hàng, công ty nhỏ có doanh số ít nên không thể có mối quan hệ khăng khít với các công ty thương mại, để từ đó có thể được hỗ trợ bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá… Trong khi đó, các chương trình khuyến mãi chỉ ưu tiên hàng đầu cho các đại lý có doanh số lớn. Vì vậy, những nhà cung cấp mới tham gia thị trường, không nhiều kinh nghiệm về bán hàng, dịch vụ… sẽ là đối tượng dễ bị sàng lọc nhất.

Tuy nhiên, ông Huân - dienmay.com cho rằng, đây mới chỉ là sự bắt đầu, cuộc sàng lọc thật sự sẽ diễn ra trong vòng 2 - 3 năm tới. Do đó, trong thời điểm này, những doanh nghiệp nào đưa đến cho người tiêu dùng những chính sách bán hàng, hậu mãi tốt nhất bên cạnh tiềm lực tài chính, sẽ là người sống sót sau đợt sàng lọc này. Theo đó DN cần quan tâm đầu tư cho dịch vụ trước và sau bán hàng để ngày càng chuyên nghiệp hơn, tìm kiếm những mô hình bán hàng mới mang đến những tiện ích cho người tiêu dùng.

Hải Yên