05:06 22/05/2011

Cụm kè Mạc Ngạn (Hải Dương) có nguy cơ biến mất vì “cát tặc”

Nằm trên tuyến vận tải thủy quan trọng nối liền vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cụm kè Mạc Ngạn có giá trị duy trì luồng chạy tàu trên tuyến sông Kinh Thầy (tỉnh Hải Dương)...

Nằm trên tuyến vận tải thủy quan trọng nối liền vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cụm kè Mạc Ngạn có giá trị duy trì luồng chạy tàu trên tuyến sông Kinh Thầy (tỉnh Hải Dương). Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác cát trái phép tại khu vực cụm kè Mạc Ngạn, đã làm kè chỉnh trị thành “ốc đảo” giữa lòng sông Kinh Thầy đoạn kè khác đang có nguy cơ biến mất.

Kè T1 thành “ốc đảo” giữa lòng sông Kinh Thầy

Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 7 được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam giao Bộ Giao thông vận tải nhiệm vụ quản lý bảo đảm an toàn giao thông trên 8 tuyến sông thuộc địa bàn các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hải Phòng, trong đó có tuyến sông Kinh Thầy, dài 44,5 km, từ ngã 3 Lấu Khê đến ngã ba Trại Sơn. Trong những năm qua, để cải tạo luồng tàu từ khu vực bãi cạn Mạc Ngạn (km21), bãi Kênh Giang (từ km 26 đến km 28+500) sông Kinh Thầy, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng và duy tu hệ thống kè chỉnh trị. Bởi trước đây khi chưa có kè, luồng sông bị khan cạn, cần chỉnh trị để thông tàu. Tại bãi Mạc Ngạn, Cục đường thủy nội địa đã xây dựng 7 kè; bãi Kênh Giang 14 kè. Sau khi xây dựng, hệ thống kè chỉnh trị trên đã phát huy tác dụng tốt cải tạo luồng chạy tàu qua đoạn cạn phục vụ giao thông vận tải thủy qua lại thuận lợi an toàn.

Tàu khai thác cát trái phép trên dòng sông Kinh Thầy.

Tuy nhiên, từ năm 2010, nhất là những tháng đầu năm 2011, trên sông Kinh Thầy, đoạn tuyến có cụm kè Mạc Ngạn và cụm kè Kênh Giang, các phương tiện tàu thuyền cỡ lớn, mức chứa thấp nhất là 400 m3, cao nhất 700 - 800 m3, đã ngang nhiên khai thác cát lòng sông trái phép. Theo người dân xã Đồng Lạc (thị xã Chí Linh), các tàu khai thác cát này hoạt động hết công suất, dùng các đoạn ống to, dài thả xuống sông hút cát, làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Anh Vũ Đức Cương, Trạm trưởng Trạm quản lý đường thủy nội địa Bến Bình cho biết: Các tàu hút cát hoạt động theo nhóm từ 1-5 tàu, chủ yếu vào đêm khuya, từ 12 giờ đêm đến tầm 3-4 giờ sáng. Khi các tàu thò vòi hút cát ở vị trí nào, thì đê kè và diện tích đất canh tác của nhân dân bị sạt lở nghiêm trọng, bị cuốn trôi xuống lòng sông.

Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Bá Nhuần, Phó Giám đốc Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 7 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) bức xúc: Hiện nay, tại vị trí giữa các kè T1 đến T2 (thuộc địa phận xã Đồng Lạc, thị xã Chí Linh); kè H1 đến H4 (thuộc địa phận xã Quang Trung, huyện Kinh Môn) thuộc cụm kè Mạc Ngạn, các phương tiện khai thác cát bất chấp Luật Giao thông đường thủy nội địa, đã ngang nhiên khai thác cát trái phép xâm phạm hành lang bảo vệ đê điều, bảo vệ kè, làm sạt lở gốc kè và có nguy cơ sập toàn bộ hệ thống kè chỉnh trị giao thông tại 2 vị trí T1, T2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa và đê điều. Đến tháng 3/2011, khai thác cát trái phép đã xâm thực vào bờ, cuốn trôi đất sản xuất, biến kè chỉnh trị T1 thành “ốc đảo” nằm giữa lòng sông Kinh Thầy, cách bờ hơn 50 mét. Theo ông Nguyễn Bá Nhuần, do nằm giữa lòng sông, kè T1 hiện không còn tác dụng. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trọng Thắng, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc (thị xã Chí Linh): Do các tàu khai thác cát trái phép đã làm sạt lở hơn 40.000 m2 đất nông nghiệp trên các bãi bồi dọc theo sông Kinh Thầy thuộc địa phận xã Đồng Lạc.

Khó khăn khi chống “cát tặc”

Trước nguy cơ biến mất cụm kè Mạc Ngạn, hơn 1 tháng nay, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 7 đã cử người và 1 tàu xuống canh gác, đồng thời “đề nghị” chính quyền địa phương phối hợp để đuổi tàu, bảo vệ kè, nhưng hiệu quả chưa cao. Về phía chính quyền địa phương, theo ông Lưu Hữu Nhặn, Chủ tịch UBND xã Quang Trung (huyện Kinh Môn): UBND xã đã nhiều lần tổ chức lực lượng ra ngăn chặn, nhưng khi đến nơi các phương tiện khai thác cát đẩy tàu ra giữa lòng sông tắt máy không hoạt động, thấy im lại tiếp tục khai thác. Do không có đủ phương tiện để ngăn chặn và giữ tàu, lãnh đạo xã đã báo cáo UBND huyện Kinh Môn. Huyện Kinh Môn đã tổ chức lực lượng vây ép tàu khai thác cát trái phép về huyện xử lý theo pháp luật, nhưng chỉ được một thời gian, các tàu lại lén lút khai thác cát. Không chỉ cấp chính quyền, người dân xã Quang Trung khu vực có diện tích trồng dâu bị sạt lở đã tổ chức ngăn chặn, xua đuổi tàu không cho khai thác cát lòng sông, nhưng vẫn không giải quyết được triệt để.

Về phía xã Đồng Lạc (thị xã Chí Linh), ông Nguyễn Trọng Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã kết hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống và xử lý khai thác cát lòng sông trái phép, bắt được một số tàu, thu hồi một số máy nổ hút cát. Ban Chỉ đạo cũng đã xử phạt, nhưng đến nay việc khai thác cát trái phép vẫn xảy ra ở các khu bãi dọc theo dòng sông Kinh Thầy.

Lý giải về nguyên nhân không giải quyết được triệt để khai thác cát trái phép, ông Lưu Hữu Nhặn cho rằng: Do công tác quản lý tài nguyên của 2 xã Quang Trung và Đồng Lạc còn mang tính độc lập, xã nào có tàu khai thác cát trái phép thì xã đó ngăn chặn, nên chưa có sự phối hợp đồng bộ trong ngăn chặn tàu khai thác cát trái phép, xã này đuổi tàu lại chạy sang xã khác. Bên cạnh đó, lực lượng ở cấp xã còn ít, phương tiện không có; việc phối hợp hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn và xử lý chưa đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, do tàu hút cát vào ban đêm nằm ở xa bờ nên việc ngăn chặn và xử lý của chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Cần chấm dứt việc xâm hại cụm kè Mạc Ngạn

Những ngày này, việc khai thác cát trái phép vẫn tiếp diễn trên sông Kinh Thầy, đoạn khu vực cụm kè Mạc Ngạn. Theo đánh giá của Đoạn đường thủy nội địa số 7, thực trạng này rất đáng báo động. Nếu tình trạng khai thác cát trái phép vẫn tiếp tục diễn ra, cộng với nếu xảy ra lũ lụt, nguy cơ toàn bộ đất khu cụm kè Mạc Ngạn rất dễ bị cuốn trôi xuống sông. Khi đó, kè lại có thể trở thành vật cản đến an ninh đường thủy nội địa.

Trước thực trạng này, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 7 đã có văn bản gửi: Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương; Ban Chỉ đạo phòng chống và xử lý khai thác cát lòng sông trái phép; Phòng Cảnh sát đường thủy tỉnh; UBND thị xã Chí Linh; huyện Kinh Môn; các xã Đồng Lạc, Quang Trung và Đội Thanh tra giao thông đường thủy số II, sớm có biện pháp kiểm tra và phối hợp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật để chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép xâm hại đến đê điều và kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy tại cụm kè Mạc Ngạn sông Kinh Thầy.

Hiện nay, nếu việc khai thác cát trái phép trên tuyến sông Kinh Thầy không được ngăn chặn kịp thời thì nguy cơ biến mất cụm kè Mạc Ngạn là rất dễ xảy ra. Thực tế này rất cần các cơ quan chức năng của tỉnh, thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn và các đơn vị liên quan cần có các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, bảo vệ cụm kè Mạc Ngạn trước khi quá muộn.

Trần Tiến Duẩn