06:06 10/06/2011

Cùng cười để tìm thấy mùa thứ 5 trong cuộc sống

Vẫn đủ 4 mùa trong năm của mọi thành phố của khu vực phía Bắc: Xuân- hạ- thu- đông; gắn với 4 giai đoạn trong vòng đời của con người: Sinh- lão- bệnh- tử; ở thành phố Cười còn có một mùa nữa - một mùa mà ai cũng có, ai cũng tìm được...

Vẫn đủ 4 mùa trong năm của mọi thành phố của khu vực phía Bắc: Xuân- hạ- thu- đông; gắn với 4 giai đoạn trong vòng đời của con người: Sinh- lão- bệnh- tử; ở thành phố Cười còn có một mùa nữa - một mùa mà ai cũng có, ai cũng tìm được nhưng lâu nay mọi người đã lãng quên, thờ ơ với nó. Lần này - với ê kíp làm chương trình "Thành phố Cười 5 mùa" (Nhà hát Tuổi trẻ và Vision One phối hợp thực hiện), bắt buộc khán giả sẽ phải tự tìm thấy mùa ấy trong đời mình...

Những mùa của cuộc sống

Có thể, mùa thứ 5 ấy sẽ là "mùa yêu thương", giống như "mùa yêu nhau" trong ca khúc "Giấc mơ Chapi" của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Nhưng thôi, không cần phải vội phỏng đoán, mà hãy chờ tới ngày 19/6 tới, ở Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, mùa thứ 5 sẽ lộ diện. Còn tạm thời, hãy bằng lòng với bốn mùa mà các nghệ sĩ đã bật mí.

Mùa xuân sẽ gắn với tuổi thơ, với những em nhỏ đang cắp sách tới trường, mà hiện diện là ê kíp 10 học sinh lớp mẫu giáo... 7 tuổi (các nghệ sĩ Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ), cùng cô giáo chủ nhiệm (Kim Oanh) và thầy hiệu trưởng (Đức Khuê). Mùa hạ sẽ là mùa của tuổi trẻ với sự hiện diện của Xuân Bắc và Tự Long trong một tiểu phẩm đầy thú vị. Mùa thu, sẽ là mùa của gia đình, của cuộc sống sau hôn nhân với nhiều vỡ mộng, nhiều cãi vã, do "cặp vợ chồng" Quang Thắng - Vân Dung thể hiện. Và cuối cùng, mùa đông, mùa của xế bóng, của tuổi già, với hình ảnh 5 người cao tuổi trong thành phố, trong đó nổi bật sẽ có bà già Lê Khanh.

Một cảnh trong "Thành phố Cười 5 mùa".


“Thành phố Cười 5 mùa” quy tụ các tên tuổi nổi tiếng như: Giáo sư Cù Trọng Xoay, NS Hoài Linh, Minh Vượng, Chí Trung, Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung, Hiệp gà, Thành Trung và toàn bộ đội ngũ diễn viên hài quen thuộc của đoàn kịch 2- Nhà hát Tuổi trẻ.

Và những con người trong thành phố ấy, trải qua 4 mùa của đời mình (cộng với 1 mùa bí ẩn nữa), trải qua vòng đời với đủ buồn vui, sẽ tạo nên một thành phố Cười. Bởi thế, có thể nói lần đầu tiên, một chương trình hài lại có kịch bản rất công phu, tạo thành một vở kịch với đủ lớp lang, đủ hoàn chỉnh cho mỗi tiểu phẩm nhưng lại cũng có tính gắn kết sâu sắc để tạo thành một chỉnh thể. Và những công dân trong thành phố ấy, sống với những sắc màu của thành phố ấy, mỗi người đều có sự ràng buộc với nhau, đều có vai trò trong nhau, sự gắn kết với nhau...

Như Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận "bật mí", thành phố Cười giống như một đoàn tàu, sẽ bắt đầu hành trình từ Hà Nội, và chạy theo dọc chiều dài đất nước, ở mỗi vùng đất, sẽ dừng chân lại và "bồi đắp" thêm cho mình bằng hương sắc của tiếng cười mỗi địa phương. "Ví như ở Hà Nội thì mang hương vị của Thủ đô. Tới Hải Phòng, lại mang hương vị mặn mòi của vùng biển, của tiếng còi tàu hú còi, của những bến cảng rộn ràng tan ca..."- NSƯT Chí Trung, đạo diễn chương trình cho biết.

Với một mùa xuân được “bật mí” tại Hà Nội trong buổi giới thiệu chương trình vừa qua, đã đủ thấy tiếng cười trong "Thành phố Cười 5 mùa" sẽ sâu sắc, sẽ hấp dẫn tới thế nào và sẽ... thời sự ra sao. Một lớp học với những học sinh lớn lộc ngộc, nhưng ngây ngô và chỉ biết yêu... phim Hàn, phim chưởng Trung Quốc. Một lớp học 100% học sinh cận và độ nặng của kính được "minh chứng" bằng việc chơi "Bịt mắt bắt dê" bằng phiên bản mới là chỉ việc bỏ kính ra, chứ không cần bịt mắt thế mà cả lũ đã thành... mù tịt rồi. Một lớp học mà cặp sách các em có thể dùng chơi cử tạ được. Một lớp học mà mùa mưa là có thể đi xuồng tới lớp vì ngập lụt. Có vẻ nhiều điều "thực tế" nhỉ. Chưa kể tới một lớp học, mà học sinh làm tập làm văn về ước mơ trong tương lai, thì em trai muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho các cô chú... diễn viên Hàn Quốc vì họ hay bị ung thư quá; em gái muốn làm luật sư để giúp... bố mẹ li dị vì họ hay cãi nhau quá! Sẽ cảm thấy gì và sẽ ngấm gì sau một buổi học như vậy? Một buổi học điển hình cho mùa xuân - mùa đẹp nhất của một năm, của một đời người và cũng là của một thành phố?

Tính tương tác lơ lửng trên đầu khán giả

Đó là điều các tác giả khẳng định. Chương trình sẽ có tính tương tác rất cao. Nhưng không phải kiểu tương tác xuống khán phòng phỏng vấn khán giả. Mà tính tương tác sẽ lơ lửng trên đầu khán giả trong suốt chương trình, trong mỗi tình huống của chương trình, trong mỗi cách xử lý của nhân vật, trong mỗi phát ngôn của những công dân Thành phố Cười. Và hơn thế nữa, trong việc mỗi khán giả sẽ tự tìm ra mùa thứ 5, và tự xây cho mình một mùa thứ 5 của riêng mình, theo cách cảm nhận, cách yêu thương của mình.

Tính tương tác của tác phẩm còn được những người thực hiện chương trình sáng tạo trên hình ảnh. Tác phẩm có thể thoát khỏi sân khấu truyền thống tăng lên tiếng cười của hình ảnh bằng cách sử dụng màn hình và hình led, kèm theo những bài hát vui nhộn.

Và cũng vì tính tương tác này, nên nhóm tác giả (ông bầu NS kịch câm Phạm Tiến Dũng - Dzũng “Kâm” ; kịch bản Đinh Tiến Dũng - Giáo sư Cù Trọng Xoay và đạo diễn Đỗ Minh Tuân, đạo diễn NSƯT Chí Trung) có chung ý kiến không chọn giải pháp sản xuất DVD cho chương trình. “Sân khấu hài kịch quan trọng nhất là sự tương tác trực tiếp của vở diễn với khán giả”, NSƯT Chí Trung nhấn mạnh.

P.V