04:19 29/04/2011

Cùng người Anh đón “Đám cưới Hoàng gia”

Hàng trăm ngàn người dân từ khắp nơi ở nước Anh và trên thế giới đã đổ về thủ đô Luân Đôn để chào đón “Đám cưới Hoàng gia” giữa Hoàng tử Anh William và vị hôn thê Kate Middleton.

Ngày 29/4, hàng trăm ngàn người dân từ khắp nơi ở nước Anh và trên thế giới đã đổ về thủ đô Luân Đôn để chào đón “Đám cưới Hoàng gia” giữa Hoàng tử Anh William và vị hôn thê Kate Middleton. Phóng viên TTXVN tại Anh có mặt để ghi nhận bầu không khí lễ hội của một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử nước này.

Chú rể William trao nhẫn cưới cho cô dâu Kate. Ảnh: AFP/TTXVN


Cảm giác đầu tiên của chúng tôi là dường như thủ đô Luân Đôn hôm nay đã trở thành một thánh địa hút dòng người hành hương từ khắp nơi lũ lượt đổ về. Nhiều người ở xa tới đây bằng ô tô. Nhưng vào gần đến khu Tu viện Abbey, Cung điện Buckingham, Quảng trường Trafalgar, phố The Mall... tất cả đều phải dừng lại. Cả một khu vực trải dài từ quận Lambeth tới khu Piccadilly, bao bọc dòng sông Thames thơ mộng, cảnh sát cấm xe từ 4 giờ sáng để đảm bảo cho lượng du khách khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn người có thể tiếp cận các khu vực nơi sẽ diễn ra những nghi thức chính.

Dọc theo con phố The Mall chạy thẳng từ Cung điện Buckingham tới Quảng trường Trafalgar rặt một sắc đỏ tươi của những lá cờ Anh giăng ngang thành chuỗi hoặc bay phấp phới trên những cột đèn. Chúng tôi đến chân tháp Big Ben lúc 8 giờ sáng, khi chỉ còn 15 phút nữa là các quan khách bắt đầu hiện diện ở Tu viện Westminster cách đó vài trăm mét – nơi hôn lễ sẽ được cử hành chính thức. Chiếc đồng hồ Big Ben hơn 150 tuổi thong thả đếm những giờ khắc cuối cùng trước sự kiện lớn. Nhiều người dân Luân Đôn nói rằng đây là lần đầu tiên trong đời họ được chứng kiến một bầu không khí lễ hội tưng bừng và náo nhiệt đến thế.


 

Cô dâu và chú rể trên cỗ xe cưới State Landau 1902 trong sự hân hoan của dân chúng. Ảnh: AFP/TTXVN


Phía trước Tu viện Westminster cổ kính gần 1.000 năm tuổi hầu như không còn một chỗ trống để len chân. Rất nhiều người dân Anh với lòng tôn kính Hoàng gia đã đến đây “cắm trại” từ trước vài ngày để không bỏ lỡ “sự kiện thế kỷ” khi chú rể William dắt tay cô dâu Middleton bước chân ra khỏi tu viện. Một trong số đó là John Loughrey, 56 tuổi, người mà tôi đã hỏi chuyện trước đó vài ngày. Anh cho biết tình cảm nồng nàn dành cho Công nương Diana – người mẹ quá cố của Hoàng tử William - đã thôi thúc anh đến đây sớm hơn tất cả.

Chỉ có khoảng 600 vị khách được chính thức mời tham dự lễ cưới. Hầu hết trong số họ là những nhân vật quan trọng, giới thượng lưu, người nổi tiếng, đại diện của các chính phủ và hoàng gia khác. Tất nhiên không có Loughrey trong đó.

Đúng 12 giờ 15 phút ngày 29/4 (giờ Anh), Hoàng tử William và cô dâu Middleton – cặp đôi vừa được Hoàng gia thông báo sẽ sắc phong tước Công tước và Nữ công tước Cambridge - cùng lên một chiếc xe ngựa cổ, theo sau là các thành viên khác của Hoàng gia, cùng đoàn kỵ binh hộ tống đi về phía Cung điện Buckingham, nơi họ sẽ khai tiệc chiêu đãi chính thức dành cho các quan khách.

Kết quả một cuộc điều tra cho thấy chỉ có hơn 1/3 người dân Anh thực sự quan tâm tới “đám cưới Hoàng gia”, nhưng chừng đó cũng đủ để tạo ra một lượng “fan” khổng lồ vào khoảng 20 triệu người. Kể từ khi William và Kate chính thức công bố lễ cưới vào tháng 11 năm ngoái đã có hơn 9,5 triệu lượt người truy cập vào trang web của Hoàng gia Anh.

Trong số những người thờ ơ với Hoàng gia, nhiều người thậm chí còn cho rằng sự tồn tại của những “ông vua bà hoàng” trong thế kỷ 21 là vô lý và lãng phí tiền của. Phong trào chống chế độ quân chủ không chỉ có ở Anh mà còn xuất hiện ở Thụy Điển, Đan Mạch, Tây Ban Nha..., thu hút hàng chục ngàn người ủng hộ.

Để đảm bảo công tác an ninh trong suốt thời gian diễn ra lễ cưới, cảnh sát Anh đã huy động lực lượng lên đến 5.000 nhân viên sau khi có thông tin các đối tượng gây rối và khủng bố có thể lợi dụng đám đông để ra tay hành động. Cảnh sát đã lập nhiều chốt và tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên đối với du khách. Tuy nhiên, trên đường phố cho đến lúc này vẫn không hề có dấu hiệu của bạo động hay phá hoại, thậm chí cả các hành vi thiếu văn minh như chen lấn, xô đẩy, la hét cũng không.

Trở lại phố The Mall, chúng tôi còn gặp rất nhiều “fan” đến đây cắm trại, chiếm chỗ đẹp để được chứng kiến đoàn lễ rước. Nhiệt độ ngoài trời ở Luân Đôn đêm trước vào khoảng 15 độ C, vừa đủ để họ có thể ngủ tại đây qua đêm trong những căn lều tạm. Một số người còn mang theo cả con nhỏ và thú cưng. Họ bày bánh kẹo, rót rượu vang để cùng nâng cốc chung vui cùng cặp vợ chồng mới cưới.

Một con số ước tính sau đám cưới cả thành phố Luân Đôn sẽ thải ra một lượng rác khổng lồ khoảng 4.000 tấn, tồn dư của những bữa tiệc cả trong nhà và ngoài đường. Nhưng đại đa số du khách Anh đều rất có ý thức bỏ rác vào thùng nên đường phố vẫn giữ được vẻ sạch sẽ đáng kể. Ban tổ chức còn đặt sẵn 1.400 nhà vệ sinh lưu động để phục vụ các du khách có “nhu cầu”.

Trên toàn nước Anh báo cáo có hơn 5.500 lá đơn đăng ký tổ chức những “bữa tiệc đường phố”, nơi mọi người sẽ tụ tập, ăn uống và nhảy múa ngoài trời để chung vui cùng Hoàng gia và cùng cảm nhận niềm tự hào dân tộc. Người Anh vẫn có tiếng là “bảo thủ”. Họ giữ lại từ những mẫu xe buýt vài chục năm, đồng hồ Big Ben hơn 100 năm, tới những nghi thức Hoàng gia có từ hàng ngàn năm. Dường như sợi dây vô hình của tinh thần tự tôn dân tộc là sức mạnh đã đưa nước Anh trở thành một cường quốc hiện đại như ngày nay.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)